Sinh viên bị nước cuốn trôi: Trách nhiệm thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM

11/07/2013 - 10:00

PNO - Ngày 10/7, ông Lê Ngọc Hùng - phó giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, TP.HCM - cho biết khu vực xảy ra cái chết của sinh viên Đinh Thị Phương Thảo nằm trong mặt bằng các tuyến đường nội bộ Đại học Quốc gia TP.HCM.

Sinh vien bi nuoc cuon troi: Trach nhiem thuoc DH Quoc gia TP.HCM

Ngày 10/7, Trung tâm quản lý đô thị của Đại học Quốc gia TP.HCM lắp đặt hàng rào, trụ đèn chiếu sáng trên đoạn đường 'tử thần' - Ảnh: Đ.Phú

Khu vực này từ trước đến nay khu không quản lý, do đó khu đã không tổ chức tuần tra và xử lý những vấn đề phát sinh trong khu vực này.

Cùng ngày, ông Nguyễn Văn Công - phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM - cho biết trung tâm đã cử cán bộ đến hiện trường. Trung tâm xác định việc quản lý hệ thống thoát nước ở rạch Suối Nhum thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Dương, không thuộc trách nhiệm của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM.

Ông Lê Cảnh Dần - trưởng Ban quản lý dự án Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bình Dương - cho biết hiện đơn vị này đang quản lý dự án cải tạo Suối Nhum nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước cho thị xã Dĩ An, Bình Dương. Tuy nhiên, dự án này đang gặp một số vướng mắc về kỹ thuật do vướng đường cấp nước của Nhà máy nước Thủ Đức. Mặt khác, số vốn của dự án quá lớn (theo tính toán hơn 500 tỉ đồng và dự kiến sẽ còn điều chỉnh tăng thêm)... nên dù có chủ trương thực hiện từ năm 2001 nhưng tới nay vẫn chưa thực hiện được bao nhiêu. Dự kiến sắp tới ban quản lý dự án sẽ đề xuất UBND tỉnh Bình Dương điều chỉnh một số nội dung của dự án này.

Mục tiêu chính của dự án là thoát nước cho thị xã Dĩ An, nhưng muốn thực hiện được phải làm một số hạng mục liên quan đến địa phận của Đồng Nai và TP.HCM.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối giờ chiều 10/7, ông Huỳnh Thành Đạt, phó giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết: “Ngay chiều 9/7, chúng tôi đã có hội ý để bàn biện pháp khắc phục cũng như đề phòng, hạn chế tối đa những tình huống tương tự trong thời gian sắp tới, nhanh chóng cho gắn đèn, lan can chắn... Đến thời điểm này, mọi công việc như lắp biển cảnh báo, hệ thống thanh chặn và đèn chiếu sáng đã hoàn tất, đảm bảo buổi tối vẫn an toàn với khoảng 10 đèn chiếu sáng. Theo tôi nghĩ thì khu vực đó hiện đã an toàn”.

Chiều cùng ngày, ông Trần Thanh An, giám đốc ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết ông đang trên đường trở về TP.HCM sau khi cùng đoàn công tác hỗ trợ đưa đồ đạc, thi thể sinh viên Thảo về quê. Sinh viên Thảo có đóng bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế nên nhà trường cũng đang tiến hành các thủ tục cho gia đình.

“Chúng tôi hiện đang làm hết khả năng để hỗ trợ gia đình nạn nhân. Việc này hoàn toàn ngoài ý muốn, sự việc xảy ra có cả trách nhiệm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và Đại học Quốc gia nữa. Theo người dân sống gần khu vực đó thì họ đã xua tay, cảnh báo không nên đi đường đó nhưng các em sinh viên vẫn đi nên cuối cùng sự việc đau lòng đã xảy ra” - ông An nói.

Quê nhà tiếc thương Phương Thảo

23g30 ngày 9/7, ôtô của Đại học Quốc gia TP.HCM đã đưa thi thể sinh viên Đinh Thị Phương Thảo về quê nhà (đường Nguyễn Thái Học, P.Quang Trung, TP Quy Nhơn, Bình Định). Rất đông người thân, bạn bè, hàng xóm đã đến chia buồn cùng gia đình. Ngoài ra còn có cả những người không quen biết ở tận thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Bình Định cũng đến viếng đám tang.

Ông Đinh Thanh Đang, cha của Thảo, là thương binh 4/4, trước đây đi bộ đội ở chiến trường Campuchia, sau về làm nghề sửa xe máy tại nhà nhưng hai năm nay bị tai biến mạch máu não đành bỏ nghề. Còn vợ ông làm nghề buôn bán ve chai. Ngoài Thảo, vợ chồng ông Đang còn một người con gái là em của Phương Thảo vừa học hết năm 1 khoa công nghệ thông tin cùng trường với Thảo. “Tài sản quý giá nhất của tôi là hai đứa con gái. Khi nghe bạn của con điện về báo hung tin tôi cứ nghĩ mình nghe nhầm chứ không tin có chuyện con mình bị nạn. Gia đình và họ hàng ai cũng bàng hoàng. Vợ chồng khó khổ nhưng cố gắng nuôi nấng hai con ăn học, giờ mất con làm sao tìm lại được...” - ông Đang nghẹn ngào.

Theo N.ẨN - M.HƯƠNG - B.SƠN -H.SEN (Tuổi Trẻ)

Cần khởi tố vụ án hình sự

Cái chết của sinh viên Đinh Thị Phương Thảo hoàn toàn thuộc về lỗi của con người. Nếu những người có trách nhiệm làm đúng trách nhiệm của mình, chắc chắn cái chết đau lòng này đã không xảy ra.

Về nguyên nhân cái chết đã xác định được là do trời mưa, miệng cống nhỏ thoát nước không kịp, làm nước dâng lên ngập đường, tạo luồng chảy áp lực mạnh, cuốn trôi người đi đường.

"Trong tai nạn này cũng không thể đổ lỗi là do thiên tai hay bất khả kháng. Vì cơn mưa chỉ là một diễn biến thời tiết bình thường"

Ngoài ra, chính ông Huỳnh Ngọc Sang, giám đốc Trung tâm quản lý đô thị Đại học Quốc gia, đã thừa nhận thời gian qua trung tâm đã nhận được nhiều phản ảnh về tình trạng người dân, sinh viên chạy xe ngang qua cống lúc trời mưa thường bị cuốn. Và “chúng tôi đã thường xuyên cử lực lượng xuống vớt rác, khơi thông dòng chảy. Tuy nhiên vẫn chưa tránh khỏi tai nạn xảy ra”. Điều này cho thấy vị lãnh đạo này biết rõ đâu là trách nhiệm của mình.

Hay nói khác đi, việc trời mưa tạo thành “bẫy chết người” không phải là điều mà những người có trách nhiệm không biết. Rõ ràng, Trung tâm quản lý đô thị Đại học Quốc gia hoàn toàn có thể khắc phục được hoặc chí ít là hạn chế được những tai nạn chết người như vậy nếu đoạn đường này có biển cảnh báo tương xứng, được dựng hai hàng lan can bảo vệ. Đây là những việc hoàn toàn trong tầm tay và không có gì đáng để nói, nếu những người có trách nhiệm thật sự có trách nhiệm, biết lo cho tính mạng, an toàn của sinh viên.

Xét về mặt xây dựng, khi thi công, chủ dự án có trách nhiệm phối hợp với nhà thầu phải bảo đảm an toàn, an ninh khu vực thi công. Phải áp dụng các biện pháp che chắn, làm đường tạm, dựng rào ngăn cách, gắn biển cảnh báo... nếu thuộc khu vực không cho phép người dân qua lại.

Xét về mặt quản lý, theo điều luật, người có trách nhiệm quản lý rõ ràng đã vi phạm quy định về quản lý, không áp dụng các biện pháp cảnh báo, phòng ngừa tương ứng, dù đã được phản ảnh, biết rõ là nguy hiểm, dẫn đến hậu quả chết người.

Xét về thiết kế thi công, rõ ràng với lượng nước rất lớn khi trời mưa mà thiết kế chỉ có vài ống cống nhỏ xíu, không thể thoát nước cho thấy có sự cẩu thả, tắc trách trong thiết kế, thi công đoạn đường này.

Liên tưởng đến nhiều cái chết đau lòng khác trên khắp cả nước trong vài năm gần đây liên quan đến trời mưa mà chưa bao giờ có ai bị xử lý, hay chí ít phải chịu trách nhiệm trong khi lỗi hoàn toàn thuộc về con người, thì người dân, trong đó có tôi, không khỏi hoài nghi về tính nghiêm minh của pháp luật. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng có “lỗ hổng” trong việc áp dụng những quy định của pháp luật hiện nay? Tại sao chết người mà không có ai chịu trách nhiệm?

Trong sự việc này, tôi cho rằng các cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án hình sự để điều tra làm rõ có hành vi phạm tội hay không? Hoặc chí ít cũng xác định được ai có lỗi, phải chịu trách nhiệm hay không? Về mặt dân sự, thiết nghĩ Trung tâm quản lý đô thị Đại học Quốc gia cần phải xin lỗi và bồi thường cho gia đình Thảo. Vì họ đã có lỗi thiếu trách nhiệm trong quản lý đoạn đường này.

Hai tội danh

Để xem xét “tới cùng” về trách nhiệm pháp lý, tôi cho rằng người lãnh đạo của cơ quan có trách nhiệm quản lý đoạn đường này thậm chí có thể bị xem xét đến trách nhiệm hình sự, liên quan đến hai tội danh sau:

Một là, tội “vi phạm quy định về quản lý các công trình giao thông” quy định tại điều 220 Bộ luật hình sự đối với “Người nào có trách nhiệm trong việc quản lý các công trình giao thông đường bộ mà vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng của người khác”.

Hai là, tội “vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại điều 229 Bộ luật hình sự dành cho “Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công... gây thiệt hại cho tính mạng người khác” thì có dấu hiệu của tội này.

Luật sư TRẦN HỒNG PHONG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI