Phụ nữ sinh con khi cảm thấy an toàn

02/02/2023 - 18:23

PNO - Phụ nữ ở nhiều nước trên thế giới hiện không sẵn sàng sinh và nuôi con. Đó là phản ứng hợp lý đối với những gánh nặng về vật chất và tinh thần họ phải chịu đựng khi thực hiện “thiên chức làm mẹ”. Do đó, phụ nữ cần được cảm thấy an toàn trước khi đi đến quyết định có con.

Những nỗi lo ngăn cản mong muốn làm mẹ

Hôm 17/1, chính phủ Trung Quốc thông báo dân số nước này đã bắt đầu giảm lần đầu tiên sau 60 năm. Đây có thể là hệ quả của chính sách 1 con, bắt đầu từ những năm 1980, mới chấm dứt vào năm 2015. Mặt khác, các nhà nhân khẩu học cho rằng, tỉ suất sinh giảm chắc chắn sẽ xảy ra do quá trình đô thị hóa và cạnh tranh thu nhập khiến phụ nữ không còn sẵn sàng sinh và nuôi con.

Sinh con không phải trách nhiệm mà là một lựa chọn khi phụ nữ cảm thấy đủ an toàn - ẢNH: ISTOCK
Sinh con không phải trách nhiệm mà là một lựa chọn khi phụ nữ cảm thấy đủ an toàn - Ảnh: Istock 

Nhà xã hội học Sun Liping từ Đại học Thanh Hoa giải thích: “Từ mua nhà đến kết hôn, chăm sóc sức khỏe trước khi sinh đến các hoạt động ngoại khóa; giúp con vượt qua tiểu học đến trung học, đại học rồi đi làm, hỗ trợ con cái kết hôn rồi nuôi dạy cháu chắt…, mỗi giai đoạn cuộc sống đều khiến tinh thần phụ nữ mệt mỏi”. Sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các bà mẹ tương lai cũng diễn ra phổ biến.

Tại Hàn Quốc, 3 năm liên tiếp nước này ghi nhận tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới. Mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có ít hơn 1 con. Xứ sở kim chi đã chứng kiến số ca tử nhiều hơn số ca sinh vào năm 2020, sớm hơn gần 1 thập niên so với dự kiến. Một cuộc khảo sát năm 2022 cho thấy nhiều phụ nữ hơn nam giới (65% so với 48%) không muốn có con. Thanh niên Hàn Quốc có nhiều lý do để chọn không lập gia đình, bao gồm chi phí nuôi dạy con cái cao ngất ngưởng, giá nhà quá cao so với khả năng tài chính, triển vọng việc làm u ám và thời gian làm việc căng thẳng. Riêng phụ nữ thì đã chán ngán với những kỳ vọng bất khả thi mà xã hội truyền thống áp đặt lên các bà mẹ. Jiny Kim (30 tuổi) - một nhân viên văn phòng ở Seoul - cho biết: “Từ chối sinh con là quyết định của chúng tôi đối với một xã hội đặt ra những gánh nặng quá sức chịu đựng”.

Phụ nữ cần an toàn nếu chọn sinh con

Tổng thống Hàn Quốc nhận định phong trào nữ quyền khiến tỉ lệ sinh giảm trong khi phụ nữ Hàn Quốc cho rằng chỉ bình đẳng giới mới giúp giải quyết vấn đề. Khi cuộc sống công bằng và an toàn hơn cho phụ nữ, họ sẽ thoải mái với lựa chọn có con.

Trong 16 năm, 280.000 tỉ won (210 tỉ USD) đã được chính phủ rót vào các chương trình khuyến khích sinh sản, chẳng hạn như trợ cấp hằng tháng cho cha mẹ của trẻ sơ sinh. Dù vậy, nhiều phụ nữ Hàn Quốc vẫn nói không với việc sinh con, vì theo họ, có rất ít cách để thoát khỏi những chuẩn mực giới tính ngột ngạt, từ yêu cầu người vợ phải sắp xếp quần áo sạch sẽ cho chồng trước khi chuyển dạ, quán xuyến công việc bếp núc kéo dài cả ngày vào những kỳ nghỉ lễ. Những phụ nữ đã kết hôn phải gánh vác phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái. Nhiều bà mẹ mới sinh bị chèn ép đến mức phải từ bỏ tham vọng nghề nghiệp. Ngay cả trong các hộ gia đình mà cả hai vợ chồng đều đi làm, trung bình hằng ngày người vợ phải dành hơn 3 giờ cho công việc nhà, so với chỉ 54 phút của người chồng.

Sự phân biệt đối xử của người sử dụng lao động đối với các bà mẹ phổ biến một cách vô lý. Ngoài ra còn có tình trạng bạo lực trên cơ sở giới. Theo dữ liệu của Đường dây nóng Phụ nữ Hàn Quốc, vào năm 2021, mỗi 1,4 ngày lại có 1 phụ nữ bị sát hại hoặc trở thành mục tiêu giết người. Đáp lại, phụ nữ Hàn Quốc đã tổ chức phong trào #MeToo thành công nhất châu Á. Các phong trào nữ quyền đã thắng lợi trong việc hợp pháp hóa phá thai và đưa ra các hình phạt nghiêm khắc hơn đối với các tội phạm quay lén phụ nữ.

Các quốc gia có sự phân công chăm sóc trẻ em không cân xứng hoặc thiếu chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ - như Nhật Bản và Mỹ - cũng có tỉ lệ sinh giảm mạnh. Điều này cũng tương tự với Trung Quốc, nơi những người phụ nữ được truyền cảm hứng từ Hàn Quốc bắt đầu phong trào “4 không” - không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi dạy con cái - của riêng họ.

Ngược lại, các quốc gia có những người cha, người chồng san sẻ gánh nặng chăm sóc trẻ và chính sách gia đình tốt - như Thụy Điển - hoặc thúc đẩy sự đa dạng hóa giới tính trong công việc - như Pháp - đã thành công hơn trong việc ổn định hoặc thậm chí tăng tỉ lệ sinh. Cuối cùng, càng nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động thì năng suất và sự thịnh vượng càng tăng, đồng thời có thể giúp giảm bớt những lo ngại về lao động khi dân số giảm. 

Linh La

(theo New York Times, Financial Times, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI