Rào cản của việc thăm khám cho trẻ trầm cảm

23/12/2016 - 11:07

PNO - Cha mẹ hay mất cảnh giác trước những cảnh báo của trẻ. Những gì trẻ phải đối mặt đôi khi vượt qua khả năng ứng phó của trẻ, khiến chúng cảm thấy nản và nghĩ rằng mình là kẻ thất bại.

Cha mẹ hay mất cảnh giác trước những cảnh báo của trẻ. Ở lứa tuổi dưới 10, trẻ thường quấy khóc, kén ăn, cảm xúc không ổn định, dễ kích động, tức giận. Trẻ cũng có thể thờ ơ, không có hứng thú, ít giao tiếp với người xung quanh, hay than mệt, đau mà không có nguyên nhân cụ thể. Cha mẹ cho rằng con hư, hoặc khống chế, hoặc mua chuộc trẻ làm theo ý của cha mẹ.

Ở lứa tuổi 13-15, không ít bậc phụ huynh lại yên tâm “qua tuổi rối loạn này con sẽ bình thường” nên không chú ý đến những than phiền, chán nản, bất bình của con. Trẻ thường không muốn hoặc từ chối sự giúp đỡ của người khác. Tuy nhiên, những gì trẻ phải đối mặt đôi khi vượt qua khả năng ứng phó của trẻ, khiến chúng cảm thấy nản và nghĩ rằng mình là kẻ thất bại.

Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang (Giảng viên môn tâm lý học thần kinh và tâm bệnh học phát triển, Khoa Tâm lý, trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM)

Rao can cua viec tham kham cho tre tram cam
Cây tâm sự - một hình thức để học sinh giải tỏa tâm lý của mình trước áp lực học tập hay các mối quan hệ. Các em không nói ra được thì viết ra và treo lên. Chuyên viên tư vấn từ đó có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của HS để hỗ trợ. (Phòng tư vấn tâm lý học đường, THCS Lý Phong, Q.5).

Những dấu hiệu không nên coi thường

- Khí sắc của trẻ giảm, nét mặt nhợt nhạt, thất thường, đôi lúc tỏ ra buồn bã, bi quan, thiếu niềm tin, hy vọng. Hay than phiền, giảm chú ý, thậm chí hay cáu gắt, dễ nổi khùng với lỗi lầm nhỏ…

- Rối loạn giấc ngủ (chiếm 95% số trường hợp), từ đó hay tỏ ra khó chịu, bực bội vô lý. Mộ t số trẻ khó ngủ sâu hoặ c không ngủ đượ c. Số ít trẻ lại trở nên ngủ nhiều hơn bình thường, có thể tới 10-12 giờ mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn.

- Trẻ bị rối loạn vận động, đi đi lại lại, không thể ngồi yên, hoạt động liên tục không có mục đích rõ ràng. Vận động chậm chạp, nói chậm, giọng nói bỗng nhỏ hơn, trả lời câu hỏi gián đoạn lâu hơn.

- Trẻ giảm sút sức khỏe, dễ kiệt sức, mệt mỏi mà không có nguyên nhân.

- Trẻ có cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, cho rằng mình không có giá trị, không làm nên trò trống gì, làm gì cũng sai, hỏng…

- Trẻ khó tập trung suy nghĩ hoặc đưa ra quyết định. Trẻ có thể rối loạn trí nhớ, trở nên hay quên hơn. - Trẻ có ý nghĩ muốn chết hoặc có hành vi tự sát.

Cha mẹ làm gì để giúp đỡ trẻ?

- Đề phòng: tìm hiểu về đặc điểm tâm lý lứa tuổi hiện tại của con em mình và những cách giao tiếp - ứng xử, giáo dục cũng như phương pháp hình thành, phát triển nhân cách phù hợp. Nếu gặp khó khăn, đừng tiếc thời gian, công sức đến gặp những nhà chuyên môn để tìm kiếm sự giúp đỡ.

- Ứng phó: cha mẹ cần ứng xử khéo léo, hãy cố gắng tỏ ra bình thường. Bất kỳ sự xáo trộn cảm xúc hay tỏ ra trầm trọng về phát hiện của mình cộng với ứng xử hoặc can thiệp thô bạo, thiếu phù hợp về tình trạng của trẻ đều có thể “thêm dầu vào lửa” hoặc dấy lên những góc khuất trong đứa trẻ: tỏ ra kích động, tiến tới tự sát… nhanh hơn.

Đưa ra khuyến nghị và giải thích cho những người xung quanh cùng làm giống như mình để tìm cách hỗ trợ trẻ từng bước một. Trước tiên, hãy gọi điện thoại hoặc liên hệ trực tiếp các nhà chuyên môn để trình bày về tình trạng hiện tại, cha mẹ sẽ nhận được hướng dẫn cụ thể để có thể mời trẻ đến gặp chuyên viên tâm lý, giáo dục hoặc bác sĩ mà không/ ít gây khó chịu hay phản đối từ phía trẻ.

Cuối cùng, hãy cam kết tuân thủ nguyên tắc làm việc và phối hợp nghiêm túc với nhà chuyên môn để hỗ trợ trẻ tốt nhất.

Thạc sĩ Tâm lý học Lê Minh Huân (Phòng tư vấn tâm lý học đường, THCS Lý Phong, Q.5)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI