Sớm lên chức bà nội, mẹ chồng nên rộng cửa đón con dâu, đón cháu

23/07/2020 - 12:31

PNO - Cô dâu rồi sẽ là “người nhà mình", đứa cháu có ra đời sớm hơn thì cũng là máu mủ ruột thịt, biến ngày vui thành ngày mặc cảm nhất đời của ai đó, liệu có nên, dù đó là phong tục?

Xem clip mẹ chồng bắt con dâu vào nhà bằng cửa sau, tôi thương cho cô dâu, chú rể, lẫn bà mẹ chồng.

Trong xã hội hiện đại này, chuyện cưới hỏi, giỗ chạp… người ta càng tiết giảm càng tốt, nhiều đám cưới còn tổ chức bằng hình thức online. Chuyện hiếm muộn vô sinh nhan nhản ra, nên khi con trai lấy được vợ, lại sớm có cháu bồng, đáng lẽ gia đình đôi bên phải tổ chức song hỉ, chứ mắc gì mà làm khổ nhau chuyện cửa trước với cửa sau?

Hình ảnh cô dâu có bầu bị mẹ chồng không cho vào cửa chính (Ảnh từ Internet)
Hình ảnh cô dâu có bầu bị mẹ chồng không cho vào cửa chính (Ảnh từ Internet)

Cưới xin vốn là chuyện trọng đại của đời người. Người lớn chú trọng lễ nghi thủ tục hoàn toàn là chuyện nghiêm túc chính đáng, nhưng lễ nghĩa, khác với lễ nghi nhất là những thủ tục kiêng khem khiến người trong cuộc lo sợ đủ đường, khiến cho con cái thấy ngột ngạt, áp lực.

Bà cô tôi gốc Huế, ngày cưới thằng con trai, bà tuyển chọn từng người trong thành phần bưng bê cau trầu, trải drap giường và những người đi xin dâu phải là từng cặp "nguyên vợ nguyên chồng".

Tội nghiệp cho bác cả đã mất vợ, đáng lẽ theo vai vế bác sẽ đi đầu, nhưng thuộc diện “khuyết” nên ở nhà tiếp khách. 2 em tôi sau đó sang Hàn Quốc lập nghiệp, đám cưới được 5 năm thì cuộc hôn nhân của các em cũng khép lại. Giường cưới của em, dù được cặp vợ chồng hạnh phúc nhất xóm trải chiếu, giờ cũng trơ ra đấy. Con dâu không còn, mà chú rể cũng chẳng buồn về, mẹ chồng cô đơn ra vào ngẩn ngơ.

Ở Bình Phước cũng có tình huống tương tự nhưng chú rể đã nhanh tay bế vợ vào cửa chính trước sự bất lực của mẹ mình (Ảnh Intrernet)
Ở Bình Phước cũng có tình huống tương tự nhưng chú rể đã nhanh tay bế vợ vào cửa chính trước sự bất lực của mẹ mình (Ảnh Intrernet)

Riêng chị đồng nghiệp tôi thì mãi chưa cưới vợ được cho con, không phải con chị không có ai ưa, mà làm đám hỏi rồi nhưng nhà ngoại “chưa xin ngài” được ngày lành tháng tốt. Lần khân từ ra Giêng đến tháng đầu tháng 8,  cận ngày cưới thì bà ngoại bên nhà gái qua đời. Đám cưới lại kéo dài thêm, mặc cho cô dâu chú rể ngày ngày thấp thỏm.

Xưa xem “ăn cơm trước kẻng” là chạm tới danh dự của gia đình, “phạm thượng” với ông bà tổ tiên, nên cô dâu về nhà chồng phải đi bằng cửa sau, không được thắp hương trước ban thờ gia tiên, chưa kể tiếng tăm sẽ không còn giới hạn ở 1 vùng 1 khu phố. Đám cưới tưởng như lặng lẽ thì lại tai tiếng hơn khi sự phân biệt đến từ những người thân tộc.

Cô dâu, dẫu xa lạ cũng thành “người nhà mình", đứa cháu có ra đời sớm hơn thì cũng là máu mủ ruột thịt, biến ngày vui thành ngày mặc cảm nhất đời của ai đó, liệu có nên tiếp tục giữ, dù đó là phong tục?

Có cháu nội sớm, bà nội phải vui hơn mới phải (Ảnh minh họa)
Cháu nội ra đời sớm hơn mong đợi, bà nội lẽ ra phải vui hơn chứ? (Ảnh minh họa)

Có bà mẹ chồng suốt ngày đi chùa để cầu có đứa cháu đầu lòng. Con trai bà 2 đời vợ mà vẫn chưa có 1 mụn con. Vốn xét nét, đi tìm vợ cho con để được “môn đăng hộ đối" thì giờ bà rao: “Cô gái nào đẻ cho bà được mụn cháu, về nhà bà chỉ hưởng thụ chứ không phải đụng tay đụng chân bất cứ việc gì”. Chẳng có "cô gái nào", chẳng thấy cháu bà đâu, chỉ thấy anh con trai suốt ngày ủ rũ, tìm rượu bia giải sầu.

Không cổ xúy chuyện có con rồi mới cưới, chuyện ra điều kiện phải có cháu trước khi có dâu để khỏi mất công mất của, nhưng nếu cha mẹ có cái nhìn hiện đại và nhân ái, đám cưới sẽ nhẹ nhõm, sẽ là ngày vui của mọi người, chứ không phải sự kiện khoét thêm nỗi buồn, nỗi hận.

                                                       Lâm Hoàng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI