Ở nơi “giành giật sự sống” trong Bệnh viện Bạch Mai

02/04/2020 - 17:03

PNO - Là bệnh viện tuyến cuối, đội ngũ nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đang ngày đêm “giành giật sự sống” cho các bệnh nhân, dù ở bên ngoài lớp cổng kia tất cả mọi hoạt động ra vào đều bị phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ.

6 ngày sau khi có lệnh phong tỏa Bệnh viện Bạch Mai - nơi ghi nhận có hàng chục ca nhiễm COVD-19; mọi sinh hoạt, công tác chữa trị bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng nơi đây vẫn diễn ra như thường nhật.

Theo thống kê, hiện tại Bệnh viện Bạch Mai đang chữa trị cho hơn 700 bệnh nhân, trong đó có hơn 200 ca rất nặng, hơn 100 người có thể tử vong bất cứ lúc nào.

“Vượt cạn” trong khu cách ly

Khoa C4, Viện Tim mạch là nơi ghi nhận “ca bệnh số 86” từng điều trị tại đây, do đó 84 nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải cách ly y tế.

Nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Hương (27 tuổi, quê Hà Nội) là cái tên được nhắc đến nhiều nhất bởi đang mang bầu tuần thứ 38, chị vẫn tình nguyện ở lại bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân, đồng thời sinh con trong môi trường cách ly toàn khoa.

Nữ điều dưỡng Thu Hương chọn ở lại Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc người bệnh và sinh con trong môi trường cách ly
Nữ điều dưỡng Thu Hương chọn ở lại Bệnh viện Bạch Mai để chăm sóc người bệnh và sinh con trong môi trường cách ly

Với chị Hương, đêm nhận tin cách ly vẫn hằn sâu trong suy nghĩ của chị khi nỗi sợ hãi, lo lắng lấn át mọi cảm xúc khác.

“Khoảng 6g chiều 19/3, tôi đang ở cơ quan chuẩn bị đi khám thai thì nhận được thông báo từ lãnh đạo Viện về một bệnh nhân từng điều trị tại đây dương tính với COVID-19. Lúc ấy chân tay tôi rụng rời, nhiều chị em trong khoa đã bật khóc vì lo lắng. Chúng tôi bị động và bất ngờ khi chưa chuẩn bị tâm lý để đón nhận tin này”, nữ điều dưỡng trẻ kể.

Gần 100 y bác sĩ, điều dưỡng, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được chuyển đến khoa C9, Viện Tim mạch để cách ly 14 ngày theo quy định. Khu vực khoa C9 nằm sâu ở cuối dãy nhà, nơi có hành lang và 2 tầng để làm việc. Các bệnh nhân đang điều trị được nằm tại tầng 1; tầng 2 là nơi nghỉ ngơi, sinh hoạt của nhân viên y tế. Các lối ra vào khu cách ly được nhiều lớp bảo vệ và rào chắn nghiêm ngặt.

Công việc hàng ngày của chị Hương tại khu cách ly là phát thuốc, kiểm tra huyết áp và đo thân nhiệt cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Mỗi ngày, giờ làm việc của chị là từ 7g-12g, rồi chiều từ 13g-17g30.

Trong thời điểm cách ly vì dịch bệnh, việc đo nhiệt độ được thực hiện nhiều hơn với 3 lần/ngày. Ngoài việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, tôi còn tham gia hỗ trợ các bệnh nhân nặng không thể tự chăm sóc bản thân”, Thu Hương kể.

Kể về kế hoạch sinh con của mình trong thời điểm Khoa và toàn bệnh viện bị cách ly, chị Hương cho biết chỉ hơn 10 ngày nữa là cháu bé sẽ chào đời. Chị đăng ký sinh ngay tại Bệnh viện Bạch Mai trong vòng tay của đồng nghiệp.

“Thời gian này, sau giờ làm việc thì tôi nghỉ ngơi, đọc sách và trò chuyện với con. Tôi nói với con rằng hãy mạnh mẽ lên, cùng mẹ vượt qua khó khăn, thử thách này”, chị tâm sự.

Hai vợ chồng chị Hương đã thống nhất chọn tên Hạ Vy để đặt cho cháu với ý nghĩa “Hạ gục COVID-19” để chào đời.

Những mẹ nuôi của trẻ sơ sinh

Những ngày này, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tất bật hơn khi các điều dưỡng làm việc với áp lực thiếu người. Hơn 10 bé sinh non đang được đội ngũ y tế chăm sóc trong lồng ấp. Nhìn cách các nữ điều dưỡng chăm sóc, ôm ấp, sưởi ấm cho các bé sinh non, nhiều người gọi họ là “mẹ nuôi của các bé”.

TS. Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Trưởng khoa Nhi chia sẻ, bình thường trước khi dịch bùng phát, trong Khoa có 73 nhân sự, nhưng hiện nay chỉ còn 25 người. Nếu như ngày thường, mỗi phòng 6 cháu bé thì sẽ có 6 điều dưỡng chăm sóc, nhưng hiện nay chỉ còn 2 điều dưỡng làm việc của 6 người.

Ôm cháu bé 27 tuần tuổi với phương pháp Kangaroo, chị Lê Diệu Linh cho biết ngay từ đầu đã xác định sẽ có ngày phải ở lại bệnh viện như hiện tại nên chị đã chuẩn bị các đồ dùng cá nhân, vật dụng cần thiết để sinh hoạt và làm việc.

 “Nhà tôi cách bệnh viện chỉ mấy bước chân nên nhiều lúc chiều về trong người không tránh khỏi cảm giác bứt rứt. Mẹ tôi đã nhiều tuổi mà con gái làm việc trong khu vực có người nhiễm COVID-19 nên bà rất lo lắng. Nhưng khi đồng nghiệp ở lại làm nhiệm vụ mà bản thân ở nhà thì tôi cũng không thể...”, chị trải lòng.

Nữ điều dưỡng đang chăm sóc các bé sơ sinh
Nữ điều dưỡng đang chăm sóc các bé sơ sinh

Không chỉ chị Linh, hầu hết các nhân viên trong khoa Nhi đều tự nguyện viết đơn xin ở lại để chăm sóc các bệnh nhân, với họ đây là một nhiệm vụ thiêng liêng và tự hào, cùng góp chút sức lực chung tay đẩy lùi dịch bệnh, cứu chữa các bệnh nhân bé bỏng.

 “Từ những người bảo vệ, cô lao công đến đội ngũ các y, bác sĩ gần nhau hơn, đồng cảm hơn trong bối cảnh bệnh viện được cách ly. Chúng tôi phải tiếp tục chiến đấu bởi những bệnh nhân nơi đây đang cần chúng tôi mỗi ngày”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn chia sẻ.

Lễ sinh nhật đặc biệt giữa “tâm dịch”

Chiều 31/3 ở khoa Hồi sức tích cực khác với những buổi chiều bình thường, bởi đây là ngày bệnh nhân Phạm Huyền My (quê Thái Nguyên) tròn 18 tuổi.

Huyền My nhập viện hơn một tháng trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, suy tim rất nặng, trong khi mẹ em đang phải cách ly y tế tại Đại học FPT. Theo các bác sĩ, có thời điểm My không thể sống bằng biện pháp hồi sức thông thường mà phải sử dụng hồi sức đặc biệt với phương pháp tim phổi nhân tạo.

Lễ sinh nhật đặc biệt của Huyền My
Lễ sinh nhật đặc biệt của Huyền My

Sau quá trình hồi sức tích cực, bệnh nhân đã thoát sốc và các tạng đang hồi phục. 

Để động viên tinh thần bệnh nhân, đoàn thanh niên của Khoa Hồi sức tích cực đã tổ chức buổi lễ sinh nhật dành cho Huyền My vào đúng ngày em bước sang tuổi mới.

Lễ sinh nhật đặc biệt của My được chuẩn bị trong không gian bệnh viện. Các bác sĩ đặt bánh, nến và dùng xe đẩy thuốc trên nền nhạc bài “Chúc mừng sinh nhật” từ từ tiến vào phòng trong sự bất ngờ và xúc động của cô gái vừa bước sang lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời.

Ngồi trên giường bệnh, cô gái với dáng người nhỏ nhắn chắp tay, nhắm mắt và nói thầm điều ước trong sự kiện đặc biệt của cuộc đời mình. Rồi từng giọt nước mắt em lăn xuống trong nụ cười hạnh phúc.

Khi được hỏi về điều ước trong ngày sinh nhật đặc biệt này, không dành cho bản thân, Huyền My “mong tất cả mọi người đều khỏe mạnh”.

Hiếu Nhân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI