Qua phòng công chứng, vẫn mua trúng xe có giấy tờ giả

19/09/2020 - 06:40

PNO - Ông Lê Huy Hùng - ngụ tại Q.Gò Vấp, TPHCM - phản ánh với Báo Phụ Nữ TPHCM: Phòng công chứng Đ.S. (Q.11) đã “giúp sức” để Nguyễn Xuân Sang làm giả giấy tờ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của ông.

 

Qua giám định, giấy ủy quyền, chứng nhận đăng ký ô tô mà ông Nguyễn Xuân Sang sử dụng để đi công chứng là giả
Qua giám định, giấy ủy quyền, chứng nhận đăng ký ô tô mà ông Nguyễn Xuân Sang sử dụng để đi công chứng là giả

Mang xe đi đăng kiểm, phát hiện giấy tờ giả

Ông Hùng tường trình, qua trang chotot.com, ông thấy tiệm cầm đồ của ông Nguyễn Xuân Sang (315 Phạm Văn Bạch, P.15, Q.Gò Vấp) rao bán xe Toyota Hilux 2.4E với giá 518 triệu đồng. Theo giới thiệu, chiếc xe này do vợ chồng ông Sang quản lý, sử dụng. Thấy giá cả hợp lý, ông Hùng quyết định mua. Do đang đi công tác xa, ông Hùng để vợ mình là Đặng Thị Thanh Thủy cùng một người bạn đến tiệm cầm đồ của ông Sang để ký hợp đồng mua bán. 

 

Ông Sang đề nghị bà Thủy đến Văn phòng Công chứng Đ.S. để thực hiện hợp đồng do xe này đang được người khác ủy quyền. Tại Văn phòng Công chứng Đ.S., bà Thủy mới biết, ông Bùi Thanh Hoàng (sinh năm 1989) mới là chủ chiếc xe, đã ký giấy ủy quyền quản lý, sử dụng cho ông Sang trong thời hạn 10 năm. 

Do không đọc kỹ, bà Thủy không biết giá bán trong hợp đồng ghi chỉ 50 triệu đồng thay vì 518 triệu đồng như giá bán đã thỏa thuận và vẫn thực hiện việc ký kết khi công chứng viên đưa hợp đồng. Việc giao nhận tiền diễn ra tại tiềm cầm đồ của ông Sang và không có giấy tờ biên nhận do chủ tiệm nói không cần thiết.  

Mang xe về, ông Hùng nhờ bạn đem xe lên trung tâm đăng kiểm để đăng kiểm lại, mới biết giấy tờ đăng ký ô tô vừa mua là giả. Quá bất ngờ, ông Hùng nhờ người quen trong ngân hàng kiểm tra thì được biết, chiếc xe này đang bị thế chấp tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và chủ xe là ông Bùi Thanh Hoàng vẫn chưa tất toán nợ. 

Ông Hùng đã tố cáo vụ việc đến cơ quan công an. Kết quả giám định chữ ký của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM kết luận, chữ viết họ tên Bùi Thanh Hoàng trên giấy ủy quyền và trên giấy hợp đồng vay tại ngân hàng không phải do cùng một người viết ra. Dấu vân tay trên hợp đồng vay so với dấu vân tay ngón trỏ trái, ngón trỏ phải của Bùi Thanh Hoàng là dấu vân tay của cùng một người. Ông Hùng cho rằng, ông Sang gian dối, che giấu thông tin hiện trạng tài sản, làm giả giấy tờ, liên kết với Văn phòng Công chứng Đ.S. để lừa đảo, chiếm đoạt tiền. 

Văn phòng công chứng cũng là nạn nhân?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Thức - Phó trưởng Văn phòng Công chứng Đ.S. - phủ nhận nghi vấn công chứng viên cấu kết để công chứng giấy tờ giả. Khi biết vụ việc, văn phòng đã chủ động mời các bên lên làm việc, ông Sang cũng đồng ý sẽ hoàn trả tiền cho ông Hùng nhưng sau đó vẫn chưa đàm phán được tiền chi trả. 

Theo ông Thức, văn phòng công chứng và công chứng viên là nạn nhân vì rất khó phân biệt được giấy ủy quyền, chữ ký hay chữ viết trên giấy là thật hay giả. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, công chứng viên chỉ xác minh khi nghi ngờ giấy tờ giả hoặc do người đi công chứng yêu cầu xác minh. Công chứng viên cũng khó kiểm tra xe có bị tranh chấp hay nợ xấu tại ngân hàng hay không, bởi từ năm 2015 trở về sau, ngân hàng cho vay mua xe không qua công chứng nữa. 

“Trong vụ việc này, chúng tôi phải chịu trách nhiệm liên đới vì không phát hiện giấy tờ giả. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng cơ quan chức năng giải quyết vụ việc. Qua vụ việc này, khi mua xe, khách hàng cần kiểm tra xe bằng cách liên hệ với phòng cảnh sát giao thông địa phương” - ông Nguyễn Duy Thức nói. 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên công chứng để lọt giấy tờ giả. Theo Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP.HCM, mỗi năm, phòng này tiếp nhận 700-800 vụ trưng cầu giám định, đã phát hiện ra nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, phổ biến là giấy chủ quyền nhà đất, chứng minh nhân dân, giấy đăng ký xe… 

Luật sư Trương Hồng Điền (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, ông từng tiếp nhận không ít vụ việc giả mạo trong hoạt động công chứng. Các hình thức giả mạo thường gặp là giả mạo chủ thể tham gia giao dịch, giả mạo bên bán, giả mạo người thân trong gia đình, giả mạo bên mua, giả mạo giấy tờ. Trong đó, giả mạo giấy tờ xảy ra phổ biến, chiếm khoảng 80% vụ giả mạo công chứng.

Có trường hợp giả mạo giấy tờ về nhà, xe nhưng có trường hợp giả mạo từ A-Z như giả chủ quyền sở hữu, giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy đăng ký kết hôn… Như vụ căn nhà 63/11 Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM, đối tượng đã dùng giấy tờ giả để ủy quyền, thế chấp, bán và đã “qua mặt” năm phòng công chứng khác nhau tại TP.HCM. Không chỉ công chứng viên, bên mua bị lừa mà ngay cả các ngân hàng còn bị lừa hàng ngàn tỷ đồng.

“Chính phủ có Nghị định 110/2013, Nghị định 67/2015 quy định về các hành vi và hình thức xử phạt trong hoạt động công chứng. Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả giấy tờ, tài liệu của các cơ quan, tổ chức nhưng mức xử phạt còn quá nhẹ nên loại tội phạm này ngày càng phổ biến” - luật sư Trương Hồng Điền nói. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI