Phẫu thuật thành công cho những bệnh nhân 'thích ngất xỉu'

23/04/2017 - 10:00

PNO - Bệnh viện Quận 2 cho biết, bệnh viện đã cấy thành công mấy tạo nhịp tim cho bệnh nhân thứ 8. Trong đó, hai bệnh nhân nghèo được cấy máy miễn phí vì họ thường ngất xỉu đột ngột .

Trường hợp thứ nhất là bà cụ T.T.N.K. (60 tuổi), bà K. bị hội chứng suy nút xoang khiến tim bà đập lúc nhanh lúc chậm. Bà thường hay mệt mỏi, choáng, tim suy yếu dần cho đến lúc suy thì sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt nhiều lần đang vui chơi bỗng lên cơn ngất xỉu.

Tim đập chậm sẽ khiến máu đi đến cơ thể ít đi, không đủ máu tưới cho các cơ quan lân cận. Nhưng vì không có tiền nên bà K. âm thầm chịu đựng đã nhiều năm khiến sức khỏe giảm sút. Nếu không được cấy máy tạo nhịp tim, bà K. sẽ liên tục bị ngất rất nguy hiểm.

Sau đó, các bác sĩ khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện Quận 2 đã thực hiện thành công khi cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn miễn phí cho bà K.

Phau thuat thanh cong cho nhung benh nhan 'thich ngat xiu'
Các bác sĩ đang thực hiện cấy máy tạo nhịp tim cho bệnh nhân

Tương tự như trường hợp của bà K., một sư trụ trì thường hay bị ngất xỉu, hay mỗi lần bà ngẩn đầu lên là bị choáng váng, đau đầu, rồi lại ngất xỉu; thâm chí bà xỉu rất nhiều lần.

Qua thăm khám, các bác sĩ giải thích do tim đập chậm, suy tim nguy hiểm đến tính mạng. Sau khi được cấy máy tạo nhịp tim, nhịp tim của bà đã được kiểm soát, bà khỏe hơn và quay về với đời sống thường nhật.

Phau thuat thanh cong cho nhung benh nhan 'thich ngat xiu'
Chiếc máy tạo nhịp tim được cấy vào cơ thể bà K.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Quận 2, TP.HCM thì bệnh viện đã cấy thành công máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho 8 bệnh nhân bị rối loạn nhịp (tính từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017).

Bác sĩ Khanh cho biết, để phát hiện một người có bị bệnh rối loạn nhịp tim hay không, thì ngoài các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, chóng mặt, hay ngất xỉu,… thì người đó cần được đo điện tim đồ để biết nhịp tim chính xác. 

Phau thuat thanh cong cho nhung benh nhan 'thich ngat xiu'
Chiếc máy tạo nhịp sẽ hỗ trợ điều chỉnh nhịp tim của bệnh nhân

Được biết, người lớn từ 18 tuổi trở lên nhịp tim bình thường có thể đập 60-100/phút, riêng vận động viên thì 40-60/phút. Nếu tim đập nhanh hơn, hoặc chậm hơn chỉ số trên, có thể người đó đã mắc bệnh rối loạn nhịp tim. Người này cần đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám kỹ hơn về tim của mình để sớm tìm ra bệnh (nếu có). 

Khi tim đập quá chậm, máu đến các cơ quan trong cơ thể không đủ gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng có thể dẫn đến sự trục trặc hoặc suy các cơ quan, đặc biệt là não. Thiếu máu não có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt, hay quên, mất ý thức, mệt mỏi, khó chịu,… thậm chí có thể gây tử vong bất kỳ lúc nào.

Việc cấy máy tạo nhịp tim có thể thực hiện từ 60 – 90 phút tùy từng trường hợp. Sau khi được cấy vào cơ thể, máy tạo nhịp tim sẽ hỗ trợ bệnh nhân cân bằng lại nhịp tim của họ, ít gây biến chứng.

Tuy nhiên, trong vòng 1 hay 2 tuần đầu sau khi cấy, người được cấy máy có những triệu chứng như sốt, đau trên mức bình thường, đỏ và sưng, nóng ở vùng cấy máy, chảy dịch thì phải đến ngay bệnh viện để các bác sĩ thăm khám kỹ hơn.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI