Saxophone Trần Mạnh Tuấn và buổi biểu diễn đặc biệt

28/07/2021 - 13:04

PNO - Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn vừa có một buổi biểu diễn đặc biệt nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình. Trên quê hương những ngày thương khó, vẫn còn chỗ cho những bản tình ca đầy thân phận cất lên.

Anh nói với Báo Phụ Nữ TP.HCM về những bối rối, xúc động, thậm chí là những giọt nước mắt chực rơi của một người đàn ông có hơn 40 năm làm nghề, khi được chơi nhạc cho những khán giả đặc biệt ở Bệnh viện Dã chiến số 3 và số 6 (TP.HCM). 

* Phóng viên: Xin hỏi, buổi “biểu diễn” của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nằm trong chương trình nào?

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn: Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động do Nhà văn hóa Thanh niên đứng ra tổ chức, nhóm tình nguyện viên nghệ sĩ chia thành các tốp để tham gia nhiều hoạt động khác nhau, trong đó có hoạt động cắt tóc cho các bác sĩ, lực lượng y tế đang làm việc tại những khu điều trị COVID-19, kết hợp phục vụ văn nghệ tại một số điểm đến phù hợp. Tôi và các đồng nghiệp đã có một đêm trình diễn đầy cảm xúc và đáng nhớ trên một sân khấu đặc biệt, để phục vụ hàng trăm y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu, cùng hàng ngàn bệnh nhân F0 đang điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 và số 6.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong buổi biểu diễn ở bệnh viện dã chiến, buổi biểu diễn đặc biệt trong hơn 40 năm làm nghề của mình - ẢNH: Q.C.T
Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn trong buổi biểu diễn ở bệnh viện dã chiến, buổi biểu diễn đặc biệt trong hơn 40 năm làm nghề của mình - ẢNH: Q.C.T

* Đó có phải là buổi biểu diễn đặc biệt nhất trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của anh? 

- Gần 40 năm hoạt động âm nhạc, biểu diễn biết bao sân khấu lớn, nhỏ, khắp thế giới; thậm chí, tôi từng biểu diễn ca khúc Về quê ở độ cao 33.000m - cũng được xem là một sân khấu lạ, nhưng nói về cảm xúc, không thể so sánh với sự đặc biệt của lần này. Xe chở chúng tôi từ đường lớn vào, qua những chặng kiểm soát, tôi thấy từng tốp người mặc quần áo bảo hộ, những người đang khám bệnh… ở các tòa cao tầng bên trong, xung quanh là bóng tối. Không khí lành lạnh.

Là một người có bệnh nền, thú thật, nếu bình thường, tôi rất ngại khi bước vào một không gian nhiều rủi ro như thế này. Nhưng mọi lo lắng đi qua khi tôi cầm saxophone lên và chơi Về quê, Quê hương, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em.

Quanh tôi là một không gian rộng đảm bảo an toàn phòng dịch, người ở trên các tòa nhà nhìn xuống là những khán giả quá đặc biệt của mình. Sân khấu được chuẩn bị rất không chuyên nghiệp, mộc mạc, chẳng có ánh đèn lung linh rực rỡ.

Ngoài ánh sáng từ các tòa nhà hắt ra, thỉnh thoảng có ánh đèn, âm thanh các xe cứu thương xen vào. Lúc đó, tôi không biết phải diễn tả cảm xúc ra sao, chỉ biết nước mắt mình cứ chực rơi vì xúc động. Không khí này lạ quá, đặc biệt quá và buồn quá, nhưng tôi vẫn phải kìm nén, hít thật sâu để chơi cho trọn vẹn bản nhạc. Cũng may được sự cổ vũ của bệnh nhân, y, bác sĩ, họ đứng ra ban công vọng xuống, bật điện thoại lên, có người quay clip/chụp ảnh, có người chiếu ánh sáng. 

Trở về nhà rồi, tôi vẫn không sao ngủ được. Những cảm xúc của buổi biểu diễn vẫn còn đó, lâng lâng. Có một sự thăng hoa rất lớn, và tôi rất hạnh phúc khi âm nhạc của mình có thể xoa dịu phần nào mệt mỏi, lo lắng cho những người ở đó. 

* Cách đây hai năm, nghệ sĩ Nhật Bản Kato Tokiko có nói một ý, ở đâu có sự sống, ở đó có tiếng hát, có âm nhạc, và bà tin sức mạnh của âm nhạc có thể hàn gắn những vết thương. Là một nghệ sĩ đã chơi nhạc hơn 40 năm, anh nghĩ gì về điều này?

- Ý này, anh Trịnh Công Sơn cũng từng nói: “Qua ca khúc, tôi đã đến gần và đã đi xa những chuyện tình, đã tham dự những nỗi hân hoan của đời người và cũng đã gánh nhẹ giùm những phiền muộn”. Anh cũng nói: “Vì có tình yêu nên có âm nhạc. Vì có khổ đau nên có âm nhạc. Có hạnh phúc nên cũng có âm nhạc”, “Ở đâu có con người, ở đó có tiếng hát.

Trên mặt đất, trần gian này, tiếng hát nhắc nhở ta một điều giản dị: tôi hát là tôi hiện hữu”… Tất nhiên, bà Kato Tokiko và anh Sơn là bạn của nhau nên ý hướng, cảm nghiệm của họ về cuộc đời và âm nhạc có nhiều nét tương đồng. Là thế hệ đàn em, tôi luôn nhắc mình về sức mạnh của âm nhạc trong việc hàn gắn vết thương cho người khác và cứu rỗi chính mình.

Âm nhạc có chức năng rất đặc biệt: sự chia sẻ. Trong cùng ngôn ngữ âm nhạc, con người trở nên đồng cảm với nhau, gần nhau hơn, thương yêu nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tôi tin vào sức mạnh của nó, cũng như tin vào sức mạnh nội tâm của con người. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù chiến tranh, bão đạn, hay dịch bệnh, trong những lúc khốn cùng nhất, chúng ta vẫn luôn đấu tranh để bảo vệ sự sống, bảo vệ những điều thân thuộc nhất.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn tại bệnh viện dã chiến:

 

 

* Người ta hay nhắc đến trách nhiệm công dân của nghệ sĩ một cách sáo rỗng, mô phạm, cứng nhắc. Có một cuộc trình diễn trên quê hương những ngày đặc biệt đó, nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn nghĩ gì về điều này?

 

- Đúng là lâu nay, khi nhắc đến trách nhiệm công dân của nghệ sĩ, người ta hay cảm thấy khiên cưỡng, cứng nhắc. Nhưng có lẽ, nếu có trải nghiệm, sống và chơi nhạc trong những hoàn cảnh đặc biệt, như trong trường hợp này, mới hiểu một cách sâu sắc điều đó. Chính lúc xem lại clip người ta quay mình đang chơi nhạc, nghe những âm thanh chính mình tạo ra, tôi còn nổi da gà.

Tôi biết, trên mạng, cũng có người này người kia nói rằng, trong lúc người ta đang buồn, đang lo lắng, sao Trần Mạnh Tuấn lại chơi những bản nhạc buồn thế; rồi những lúc như thế này, nhạc với nhẽo mà làm gì… Không phải tự nhiên tôi chọn các ca khúc Về quê, Quê hương, Diễm xưa, Còn tuổi nào cho em để chơi cho những khán giả đặc biệt của mình.

Trong các khu cách ly này, có rất nhiều người từ các tỉnh lẻ đổ về. Khi phải mắc kẹt, chịu cảnh chia cách với người thân ở đây, chắc chắn họ rất nhớ nhà, nhớ gia đình của mình. Những bản nhạc ấy, như một liệu pháp, dung hòa lại, làm vơi bớt phần nào sự nhớ nhung đó. 

* Cảm ơn nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn. 

Đậu Dung (thực hiện)

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI