Oscar đổi quy định: Vinh danh tác phẩm nghệ thuật hay sắc tộc, giới tính?

11/09/2020 - 14:53

PNO - Từ năm 2024, nếu muốn thắng hạng mục Phim hay nhất, ê-kíp đoàn phim phải tăng lực lượng nữ giới, phải đa sắc tộc, “mở cửa” cho cộng đồng LGBT...

Oscar gây “bão” khi đổi quy định

Những quy định mới được Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (AMPAS) đặt ra nhằm tăng tính đa dạng cho giải thưởng đang vấp phải cuộc tranh cãi dữ dội. Cụ thể, học viện muốn rằng đến kỳ Oscar thứ 96, năm 2024, phim đoạt giải Phim hay nhất phải đáp ứng 2 trong 4 tiêu chí về sự đa dạng.

4 tiêu chí được ký hiệu A, B, C, D đi kèm các yêu cầu dành cho diễn viên, chủ đề phim, các thành viên tham gia dự án, chế độ đãi ngộ và khâu phát hành. Trong đó, tiêu chuẩn A yêu cầu phim phải có diễn viên da màu hoặc thuộc nhóm dân tộc thiểu số vào vai chính hoặc thứ chính; nội dung phim phải đề cập 2 trong số 4 vấn đề liên quan đến phụ nữ, cộng đồng LGBT, người da màu/dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Ở các tiêu chí B, C, D được đặt ra đối với nhóm lãnh đạo, sản xuất dự án cũng có yêu cầu tương tự như trên.

Bal năm qua, Oscar vẫn luôn gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa về chênh lệch giới tính, sắc tộc.
Nhiều năm qua, Oscar vẫn luôn gây ra những cuộc tranh cãi nảy lửa về chênh lệch giới tính, sắc tộc.

Trước quy định mới của Oscar, nhiều nghệ sĩ giận dữ dù biết rằng động thái của học viện chỉ nhằm làm giải thưởng đa dạng hơn.

Nữ diễn viên Kirstie Alley (69 tuổi) nói, những quy định mới là “sự ô nhục” đối với các nghệ sĩ. Bà cho rằng không ai có thể quy định một bộ phim phải có gì khi nó chưa thành hình, giống việc chẳng ai có thể buộc danh hoạ Picasso vẽ gì trong các bức tranh của ông. “Mọi người đã thật sự mất trí khi muốn kiểm soát nghệ sĩ, kiểm soát suy nghĩ cá nhân” - Kirstie Alley nói.

Nữ diễn viên nói thêm rằng các quy định được đưa ra nhằm tìm kiếm một bộ phim toàn bích, tức vừa hay về nội dung, vừa đảm bảo sự công bằng về sắc tộc, giới tính... nhưng dường như, điều đó thể hiện cho sự độc tài và Oscar đang đi quá xa trong quyền hạn của mình. Kirstie Alley cho rằng sự đa dạng là cái nên được dạy thật tự nhiên, chân thành cho thế hệ sau, nghĩa là không phải thay đổi xoành xoạch, thiếu hợp lý như hiện tại.

Viola Davis từng phải chịu những ánh nhìn dè bĩu, đối xử bất công trong quá trình làm nghề tại Hollywood chỉ vì màu da. Năm 2017, cô nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc sau nhiều năm cống hiến cho điện ảnh.
Viola Davis từng phải chịu những ánh nhìn dè bỉu, đối xử bất công trong quá trình làm nghề tại Hollywood chỉ vì màu da. Năm 2017, cô nhận giải Nữ diễn viên phụ xuất sắc sau nhiều năm cống hiến cho điện ảnh.

Đồng quan điểm với Kirstie Alley, nam diễn viên Nick Searcy cho biết Phim hay nhất cũng giống như những bộ phim đoạt giải khác, là thứ để mọi người thưởng thức, chia sẻ cùng nhau, không phải được làm ra một cách gắng gượng. Anh cho rằng học viện đang cố gắng biến giải thưởng thành “vũ khí chính trị” nhằm xoa dịu dư luận.

Diễn viên hài Tim Young nói rằng các quy định có mục đích tốt nhưng: “Nếu một bộ phim do người da màu hoặc người thuộc nhóm dân tộc thiểu số thực hiện đoạt giải, họ có tự hào hay chỉ nghĩ rằng vì mình đáp ứng đủ tiêu chí nên mình đoạt giải. Còn những bộ phim chất lượng tốt nhưng không đáp ứng đủ tiêu chí thì sao? Nếu giải thưởng thay đổi như thế, tôi sẽ không theo dõi”.

Hãy để giải thưởng vinh danh tài năng

Năm 2015, sau khi Oscar công bố đề cử, dư luận lập tức phản ứng vì cho rằng giải thưởng phân biệt chủng tộc vì chỉ vinh danh người da trắng. Hashtag OscarsSoWhite (Oscar quá trắng) được sử dụng để kêu gọi tẩy chay giải thưởng. Trước đó, vào mùa giải 1998, Oscar cũng xuất hiện một bảng đề cử “quá trắng” như thế.

Dư luận đã đặt câu hỏi với Chủ tịch AMPAS vào dịp Oscar 2015 rằng liệu có thiếu sự đa dạng hay không? Bà Cheryl Boone Isaacs quả quyết: “Không hề”. Cơn giận dữ của đám đông ngày càng bùng lên dữ dội. Vài năm sau, khi bảng đề cử lại toàn người da trắng xuất hiện, nhà hoạt động xã hội April Reign tiếp tục khởi xướng OscarsSoWhite và lần này, Oscar đã phải lắng nghe.

Oscar bắt đầu có những thay đổi đầu tiên mang tính bước ngoặt khi thêm thành viên là người da màu và phụ nữ vào học viện sau suốt 9 thập kỷ đa số thành viên hội đồng là nam và người da trắng. Bên cạnh đó, bước tiến dài hơn để hoàn thành mục tiêu cải tổ Oscar cũng đã xuất hiện từ cách đây vài tháng và vừa được công bố - 4 tiêu chí A, B, C, D được đề cập ở trên. Oscar đang tham vọng sự đa dạng sẽ xuất hiện không chỉ trong buổi trao giải các phim mà ngay từ đầu, họ muốn can thiệp chính trong ê-kíp thực hiện.

Cynthia Erivo trong phim Harriet - nữ diễn viên da màu duy nhất lọt vào danh sách đề cử Oscar lần thứ 92.
Cynthia Erivo trong phim Harriet - nữ diễn viên da màu duy nhất lọt vào danh sách đề cử Oscar lần thứ 92.

Nhiều ý kiến hoan nghênh động thái của AMPAS nhưng số khác cho rằng ban tổ chức Oscar đang chịu áp lực lớn từ các nhà hoạt động đã, và đang kêu gọi tẩy chay sự kiện trong nhiều năm qua. Ngoài ra, khi nước Mỹ đang trong cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra suốt nhiều tháng qua, Oscar ít nhiều cũng chịu áp lực "khủng".

Nhiều người ủng hộ mục đích của Oscar nhưng không đồng tình với cách làm. Một nhà phê bình nói: “Nếu nhiệm vụ của AMPAS là khiến những người thiệt thòi cảm thấy họ có cơ hội được tuyển dụng cao hơn thì có lẽ, học viện đã thành công. Nhưng tôi không đồng ý với việc những dự án không đáp ứng tiêu chí sẽ bị loại. Mục đích cuối cùng của giải là vinh danh màu da hay tôn vinh một tác phẩm nghệ thuật?”.

Hiện nhiều người nổi tiếng, giới phê bình vẫn đang tranh cãi về quy định mới của học viện. Cuộc tranh luận khó ngã ngũ vì các bên vẫn đang tích cực bảo vệ quan điểm của mình. Oscar phân biệt chủng tộc, nói như Guardian, là căn bệnh kinh niên khó chữa, cho tới khi bị phản ứng vẫn chậm chạp thay đổi. Sự cải tổ một giải thưởng tồn tại ngót nghét gần 100 năm là cần thiết phải thực hiện. Nhưng hãy để giải thưởng vinh danh tài năng, không phải vinh danh vì màu da hay giới tính, một bình luận nhận được lượng đồng tình khủng trên bài viết của Daily Mail.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI