Phụ nữ bị COVID-19 kéo dài nhiều hơn nam giới

22/06/2022 - 22:09

PNO - Một nghiên cứu mới cho thấy khả năng phụ nữ phát triển COVID-19 kéo dài cao hơn 22% so với nam giới. Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, mỗi giới tính có những triệu chứng khác nhau.

Hơn hai năm sau đại dịch COVID-19, các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về tác động của virus, bao gồm cả việc bao nhiêu người bị COVID-19 kéo dài, triệu chứng của nó ra sao, cách chữa trị như thế nào...

Một đánh giá mới đây từ các nhà nghiên cứu từ Văn phòng Giám đốc Y tế về Sức khỏe Phụ nữ của Johnson & Johnson đã phân tích dữ liệu từ 1,3 triệu bệnh nhân từ tháng 12/2019 đến tháng 6/2021. Kết quả cho thấy phụ nữ có nguy cơ mắc COVID-19 kéo dài cao hơn nam giới 22%.

"Sự khác biệt về giới tính sau khi nhiễm COVID-19 cũng rất quan trọng để xác định các triệu chứng, sự can thiệp y tế và nhu cầu điều trị của cả hai giới", các tác giả nghiên cứu cho biết.

Một bệnh nhân COVID-19 phải vật lộn với các triệu chứng đau nhức kéo dài trong một năm, nằm nghỉ trên giường vào buổi chiều ở Rockville, Md., Ngày 2 tháng 12 năm 2021.
Một bệnh nhân COVID-19 phải vật lộn với các triệu chứng đau nhức kéo dài trong một năm

COVID-19 kéo dài xảy ra khi bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng vẫn bị có các triệu chứng kéo dài sau 4 tuần có xét nghiệm âm tính. Trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể tồn tại trong nhiều tháng, hoặc thậm chí nhiều năm.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, bệnh nhân có thể gặp nhiều triệu chứng kéo dài bao gồm mệt mỏi, khó thở, nhức đầu, sương mù não, đau khớp và cơ, tiếp tục mất vị giác và khứu giác .

Hiện các nhà khoa học vẫn không rõ nguyên nhân khiến mọi người phát triển COVID-19 kéo dài nhưng có một số giả thuyết cho rằng virus vẫn tồn tại trong cơ thể, tiếp tục gây tổn thương các cơ quan.

Theo nghiên cứu, các triệu chứng khi nhiễm COVID-19 không chỉ khác nhau giữa nam và nữ mà các triệu chứng của COVID-19 kéo dài cũng khác nhau. Đối với phụ nữ, tỷ lệ mắc các triệu chứng dài hạn cao hơn bao gồm cả mệt mỏi; bệnh lý về đường tiêu hóa; thần kinh; da và rối loạn tâm thần. Ngoài ra, phụ nữ có nguy cơ mắc các triệu chứng dài hạn ở tai mũi họng cao hơn ít nhất gấp hai lần và có các triệu chứng về đường tiêu hóa cao hơn 60%.

Mặt khác, nam giới có tỷ lệ rối loạn thận cũng như rối loạn nội tiết cao hơn, bao gồm cả bệnh tiểu đường.

Các nhà khoa học cho biết, không rõ tại sao phụ nữ dễ bị COVID-19 kéo dài hơn nam giới, nhưng họ cho biết có thể là do sự khác biệt về hệ thống miễn dịch. "Phụ nữ có các phản ứng miễn dịch bẩm sinh và thích ứng nhanh và mạnh mẽ hơn, có thể bảo vệ họ khỏi nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng ban đầu. Tuy nhiên, sự khác biệt này có thể khiến phụ nữ dễ bị tổn thương hơn với các bệnh do liên quan đến tự miễn dịch kéo dài", các tác giả viết trong báo cáo.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cho biết phụ nữ có thể có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn bởi vì một số ngành nghề nhất định, chẳng hạn như y tá hoặc làm việc trong hệ thống giáo dục. Do đó, có thể những ngành nghề này khiến họ có nhiều khả năng phát triển COVID-19 kéo dài.

"Ngoài ra, có thể có sự chênh lệch về khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc dựa trên giới tính cũng ảnh hưởng đến tiền sử của bệnh, dẫn đến nhiều biến chứng và hậu quả cũng khác hơn", các tác giả viết thêm.

Thảo Nguyễn (theo ABC News, JP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI