Doanh nghiệp Việt tiết lộ cách tiếp cận thị trường 300 triệu dân tại Mỹ

25/07/2025 - 19:09

PNO - Ngày 25/7, tại hội nghị “Bứt phá xuất khẩu 2025 - Thương hiệu Việt cất cánh toàn cầu”, các doanh nghiệp đã chia sẻ cách đưa hàng Việt tiếp cận thị trường 300 triệu dân tại Mỹ mà không phải tốn công, tốn sức.

Ông Nguyễn Trung Dũng - CEO DH Foods cho biết, xuất khẩu truyền thống là cuộc chơi tốn kém và rủi ro, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ. Cụ thể, để bán được hàng, doanh nghiệp thường phải tham gia hội chợ quốc tế mỗi năm, việc này có thể ngốn hàng tỉ đồng mà chưa chắc ra đơn.

Chỉ cần ngồi tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng thế giới khi bán qua sàn thương mại điệnt ử
Chỉ cần ngồi tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng thế giới khi bán qua sàn thương mại điện tử - Ảnh: Ngọc Thùy

Trong khi đó, xuất qua sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Amazon giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu với chi phí tối ưu, dữ liệu minh bạch và phản hồi thời gian thực. “Chúng tôi bắt đầu từ con số 0 vào năm 2019, nhưng đến năm 2023 tăng trưởng 85%, năm 2024 là 120%. Điều này đến từ việc không phải mò mẫm, mà có công cụ định hướng sản phẩm, thị trường, giá cả, thậm chí cả cách đặt tên gian hàng” - ông nói.

Không chỉ dừng lại ở vài sản phẩm, theo ông văn hóa ẩm thực Việt đang dần được quốc tế hóa với các món như phở, bún bò Huế, bún chả, mì Quảng… Theo đó, những món này đã trở thành từ khóa tìm kiếm của người tiêu dùng Mỹ và đi kèm món ăn ấy là gia vị Việt.

“Thị trường Mỹ với 300 triệu dân, trong đó có khoảng 30 triệu người gốc Á và 3 triệu người gốc Việt, là dư địa lớn cho sản phẩm ẩm thực và gia vị Việt. Chỉ cần tiếp cận được 0,1% thị trường này, nhiều doanh nghiệp Việt đã đủ để sống khỏe trong nhiều năm” - ông Dũng cho biết.

Tương tự, ông Trần Lam Sơn - nhà sáng lập Green Mekong cho biết, doanh nghiệp này bước chân vào Amazon chưa đầy 1 năm nhưng đã có sản phẩm chủ lực, bắt đầu có doanh thu. Theo ông, bán hàng trên Amazon không chỉ là đưa sản phẩm ra thị trường, mà còn là cách kể một câu chuyện, truyền tải giá trị, cảm xúc và mối liên kết với cộng đồng bằng hình ảnh sống động (video sản phẩm, sản xuất, trồng rừng…).

Theo ông Trần Xuân Thủy - Giám đốc Amazon Global Selling khu vực miền Nam, doanh nghiệp Việt không thiếu sản phẩm tốt, không thiếu khát vọng vươn xa. Nhưng để thành công bền vững, cần nắm chắc “tam giác thành công” là khách hàng - sản phẩm - thương hiệu. Trong đó, trọng tâm là doanh nghiệp phải thực sự hiểu khách hàng, có sản phẩm phù hợp và kiên trì xây dựng thương hiệu một cách bài bản, có chiến lược

Ông lưu ý, TMĐT xuyên biên giới không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng toàn cầu mà còn rút ngắn thời gian nhận phản hồi, từ đó nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản phẩm. Mô hình này không loại bỏ chuỗi cung ứng mà buộc doanh nghiệp phải xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, linh hoạt, có khả năng đáp ứng yêu cầu thị trường nhanh chóng và nhất quán.

Sẽ hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp xuất khẩu trực tuyến

Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường toàn cầu, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) và Amazon Global Selling Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác 3 năm, giai đoạn 2025-2027 bằng việc triển khai chương trình “Thương hiệu Việt tăng trưởng toàn cầu”. Mục tiêu là hỗ trợ 1.000 doanh nghiệp và 30 thương hiệu quốc gia xây dựng năng lực xuất khẩu trực tuyến, từng bước chinh phục thị trường toàn cầu qua sàn TMĐT.

Theo ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, trọng tâm của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu, tối ưu vận hành gian hàng, quản lý chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế qua TMĐT.

Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục phối hợp cùng các đối tác quốc tế để phát triển công cụ xúc tiến hiện đại, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào hoạt động quảng bá, phân tích thị trường, hướng đến xây dựng hệ sinh thái xúc tiến thương mại số lấy doanh nghiệp làm trung tâm, công nghệ làm đòn bẩy.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI