Sao không trả hồ sơ bệnh án?

13/10/2016 - 06:27

PNO - Nhiều bệnh nhân khi xuất viện không được trả lại kết quả, thậm chí người bệnh ra sức đòi lại mẫu bệnh phẩm, giấy xét nghiệm… đã trả tiền, để chuyển sang cơ sở khác điều trị cũng không được chấp thuận. Vì sao?

Muốn lấy kết quả phải làm đơn

Phản ánh đến báo Phụ Nữ, chị Lắm - người nhà BN N.T.A.L. (53 tuổi, nhà ở tỉnh Trà Vinh) bức xúc: Đầu tháng 7/2016, chị L. phát hiện bị ung thư vú bên phải nên gia đình đưa lên Bệnh viện (BV) Ung Bướu TP.HCM điều trị. Suốt một tháng sau, chị L. vẫn chưa được sắp xếp lịch mổ, chị L. cứ lên xuống liên tục giữa Trà Vinh với Sài Gòn chỉ để làm đủ các loại xét nghiệm.

Thấy chị L. sốt liên tục, khối u to lên, gia đình quyết định chuyển sang cơ sở khác mổ gấp. Đến ngày 29/8, tôi chở chị L. lên khoa Xét nghiệm để lấy kết quả giải phẫu bệnh theo phiếu hẹn, nhưng BV không chịu trả hồ sơ.

Tôi đưa biên lai đóng tiền 950.000 đồng làm xét nghiệm, phiếu nhận kết quả, chứng minh nhân dân nhưng cô nhân viên trả lời: “Không trả gì hết! Theo quy định của BV, BN không được coi kết quả”.

Chị Lắm kể đã làm căng đến muốn khóc: “Trả để tôi đưa chị tôi sang cơ sở khác mổ gấp” thì cô nhân viên bẻ lại: “Ở đây là trung tâm chuyên trị ung bướu mà còn chuyển đi đâu?”. Tôi gào lên chị tôi không còn nhiều thời gian để chờ cái trung tâm này mổ nữa vì khối bướu đã quá to, cô nhân viên mới hạ giọng: “Chị muốn lấy kết quả thì làm đơn lên phòng hành chính nhưng ban giám đốc đi vắng rồi, phải tuần sau mới có mặt”. Quá bức xúc, tôi bỏ tất cả, đưa chị tôi sang cơ sở khác mổ gấp. May mà khối u vẫn chưa di căn, chứ nếu tôi chờ đợi BV Ung Bướu thì liệu bệnh có còn dễ trị không?”.

Sao khong tra ho so benh an?
Bệnh nhân đang lấy số thứ tự để chờ xét nghiệm ở Bện viện Ung Bướu TP.HCM.

Cùng cảnh ngộ, BN N.T.T.L. (46 tuổi, nhà ở Q.Thủ Đức) bị ung thư vú bên trái, cho biết, lúc đầu chị đến BV Ung Bướu để mổ theo diện bảo hiểm y tế, bác sĩ (BS) tên N. tư vấn, nếu mổ diện này phải chờ ít nhất hai tháng mới tới lượt, còn mổ dịch vụ thì trong vòng một tuần, giá 20 triệu đồng.

“Nhìn thấy khối bướu đã ở giai đoạn trễ, tôi không thể chờ hai tháng nên quyết định mổ dịch vụ, đóng tạm ứng ba triệu đồng. Trong quá trình thăm khám, BS N. nói tôi bị nặng nên phải xạ trị trước mổ sau, tôi vô cùng hoang mang. Nhưng đến khi các BS hội chẩn, một BS trưởng khoa gọi tôi vào nói “ca này mổ bình thường, chứ chưa đến nỗi phải xạ trị trước”.

Tôi mất niềm tin với BS N. và quyết định sang cơ sở khác điều trị. Đến cơ sở mới, BS nói tôi lên xin hồ sơ bệnh án, trong đó có giấy xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm đã xử lý… nhưng nhân viên BV Ung Bướu không cho và trả lại 1,5 triệu đồng đã tạm ứng dư trước đó”.

Việc không trả lại hồ sơ bệnh án cho người bệnh gặp nhiều nhất ở các phòng khám tư điều trị hiếm muộn. Chị Tr.T.H. (32 tuổi, quê ở Quảng Nam) đang điều trị hiếm muộn tại BV Hùng Vương, sau khi nhiều lần thụ tinh ống nghiệm thất bại tại một phòng khám tư ở Q.1. Các BS khuyên BN quay trở lại phòng khám điều trị trước đó để xin bệnh án, đỡ tốn tiền làm các xét nghiệm.

Nhưng chị H. không được trả các kết quả xét nghiệm, bệnh án… đành chấp nhận làm lại, mất nhiều thời gian. Cuối cùng, các BS ở BV Hùng Vương cho biết, không cần vội làm ngay thụ tinh ống nghiệm, tốn kém. Sau khi điều trị tại BV Hùng Vương, chị H. đã có được bé gái xinh xắn.

Tiền trao thì cháo phải múc

BS Phạm Xuân Dũng – Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM trả lời báo Phụ Nữ: “Với những BN tự đến hoặc được BV khác giới thiệu đến để thực hiện riêng các xét nghiệm… thì người bệnh sẽ nhận kết quả xét nghiệm tại khoa Xét nghiệm. Riêng những BN đã nhập viện thì BV sẽ đưa kết quả xét nghiệm về khoa mà BN nằm điều trị.

Nếu người bệnh muốn nhận kết quả này phải liên hệ với BS khoa đó để nhận giấy báo kết quả xét nghiệm. Với trường hợp, BN từ chối nhập viện tại BV Ung Bướu và chuyển sang cơ sở khác điều trị, sau đó đến khoa Xét nghiệm xin lấy kết quả xét nghiệm mà vẫn không nhận được, có thể do nhân viên hướng dẫn không rõ ràng, cũng có thể do nhân viên nhũng nhiễu thì BV sẽ làm việc lại”.

Tuy nhiên, BS Dũng nói BV chỉ trả cho BN giấy báo kết quả xét nghiệm, chứ không trả các mẫu bệnh phẩm đã qua xử lý vì BV phải lưu lại làm bằng chứng điều trị, chỉ cho BV điều trị tiếp theo mượn để tham khảo bệnh.

PGS-BS Trần Văn Bình - nguyên Trưởng khoa Huyết & Sinh học, BV Truyền máu - huyết học TP.HCM không đồng tình: “Tiền trao thì cháo phải múc! Tất cả mẫu bệnh phẩm, chi phí mổ lấy khối u, lấy máu xét nghiệm… BN đã trả tiền, là tài sản của người bệnh, BV không trả là không hợp lý. Nếu BN cần thì BV phải trả, thậm chí BN lấy rồi đem về vứt, BV cũng phải đưa.

Nhưng chẳng có BN nào lấy rồi vứt, mà thực tế họ muốn sang nơi khác điều trị vì tin tưởng hơn. Hiện nay, nhiều BV cũng sẵn sàng xử lý mẫu, bảo quản để đưa cho người bệnh như hàng hóa thông thường, không có gì khó khăn. Mặt khác, hiện nay tại Việt Nam chưa có BV nào lưu trữ mẫu bệnh phẩm lâu năm cho người bệnh, do đó trả cho người bệnh là hợp lý”.

BS Phan Thanh Hải - Phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM khẳng định, về mặt luật pháp, người bệnh có quyền đòi hỏi cơ sở điều trị cung cấp hồ sơ bệnh án, kết quả xét nghiệm, mẫu bệnh phẩm… Nếu BV không trả là sai quy định vì đó là tiền, tài sản của BN, BN mướn BV làm.

Thậm chí, ngay cả BN dùng thẻ bảo hiểm y tế thì cũng phải trả cho người bệnh vì đã có bảo hiểm xã hội thanh toán. Cơ sở điều trị muốn lưu giữ thì lưu trong máy tính hoặc sao chép cho BN và có thể tính phí sao chép với giá rẻ. Nếu muốn làm bằng chứng BN có đến điều trị thì yêu cầu BN ký xác nhận đã nhận hồ sơ bệnh án…

“Với những trường hợp BV không trả mẫu bệnh phẩm, giấy xét nghiệm, có thể do cần chẩn đoán tiếp bằng các kỹ thuật cao hơn nên chưa thể trả ngay nhưng cũng có thể cơ sở đã làm mất, hủy mẫu bệnh phẩm của người bệnh. Việc không trả mẫu bệnh phẩm đã qua xử lý cho người bệnh cũng gây khó khăn cho cơ sở điều trị sau, đặc biệt là những BN muốn gửi mẫu bệnh phẩm đó sang nước ngoài điều trị”, BS Hải nói. Nhiều BN cho biết, vì không lấy được mẫu bệnh phẩm nên khi qua Thái Lan, Singapore, họ tốn thêm 60 triệu đồng để xét nghiệm lại.

Theo PGS-BS Trần Văn Bình, ngay cả BV khi mượn mẫu bệnh phẩm với nhau cũng khó khăn, một số BV điều trị trước đó nói bị mất, không còn lưu trữ. Điều này rất nguy hiểm cho những BN bị bệnh ung thư dễ tái phát sau đó, trong khi mẫu bệnh phẩm qua xử lý có thể dùng được vài năm. Mặt khác, mẫu bệnh phẩm là “tài liệu” đáng tin cậy hơn cả phiếu báo kết quả xét nghiệm.

BV Truyền máu - huyết học TP.HCM từng phát hiện có trường hợp chẩn đoán ung thư máu nhưng khi xem lại thì không mắc bệnh. Hoặc nhiều BN được chẩn đoán đúng ung thư bạch cầu (dạng ung thư máu) nhưng lại chẩn đoán sai về mặt hình thái.

Ví dụ, bệnh ung thư bạch cầu có bảy hình thái, được viết tắt từ M1 đến M7. Bảy dạng hình thái này có phác đồ điều trị khác nhau. Với dạng ung thư M1 thì liều thuốc điều trị nhẹ hơn, nếu dùng thuốc mạnh hơn thì BN dễ tử vong, còn nếu bệnh nặng hơn, điều trị sai cũng dễ chết vì không đủ liều, thậm chí mỗi dạng hình thái thuốc điều trị cũng khác nhau. Việc cho BN “mượn” mẫu bệnh phẩm qua xử lý còn là cách để BS này kiểm tra chéo tay nghề của BS kia.

 Văn Thanh - Xuân Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI