Đại tá - Nhà Văn Đặng Vương Hưng: "Tôi luôn có cảm nghĩ mình đang mắc nợ đồng đội đã hy sinh"

25/07/2020 - 07:02

PNO - "Nhật ký thời chiến Việt Nam chứa đựng những giá trị quý báu mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Những trang viết là cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai".

Ngày 5/7 tại TP.HCM và ngày 22/7 tại Hà Nội, đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng đã cùng các cộng sự tổ chức ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam (nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Công trình tư liệu đồ sộ - mà Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, tiến sĩ khoa học quân sự, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đã gọi là “một tượng đài di sản phi vật thể” - gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang.

Tổng tập gồm 31 tác giả là những nhà văn, nhà báo, liệt sĩ và các cựu chiến binh. Những trang nhật ký chiến trường ghi chép từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến hai cuộc chiến tranh biên giới ở lại trong cùng một bộ sách, khiến người đọc thật sự rúng động. Bao thế hệ đã nằm lại chiến trường, chỉ còn lại những trang nhật ký của máu và nước mắt…

Đằng sau những trang viết đã được chọn lọc, in thành sách ấy là hành trình tìm kiếm, sưu tầm và xử lý tư liệu trong suốt 16 năm ròng rã của đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng. Ông cũng từng là một người lính có 10 năm tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc. May mắn được trở về nhưng trong lòng người cựu binh lúc nào cũng canh cánh món nợ với đồng đội.

“Những cuộc chiến đã kết thúc từ lâu nhưng dấu ấn của nó vẫn còn in đậm trong mỗi gia đình Việt Nam, nhất là với những gia đình thương binh, liệt sĩ và cựu chiến binh. Khi nhận được những quyển nhật ký - di vật quý giá, tôi đã nhận về cả sự tin cậy và kỳ vọng của các gia đình liệt sĩ. Nếu không làm, tôi thấy mình mắc nợ” - đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng chia sẻ. 

Ngoài Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc và Nhật ký Đặng Thùy Trâm đã được đông đảo bạn đọc biết đến, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam lần này bổ sung nhiều nhật ký chiến trường: Bão lửa cầu vồng (Nguyễn Văn Thân), Trở về trong giấc mơ (Trần Minh Tiến), Nhật ký chiến đấu (Nguyễn Đức Huy), Cuối trời mây trắng vẫn bay (Trần Danh Hải), Ra đi từ sông Thương (Vũ Văn Chiến), Trời xanh không biên giới (Đặng Sỹ Ngọc)… Ngoài ra, còn có những tác phẩm nhật ký đã được xuất bản trước đó của các nhà văn, phóng viên chiến trường: Chu Cẩm Phong, Phạm Việt Long, Trần Mai Hạnh, Dương Thị Xuân Quý…

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam
Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam

* Suốt 16 năm qua, ông có sốt ruột không khi mỗi năm đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, vẫn chưa thể cho ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam?

Đại tá - nhà văn Đặng Vương Hưng: Không phải là sốt ruột, mà trong tôi là cảm nghĩ như thể mình đang mắc nợ, món nợ với đồng đội đã hy sinh, với những cựu chiến binh và các gia đình liệt sĩ. Món nợ ấy cứ dai dẳng suốt mười mấy năm qua. Ngày ôm trong tay bộ sách về từ nhà in, tôi cảm thấy nhẹ lòng và vui sướng vô cùng. Cảm giác như vong linh hương hồn các liệt sĩ cũng đã hài lòng.

Tôi hoàn thành được công trình này là nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ vô điều kiện của rất nhiều người. Chúng tôi in bộ sách không vì lợi nhuận, chỉ bán một số lượng ít để có kinh phí trả tiền nhà in, còn sẵn sàng tặng file PDF cho tất cả bạn đọc có nhu cầu. Tôi đã gửi file bốn tập sách cho hàng ngàn người rồi, mỗi người có thể chia sẻ thêm cho nhiều người khác nữa. Chỉ mong sách có thể lan tỏa đến được càng nhiều bạn đọc càng tốt. Đó thật sự là những trang nhật ký, tư liệu quý giá về những năm tháng không thể nào quên. 

* Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về hành trình tìm kiếm tư liệu của mình?

- Công việc làm báo cho tôi nhiều cơ hội tiếp cận các nhân vật, nguồn tư liệu quý. Trong quá trình làm việc trước đây, tôi nhận ra rằng những bài ghi chép tư liệu từ những bức thư tay, nhật ký chiến trường rất được bạn đọc quan tâm. Khi chúng tôi phát động cuộc vận động sưu tầm và xuất bản bộ sách Những lá thư và Nhật ký thời chiến Việt Nam vào tháng 12/2004, có rất nhiều thư, sổ tay, nhật ký được các gia đình liệt sĩ gửi về. 

Tôi nhớ hoài trường hợp một người mẹ già, ba lần bốn lượt liên lạc với tôi nhưng lần lữa mãi vẫn không trao nhật ký của con trai. Mãi về sau, khi quyết định gửi gắm di vật quý giá ấy của gia đình, bà mời tôi về nhà, đưa tôi đến bàn thờ con trai cụ, chỉ cho tôi thấy cuốn nhật ký được đặt trang trọng thay cho ảnh thờ. Đó là di vật quý giá duy nhất của người đã mất mà gia đình còn giữ lại được. Tôi hiểu, khi mình được nhận về những trang nhật ký tư liệu, là nhận về cả sự tin cậy, kỳ vọng của các gia đình liệt sĩ. Cũng chính vì thế mà tôi chỉ muốn bộ sách này là dự án phi lợi nhuận, việc kinh doanh sẽ làm bộ sách mất đi sự thiêng liêng quý giá.  

* Gần hai thập niên gắn mình với công việc đọc nhật ký của những người lính đã hy sinh, câu chuyện nào khiến ông đau lòng nhất?

- Có lẽ đó là nhật ký của liệt sĩ Trần Duy Chiến (Tây Tiến viễn chinh, được in trong tập IV-PV). Đây là chiến sĩ có tuổi đời trẻ nhất trong số các tác giả của bộ sách. Trần Duy Chiến sinh năm 1957 tại Quảng Nam, lớn lên tại Đà Nẵng, nhập ngũ năm 1979, hy sinh vào ngày 20/7/1980.

Nhật ký của Chiến đại diện cho thế hệ người lính Việt Nam đi làm nhiệm vụ tại chiến trường K. Anh là tiểu đội phó tiểu đội cối. Trong nhật ký, anh tả từng thành viên rất thật, người tham ăn tục uống, người ngủ ngáy rất to hoặc những cuộc họp cãi nhau rất căng thẳng… Nhưng cuối cùng đồng đội vẫn là đồng đội, đoàn kết, tương trợ, quý mến nhau.

Chiến cũng viết nhiều về nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ quê hương. Đọc nhật ký Trần Duy Chiến, nhiều lúc tôi liên tưởng đến những bài hát boléro, bởi chất văn rất trữ tình và da diết. Chiến hy sinh trong một trận phục kích, trước khi gục xuống anh còn cố gắng bắn hết đạn trong khẩu AK. Lúc đồng đội tìm thấy xác, khuôn mặt Chiến đã bị kẻ thù bắn nát. Khi xe đưa Chiến trở về đất mẹ, lại bị phục kích một lần nữa. Có thể nói, Trần Duy Chiến đã hy sinh đến hai lần… 

Một điều khiến tôi không thể nào quên là lần đi tìm mộ Trần Duy Chiến, vô tình phát hiện ra một dãy những ngôi mộ chôn cất cả tiểu đội, đó chính là tất cả những nhân vật đã từng được viết trong nhật ký. Họ được nằm cùng nhau trong một hàng.

Lần đó, chúng tôi - những người lính trở về - không ai chịu đựng nổi, chỉ còn biết ngồi xuống bên những ngôi mộ của đồng đội mà khóc. Đầu năm 2020, Hội đồng nhân dân TP.Đà Nẵng quyết định đặt tên một con đường mang tên Trần Duy Chiến tại Q.Sơn Trà. Có lẽ, đó là niềm an ủi lớn nhất cho gia đình của liệt sĩ Trần Duy Chiến. 

* Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ được diễn ra song song cùng hành trình thực hiện bộ sách này?

- Không, đó là một hành trình khác của các gia đình liệt sĩ. Nhưng cũng có rất nhiều câu chuyện xúc động xung quanh việc tìm thấy hài cốt, chúng tôi có ghi chép lại trong bộ sách. Tôi đặc biệt nhớ trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Thanh. Năm 2006, trong lúc chăn trâu bên bờ sông Thạch Hãn, một số trẻ em tình cờ phát hiện trong bãi sắn thuộc khu vực Lum Miếu (thuộc thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, H.Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) một chiếc tăng võng hé lộ dưới đất, có chứa hài cốt. 

Thông tin này được báo lên chính quyền địa phương, kết quả phát hiện hai bộ hài cốt nằm trong hai ngôi mộ, được chôn cách nhau 1m và cách bờ sông Thạch Hãn khoảng 40m. Cả hai ngôi mộ đều không có tên liệt sĩ nhưng có hai hòn đá tròn và to được chôn cạnh nhau. Đó là dấu hiệu do người trực tiếp chôn cất - cựu chiến binh Lê Quang Thuấn - để lại. Hai bộ hài cốt được tìm thấy, xác định ngay được là của liệt sĩ Nguyễn Thanh và trung đội trưởng Lê Quang Công (thuộc đại đội 16, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304). 

Liệt sĩ Nguyễn Thanh hy sinh ngày 29/4/1972, trong số di vật để lại được đồng đội chuyển về cho gia đình, có hai cuốn nhật ký. Ngoài ra, gia đình còn giữ hàng chục bức thư gửi về từ chiến trường. (Nhật ký Bên bờ sông Thạch Hãn của liệt sĩ Nguyễn Thanh được in trong tập II của bộ sách - PV).

* Có bao giờ ông nghĩ rằng hành trình lặng lẽ của mình cũng luôn được những đồng đội đã hy sinh dõi theo và phù hộ…?

- Sự thật, đã có những điều tôi không thể nào lý giải được. Có những lúc ngồi đọc nhật ký mà thấy phía sau mình như có luồng gió lạnh. Tôi tin, những điều kỳ diệu đã luôn đến, để giúp tôi và những người cộng sự có thể hoàn thành được tâm nguyện thực hiện Nhật ký thời chiến Việt Nam.

Trong số những nhật ký được chọn in lần này, cũng có những cuốn được giữ lại bằng những duyên may rất kỳ lạ của những người lính bên này - bên kia. Như nhật ký Gửi lại mai sau của liệt sĩ Nguyễn Hải Trường (tên thật Nguyễn Minh Sơn, 1930-1967). Vì thuộc lực lượng Công an nhân dân vũ trang, hoạt động ngầm nên khi viết nhật ký, đồng chí Nguyễn Minh Sơn phải đổi tên khác.

Trong nhật ký, để bảo mật nên nhiều chi tiết, địa danh, tên người, tác giả đều viết tắt. Anh hy sinh ở Bình Thuận năm 1967. Tài liệu lữu trữ của Cơ quan chính sách Bộ đội biên phòng chỉ ghi tóm tắt về liệt sĩ Nguyễn Minh Sơn: “Hy sinh trên đường công tác vì bị địch phục kích”. Cuốn nhật ký này được quân đội Việt Nam Cộng hòa lưu giữ tại An ninh Bình Thuận. Sau giải phóng, cán bộ công an miền Bắc vào khai thác hồ sơ phát hiện ra cuốn nhật ký và trao về cho gia đình.

Khi tôi nhận được, cuốn nhật ký đã rách nát, mờ nhòe trang đầu và trang cuối. Hay như nhật ký của anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong cũng thế, do một người lính Việt Nam Cộng hòa giữ lại, sau khi nhà văn hy sinh. Tôi tin, họ thật sự trân trọng những cuốn nhật ký để lại của những người lính, dù giữa cuộc chiến, họ hoàn toàn có thể hủy bỏ, lãng quên nó. 

* Nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich có viết cuốn Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ. Còn với ông, trong hành trình xử lý những trang nhật ký chiến trường, ông thấy “gương mặt phụ nữ” đã hiện lên như thế nào?

- Chiến tranh có khuôn mặt của phụ nữ, rất nhiều nữa là đằng khác. Những người mẹ, người vợ luôn xuất hiện trong nỗi nhớ thương của những người lính. Và thật ra, nỗi đau của người phụ nữ rất khác, không thô ráp, ác liệt như chiến trường bom đạn, nhưng nỗi đau ấy rất lớn, rất mạnh, chảy trong tận cùng huyết quản của mỗi người phụ nữ có con, có chồng ra trận. Còn khi phụ nữ ra mặt trận, họ phải đối diện với những khó khăn, vất vả hơn gấp đôi gấp ba lần so với đàn ông.

Những nỗi niềm ấy có thể thấy trong những trang viết của nhà văn, nhà báo liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý hay nhật ký của người mẹ Vương Thị Thu trong bộ sách này. Qua những trang nhật ký, tình cảm của người phụ nữ hiện lên mạnh mẽ, giằng xé, nỗi nhớ của người phụ nữ được thể hiện theo một cách rất khác. 

Nhà văn Đặng Vương Hưng ký tặng sách cho bạn đọc
Nhà văn Đặng Vương Hưng ký tặng sách cho bạn đọc

* Lần đầu tiên một bộ sách văn học được gọi là di sản phi vật thể, theo anh, việc “danh hiệu hóa” tác phẩm có là vấn đề một sớm một chiều?

- Ngày ra mắt bộ sách, chúng tôi có mời đại diện Hội Di sản văn hóa Việt Nam đến tham dự. Nhưng trước mắt, chúng tôi chỉ mong bộ sách sẽ được lan tỏa đến nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là thế hệ trẻ. Tôi tin Nhật ký thời chiến Việt Nam chứa đựng những giá trị quý báu mà thế hệ trước để lại cho thế hệ sau. Những trang viết là cầu nối quá khứ, hiện tại và tương lai. 

Hãy thử nghĩ, những người lính thời kháng chiến chống Pháp nếu còn sống thì nay cũng đã ở tuổi 90, những người lính tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ đã trên dưới 80 tuổi. “Trẻ” nhất trong số những thế hệ người cầm súng chiến đấu là những người từng tham gia các cuộc chiến tranh biên giới nhưng nay họ cũng 60-70 tuổi rồi. Bộ sách này được đánh giá như là “hồ sơ văn hóa đặc biệt” về cuộc chiến tranh Việt Nam, chúng tôi đã cùng nhau làm trong một thời gian dài như vậy, cũng chỉ vì mong muốn được gìn giữ giá trị bất biến của những “tượng đài chữ nghĩa” từ chiến trường. 

Trao tặng bộ sách cho đại diện gia đình liệt sĩ Chu Cẩm Phong - ảnh: nhân vật cung cấp
Trao tặng bộ sách cho đại diện gia đình liệt sĩ Chu Cẩm Phong - ảnh: nhân vật cung cấp

* Và ông vẫn đang tiếp tục những câu chuyện về người lính?

- Chúng tôi đã xây dựng được trang Trái tim người lính để dễ dàng kết nối, từ các cựu chiến binh đến những bạn trẻ, bạn đọc cả trong và ngoài nước. Chúng tôi chia sẻ với nhau thông tin, tư liệu, cảm nhận qua fanpage đó. Sau Nhật ký thời chiến Việt Nam, chúng tôi đang chuẩn bị cho bộ sách Trái tim người lính, tập 1 dự kiến phát hành năm 2021. Bộ sách này sẽ tiếp tục chuyển tải những câu chuyện, tư liệu, thư từ, nhật ký từ chiến trường; tình yêu trong chiến tranh.

Ngoài ra, chúng tôi cũng kết nối với các cựu chiến binh phía Nam, mở rộng phạm vi tìm kiếm cả nguồn tư liệu từ phía bên kia chiến tuyến…

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 


Ngày mai, quê ta sẽ đẹp biết bao nhưng bạn không còn nữa…”

“Ngày 4/6/1967

… Lại một loạt hai quả đại bác nữa vụt đến. Đạn nổ trúng đường mòn, tai tôi ù đi, cây gãy răng rắc, đất đá rơi lộp bộp, mùi khói thuốc khét lẹt xông tới. 
“Đẹt… đoàng… đoàng”. 

Bên tai tôi nghe vọng tiếng ai rên yếu ớt đau đớn. Máy bay địch vừa bay đi, tôi chồm dậy rũ đất rồi chạy lại phía tiếng kêu. Trong hầm, một cảnh tượng khủng khiếp diễn ra trước mắt. Tôi không thể nào ngờ tới: năm đồng chí máu me đầy mặt mũi mình mẩy tay chân, đang vây quanh một xác không còn cựa quậy. Tôi mếu máo gọi tên từng đồng đội, nghẹn ngào chẳng thành lời.

Người thứ nhất được lôi lên là anh Hữu, người xóm tôi, anh em vẫn thường tâm sự bên nhau thế mà bây giờ khó nhận ra được. Mặt anh biến dạng và nhuốm đầy máu, đầu tóc cháy xém và phủ đầy đất. Người được đưa lên cuối cùng là thằng Tuất. Nó đã chết thật rồi. Một mảnh đạn phũ phàng đã cắm vào tim nó, một bàn tay bị gãy nát. Tôi muốn gọi nó một câu nhưng cổ họng cứ nghẹn lại…

Thế là hết. Tuất ơi…! Hơn một năm nay, vui buồn gian khổ có nhau, bao phen dấn mình trong bom đạn cùng đồng đội làm nên chiến thắng. Nhớ những lúc chia nhau điếu thuốc lào quấn lá rừng úa, nhớ những khi cùng nhau đi công tác về. Và chỉ mới đây thôi, còn chia nhau thìa muối vừng, mà giờ đây bạn đã xa rồi!

Ôi, từ nay trên các nẻo rừng Nam - Bắc vắng bước chân bạn và đại đội này thiếu đi một chiến sĩ trẻ kiên cường. Ngày mai, khi nước nhà thống nhất, Hà Nội – Huế - Sài Gòn và quê ta sẽ đẹp biết bao nhưng bạn không còn nữa, rừng xanh núi đỏ này bạn vĩnh biệt cuộc đời…”.

(Trích Sông Bến Hải đầy máu và nước mắt, nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân)

Bùi Tiểu Quyên (thực hiện) 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI