Số về già không được thanh thản

28/12/2020 - 14:26

PNO - Vợ chồng đã U70 mà chúng tôi phải nai lưng nuôi cả con gái ly hôn chồng lẫn con trai ly thân vợ, thêm đứa cháu ngoại...


Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Tôi năm nay 62 tuổi, chồng tôi gần 70, cả hai vợ chồng đều đã về hưu. Lẽ ra ở tuổi này, vợ chồng già đã được thanh thản, nhưng số trời không cho.

Vợ chồng có hai đứa con, cách đây chục năm con gái đã ly hôn, mang con về ở với cha mẹ; nay lại thêm con trai ly thân với vợ, về nhà cha mẹ, nói là sống tạm một thời gian để vợ chồng xác định lại, nhưng tôi coi thái độ của con dâu thì chắc chúng cũng ly hôn rồi ai đi đường nấy mà thôi. 

Thật lòng, con mình sinh ra, nuôi dạy, lớn lên chúng có thế nào thì cũng có phần trách nhiệm của mình trong đó. Lúc đầu con gái về ở trong nhà, tôi thương con, trách rể, nên cố sức bù đắp cho mẹ con nó. Nhưng bây giờ thì tôi thấy mệt mỏi rồi chị ạ.

Các con ở với cha mẹ, cái tính ỷ lại không thể bỏ được. Mình chừng này tuổi, nghỉ hưu có lương, lẽ ra kinh tế cũng không phải chật vật lắm. Nhưng nhà thêm người, thêm tiền ăn tiền tiêu, mà con đưa tiền thì tháng có tháng không, nhiều khi tính toán đến đau cả đầu. Đó là chưa kể điện nước đều tăng, thỉnh thoảng con lại hỏi xin hỏi vay. Thêm nữa, sinh hoạt của người già cũng khác, con cháu mình, chẳng lẽ lại khó khăn với chúng nó? Nhưng đúng là có khi ở trong nhà mình mà không được yên thân. 

Điều tôi buồn nhất là con gái tôi, lúc mới chia tay chồng chỉ ngoài 30, tôi vẫn nghĩ nó sẽ tìm ai đó để xây dựng lại. Nhưng đến nay vẫn ở yên trong nhà, gần 40 tuổi rồi còn ai chịu rước nó nữa? Cứ vậy, nó sẽ ở luôn với cha mẹ. Đành rằng trách nhiệm của cha mẹ là nuôi con, nhưng ví như có cách nào để các con đừng sống dựa vào nhà cha mẹ, tự lập thân.

Tôi không biết chuyện này có phổ biến ở các gia đình khác không? Và các gia đình khác giải quyết bằng cách nào?

Phương Thùy (TP.HCM)

Từng này tuổi rồi  mà tôi phải lo lắng cho con - Ảnh minh họa
Từng này tuổi rồi mà tôi phải lo lắng cho con - Ảnh minh họa

Chị Phương Thùy thân mến,

Đúng là không riêng gia đình chị gặp tình trạng này. Chuyện các bạn trẻ “tầm gửi” vào ông bà già đang ngày càng phổ biến. Thậm chí có những bạn trẻ không thích nghi được với công việc, nghỉ làm, về nhà ở luôn với cha mẹ. Cha mẹ thương con, không nỡ mắng đuổi, cứ vậy dung dưỡng cho con, vô tình dung dưỡng luôn cái tính ỷ lại, dựa dẫm. 

Chị nên gọi các con lại, họp gia đình, thẳng thắn phân tích cho các con biết. Cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy các con, cho ăn học nên người, có nghề nghiệp đàng hoàng, dựng vợ gả chồng tử tế. Trách nhiệm của người làm cha mẹ coi như vợ chồng chị đã hoàn thành rồi. Giờ đây cha mẹ tới tuổi này, lẽ ra là tuổi được nhận báo đáp từ các con, không phải tuổi cứ phải lo, phải hầu các con mãi được.

Mặt khác, cứ sống mãi trong nhà cha mẹ, không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, cũng làm cho cha mẹ lo lắng phiền não. Ở nước ngoài, thanh niên trên mười tám tuổi đã tách khỏi gia đình. Chị cứ mạnh dạn đề nghị các con tự thu xếp cuộc sống riêng, tự tìm lấy chỗ ở, mua được nhà thì tốt, không thì thuê nhà ở cũng không sao. Cha mẹ giúp được cho con những thời điểm khó khăn, các con phải tự mình ổn định cuộc sống về lâu dài.

Chị đừng sợ các con giận dỗi, trách móc. Có thể lúc đầu chúng sẽ vùng vằng, nặng nhẹ, nhưng vài ba năm nữa, khi đã ổn định, các con sẽ biết ơn chị. Cứ tạo một áp lực rõ ràng để các con chị phải đối diện và giải quyết việc của mỗi người. Ở một số gia đình khác, cũng có chuyện các con nhìn vào nhà đất, tài sản của cha mẹ.

Có thể chị cũng cần phải nói rõ với các con: gia sản này là thành quả lao động của cha mẹ, cha mẹ hoàn toàn có quyền định đoạt, và đầu tiên là để chu cấp cho cha mẹ trong tuổi già, thừa kế không phải là chuyện ưu tiên. Khi các con tự lập được rồi, chị sẽ yên tâm hơn, lúc đó có tính toán lại, dành cho con khoản này khoản nọ cũng không muộn. 

Thương con, nhưng khi các con không còn bé dại, mình cũng phải để con chịu trách nhiệm về quyết định của chúng. Có thể, ra khỏi nhà ba mẹ, các con sẽ rất khó khăn, sẽ phải vật lộn với thiếu thốn. Chúc chị chuẩn bị tinh thần vững vàng để dạy con trong những ngày tháng khó khăn này, chị nhé. 

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI