Phụ nữ Ba Lan biểu tình bảo vệ bệnh nhân dùng thuốc phá thai

26/07/2023 - 15:15

PNO - Hàng trăm phụ nữ Ba Lan đã xuống đường biểu tình để phản đối hành vi bạo lực của cảnh sát với một phụ nữ phải uống thuốc phá thai.

 

Joanna (người cầm micro) cùng những người ủng hộ biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở Ba Lan – Ảnh: Wiadomosci Gazeta
Joanna (người cầm micro) cùng những người biểu tình bên ngoài một đồn cảnh sát ở Ba Lan - Ảnh: Wiadomosci Gazeta

Các cuộc biểu tình diễn ra ở Krakow, Warsaw và một số thành phố khác ở Ba Lan, nhằm thể hiện sự ủng hộ với nữ bệnh nhân, đồng thời lên án hành vi của cảnh sát, theo bản tin của hãng thông tấn AP trưa 26/7.

Joanna - nữ bệnh nhân - kể với truyền thông Ba Lan rằng cảnh sát đã bao vây và lục soát đồ đạc của cô tại một bệnh viện ở Krakow, khi bác sĩ sản khoa chuẩn bị khám cho cô.

Theo đó, vị bác sĩ đã gọi dịch vụ xe cứu thương và cả cảnh sát sau khi bệnh nhân này gọi điện thông báo rằng cô cảm thấy không khỏe sau khi uống thuốc phá thai tại nhà.

Cảnh sát đã có mặt khi các nhân viên y tế đang vận chuyển Joanna và theo cô đến bệnh viện. Cô nói rằng mình cảm thấy bị sỉ nhục, điều này khiến cô thêm căng thẳng và tình trạng tồi tệ hơn.

Đại diện phía cảnh sát nói rằng việc các sĩ quan có mặt là bắt buộc và không có vũ lực. Phe đối lập ở Ba Lan kêu gọi phải có người phía cảnh sát đứng ra nhận trách nhiệm và từ chức. Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đồng thời là công tố viên trưởng, đã ra lệnh điều tra vụ việc.

Ở Ba Lan, chỉ những trường hợp mang thai có yếu tố phạm tội như hiếp dâm hoặc loạn luân mới được phép phá thai. Việc thực hiện hoặc hỗ trợ phá thai cũng là bất hợp pháp.

Điều 152 của Bộ luật Hình sự Ba Lan quy định, bất cứ ai hỗ trợ phụ nữ phá thai mà không được phép thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ tới 3 năm. Phụ nữ phá thai khi đứa bé đã có thể sống bên ngoài cơ thể mẹ thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 8 năm.

Nữ luật sư Kamila Ferenc - đại diện pháp lý của cô Joanna - cho biết: “Hành động của cảnh sát là bất hợp pháp, không tương xứng và vượt quá quyền hạn được trao cho cơ quan thực thi pháp luật”.

Kamila Ferenc cho biết thêm, thân chủ của cô buộc phải dùng thuốc phá thai vì tính mạng có thể gặp nguy hiểm. Bộ Y tế Ba Lan sau đó cũng xác nhận thông tin này và đồng tình với cách xử lý của bác sĩ.

Joanna cho biết, tại bệnh viện, cô bị cảnh sát buộc cởi quần áo, chỉ để lại đồ lót trước khi khám xét, dù khi ấy cô vẫn còn chảy máu. Cảnh sát cũng tịch thu laptop và điện thoại của cô.

“Joanna bị đối xử như tội phạm. Hơn nữa, kể cả tội phạm nguy hiểm khi vào bệnh viện cũng không bị đối xử như vậy, vì không ai tổ chức hỏi cung, khám xét trong bệnh viện” - luật sư Ferenc nhận định.

Trường An (theo AP, Polish News)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI