Phan Sỹ Lan và những thước phim “mất ngủ” thời hậu chiến

27/07/2020 - 07:03

PNO - Suốt 40 năm là phóng viên chiến trường, ông đã quay phim và đạo diễn tổng cộng 76 bộ phim, trong đó có 59 bộ phim do ông quay chính.

Vẫn còn đó hình ảnh chàng trai Tu Vũ của đất Phú Thọ tuổi 20 lên đường năm nào. Vẫn còn đó, những câu chuyện kể mãi chưa hết và những thước phim nhựa quý báu của một thời không thể quên. Ở tuổi 74, thỉnh thoảng, đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phan Sỹ Lan - nhà quay phim, đạo diễn phim của Điện ảnh Quân đội nhân dân, vẫn “lôi” những ký ức đó ra khỏi một vùng yên lặng để rỉ rả, độc thoại… 

Trên trang Facebook cá nhân mấy năm trước của ông đăng tải tấm hình một chàng trai ôm chắc cái máy quay trong tay, mắt nhìn thẳng đầy cương nghị. Nhìn vào, ai cũng biết đó là Phan Sỹ Lan thời còn… xanh. Ông khề khà: “Như vừa mới hôm nào mà đã hơn 42 năm rồi, năm đó mình mới từ chiến trường Quân khu 5 ra Bắc vào dịp áp tết âm lịch, được về phép, vừa tổ chức cưới xong chưa được một tuần thì nhận nhiệm vụ quay vào chiến trường K (Campuchia)… Như một cuộc chiến đấu mới”.

Phan Sỹ Lan tuổi Bính Tuất (sinh năm 1946). Năm 1966, hòa trong không khí chung của thời đại, “ai cũng tiếc tuổi 20 thì còn chi Tổ quốc”, Phan Sỹ Lan lên đường nhập ngũ vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư 250 Quân khu Việt Bắc. Sáu tháng sau, Phan Sỹ Lan tham gia lớp phóng viên mặt trận rồi được biên chế vào Điện ảnh Quân đội nhân dân; từ đó, cuộc đời ông gắn với nghề quay phim và đạo diễn phim.

Đại tá Phan Sỹ Lan thời trẻ - Ảnh: Tư liệu
Đại tá Phan Sỹ Lan thời trẻ - Ảnh: Tư liệu

Phan Sỹ Lan có mặt ở khắp các chiến trường ba nước: Việt, Lào, Campuchia và cả biển đảo. Những thước phim của ông ghi lại tất cả các chiến dịch, các trận đánh lớn trong chiến tranh. Ông thường đi với các hướng chính, các đơn vị xung kích đánh mở màn chiến dịch.

Suốt 40 năm là phóng viên chiến trường, ông đã quay phim và đạo diễn tổng cộng 76 bộ phim, trong đó có 59 bộ phim do ông quay chính. Phan Sỹ Lan là đạo diễn của nhiều bộ phim; từ tác phẩm đầu tiên Xuân 68 (tháng 2/1968) đến Cuộc đối mặt sinh tử (2006) - trước khi ông nghỉ hưu. Tới nay, Điện ảnh Quân đội nhân dân đã công bố và phát hành 19 bộ phim của ông. Trong sự nghiệp của mình, ông từng nhận hai giải Bông sen vàng, hai giải bạc và một giải Cánh diều bạc. Ông được Nhà nước phong tặng “Nghệ sĩ ưu tú” tháng 1/2007.

Khi hỏi ông về những kỷ niệm với nghề phóng viên chiến trường, ông cười rất hiền bằng đuôi mắt: “Kỷ niệm thì nhiều lắm, chiến tranh mà…”. Nhưng rồi ông chợt nhớ ra: “ À… có mấy chuyện này”. Thế rồi, vài kỷ niệm “nảy” lên trong ký ức ngồn ngộn chất liệu và cảm xúc của người cựu binh già Phan Sỹ Lan.

Đó là chuyện về chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Địch đánh ta ngày 17/2/1979, thì ngày 18, tổ điện ảnh Điện ảnh Quân đội nhân dân đã lên Lạng Sơn, chiến đấu trong đội hình của Sư đoàn 3. Một vùng núi Tam Lung rộng lớn, kẹt giữa ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn, cách thị xã Lạng Sơn ba cây số. Cậy thế đông, bộ binh của giặc tràn vào muốn vây chặt ta; giao tranh ác liệt… 

Sáng ngày 19, ông theo một đại đội trinh sát của Sư đoàn 3, đánh “vỗ mặt” vào đội hình của địch, mở đường máu để đưa thương binh và tử sĩ ra… Ông ghi lại được những cái chết thảm thương của những đồng đội trong trạm phẫu; rồi ôm máy trườn lẫn vào các xác chết và quay được những thước phim sống động - những thước phim đầu tiên về cảnh lính Trung Quốc gục chết dưới làn đạn căng bỏng của đại đội lính trinh sát Việt Nam… 

“Lão tướng” của Điện ảnh Quân đội nhân dân từng đi qua các chiến dịch, các trận đánh lớn trong chiến tranh, ghi lại những thước phim của một thời - Ảnh: Tư liệu
“Lão tướng” của Điện ảnh Quân đội nhân dân từng đi qua các chiến dịch, các trận đánh lớn trong chiến tranh, ghi lại những thước phim của một thời - Ảnh: Tư liệu

Ngay lập tức, cuộn phim tư liệu Ghi chép ở Lạng Sơn nhanh chóng được báo về Tổng cục Chính trị. Sáng hôm sau, 20/2/1979, Bộ Tổng tham mưu cho chiếc com-măng-ca (một dòng xe quân sự - PV) lên Lạng Sơn, lấy cuộn phim về Hà Nội và ngay tối hôm sau, cuộn phim quý giá đó được phát trên truyền hình cho đồng bào cả nước… Chỉ ở trong bối cảnh đó, tình huống đó, với cái không khí căng thẳng của những ngày đầu tháng 2/1979 đó… mới cảm được hết sự vui mừng của đồng bào Hà Nội. 

Năm 1973, Hoàng thân Campuchia Sihanouk cùng bà hoàng Monique ăn tết Nguyên đán Quý Sửu ở Hà Nội. Trước đó, ngày 27/1/1973, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định Paris, ngừng bắn ở Việt Nam và Đông Dương… Đây là cơ hội thuận lợi nên Hoàng thân Sihanouk muốn trở lại thăm Campuchia. Sau Tết, ngày 10 tháng Giêng (tức 12/2/1973), Chính phủ Việt Nam đã tổ chức một đoàn cán bộ đặc biệt, đưa hoàng thân và hoàng hậu trở về Campuchia - để hoàng thân đi thăm một số vùng giải phóng. Phan Sỹ Lan được điều động đi cùng đoàn.

Vì muốn giữ bí mật và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Hoàng thân Sihanouk và hoàng hậu, nên đoàn đi bằng ô tô dọc theo các tuyến đường Trường Sơn để rẽ sang biên giới. Dọc đường phải dừng nghỉ nhiều trạm do Đoàn 559 bố trí. Phan Sỹ Lan lúc nào cũng ôm chiếc máy quay phim, nên ông ghi được nhiều sự kiện về chuyến đi này. Kỷ niệm với vị quốc trưởng dòng dõi hoàng tộc nhưng ứng xử khá bình dân, thân thiện.

Chắc cũng là thân tình hay muốn cám ơn, nên ông hoàng Sihanouk đã tặng Phan Sỹ Lan chiếc đồng hồ Seiko Nhật và chiếc đài Siengmao Trung Quốc. Tôi hỏi về hai kỷ vật ấy, Phan Sỹ Lan lại cười bằng đuôi mắt mà rằng: “Đài bán dẫn Siengmao vẫn còn cất trong buồng, nhưng hỏng không nghe được. Còn cái đồng hồ Seiko thì bán mất rồi…”.

Ông phân trần: “Vợ tôi ở quê nhà bốn miệng ăn, nhưng là giáo viên nên không đủ gạo. Bà ấy bán ngay cuối năm 1973 ấy, được tới 350.000 - đủ mua tạ gạo, lại còn đủ mua lá gồi lợp lại ba gian nhà nữa”. Tôi im lặng nghe, thấy tiêng tiếc. Ông lại cười: “Chuyện đời thường mà”.

Phan Sỹ Lan về bộ môn cận Tâm lý, thuộc Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người năm 1996, khi ấy Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác đang là chủ nhiệm bộ môn. Về làm việc cùng với các nhà ngoại cảm, các cán bộ nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, để tìm kiếm những hài cốt liệt sĩ, điều ấy với ông như một duyên nợ. Bởi trước đó, từ năm 1977, Phan Sỹ Lan đã trở lại các chiến trường ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trực tiếp quay nhiều thước phim trong chương trình Đi tìm đồng đội.

Ông tham gia cùng bộ môn cận tâm lý thực hiện các đề tài khoa học trên lĩnh vực đặc biệt này, vừa là cái duyên nhưng cũng vừa là trách nhiệm tri ân các liệt sĩ. Đề tài TK05 ông đi quay ở chùa Non Nước - Ninh Bình, ở Phủ Thông - Bắc Kạn, ở Đông Triều - Quảng Ninh; đề tài TK06 ở Knak - Gia Lai, Tây Nguyên; đề tài TK07 ở Điện Biên… Mỗi cuộn phim ghi lại đều là sự tri ân cụ thể, thành tâm với các liệt sĩ.

Những năm gần đây, công việc chính của ông là dựng các băng video đi tìm đồng đội cho viện. Để rồi, những lão tướng đã nghỉ hưu, những nhà khoa học mái đầu đã bạc, những nhà ngoại cảm nhiều thế hệ… với ba-lô, khăn gói cùng lên đường. Chuyến đi nào cũng gian nan vất vả, băng rừng, trèo đèo, lội suối, khát nước, đói cơm… nhưng chuyến đi nào cũng đầy ắp tình người, tình đồng đội. 

Nhà văn Xô viết Bôrit Vaxiliep từng viết: “Những cuộc chiến tranh có bắt đầu nhưng chẳng có kết thúc. Nó dai dẳng trên nước mắt những người vợ góa, người mẹ, nỗi buồn của trẻ mồ côi, tiếng rên rỉ của người lính bị thương. Những vết thương trên mặt đất biến dần, bãi chiến trường xưa thay bằng những luống cày mới, nhưng rất lâu, rất lâu trong mẩu bánh vẫn lưu lại mùi vị chua của bụi đất và thương đau”.

Trong ký ức của Phan Sỹ Lan, vẫn còn đó vị chua của bụi đất và thương đau, khi lê chiếc máy quay qua những trảng cỏ mấy chục năm về trước, khi lăn lộn, dầm mưa dãi nắng ở khắp các chiến trường khói lửa. Những đồng đội của ông, những người “đi như gió”, “đứng như rừng”, “lúc nằm xuống họ hóa thành mặt đất”. Ông kiếm tìm họ, để sống nốt tuổi 20 của mình. 

Kim Bảng 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI