Ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai có 2 nguồn lây nhiễm?

27/03/2020 - 22:57

PNO - Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo tiền sử dịch tễ, rất có thể bệnh nhân thứ 162 - con dâu bệnh nhân thứ 161, đã lây nhiễm ở cộng đồng. Sau đó, nguồn bệnh này xâm nhập vào Khoa Thần kinh Bệnh viện Bạch Mai trong quá trình người này vào chăm sóc mẹ.

Ngày 27/3, báo cáo tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP. Hà Nội, ông Dương Đức Hùng - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi có thông tin về bệnh nhân thứ 133 (do Lai Châu phát hiện), bệnh viện đã tiến hành xét nghiệm các trường hợp liên quan ngay lập tức. Bằng việc xét nghiệm sàng lọc, Bệnh viện Bạch Mai đã phát hiện thêm nhiều trường hợp như các ca bệnh thứ 161, 162 mới đây. 

"Hai bệnh nhân thì bà mẹ (ca bệnh 162) lên kết quả dương tính ngay, rất rõ ràng. Còn người con dâu (ca bệnh 162) phải làm đi, làm lại mới thấy dương tính, mà dương tính rất yếu ớt", ông Hùng báo cáo.

Giải thích về cụm từ "dương tính yếu ớt", ông Hùng cho biết đó là "thời gian lên dương tính chậm".

"Lúc đó, vi sinh báo xuống là từ từ để cho kiểm tra lại. Giả thiết ở đây là lượng virus thấp, nên chưa đủ để lên dương tính rất nhanh. Cái này một là do mới nhiễm, hai là đã nhiễm trong giai đoạn thoái triều. Chúng tôi cho làm định lượng về kháng thể thì dương tính với kháng thể rất rõ rệt, tức là nhiễm đã lâu. Chúng tôi rà lại lịch trình thời gian bệnh nhân ở Lai Châu, vào viện ngày 17/3, ra viện ngày 22/3, tức là tiếp xúc với nhau 5 ngày", ông Hùng nói.

Hà Nội đã có kinh nghiệm với các ổ dịch nhỏ.
Hà Nội đã có kinh nghiệm với các ổ dịch nhỏ

Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cho rằng đã có 2 nguồn bệnh, thứ nhất là hai điều dưỡng của bệnh viện và thứ 2 là các bệnh nhân trong phòng bệnh của Khoa Thần kinh. 

"Sơ đồ dịch tễ hình dung ra là cô con dâu (bệnh nhân thứ 162) nhiễm, sau đó bà mẹ (bệnh nhân thứ 161) nằm cùng giường với bệnh nhân Lai Châu (bệnh nhân thứ 133), nên thành ra cả 3 người đều nhiễm virus. Như vậy hiện tại chưa thể khẳng định có lây nhiễm chéo", ông Hùng lý giải.

Ông Hùng cũng thông tin, hiện tại bệnh viện đã tầm soát trên 5.000 mẫu của tất cả những người trong bệnh viện. Dự kiến 2 ngày nữa sẽ có kết quả. Tất cả bệnh nhân không được ra viện, phải chờ kết quả xét nghiệm cuối cùng.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp, các nước đang đưa ra những biện pháp phòng, chống dịch rất mạnh mẽ song chưa có quốc gia nào tìm ra được vắc xin. Thêm vào đó rất nhiều chuyên gia dịch tễ học phân tích rằng chưa xác định được thời gian sẽ chấm dứt dịch bệnh này. Nếu theo quy luật dịch bệnh tại Vũ Hán, thì thế giới còn khoảng từ 3 đến 4 tháng nữa mới lên đỉnh dịch.

Ông Chung cho rằng, nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống thì những điểm ổ dịch nhỏ như ở 125 Trúc Bạch, Bệnh viện Bạch Mai... có thể phát hiện và ngăn chặn được ngay. Nhưng nếu để thành ổ dịch lớn, virus phát tán khắp nơi thì thành phố sẽ có nguy cơ như Vũ Hán (Trung Quốc).

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Chủ tịch UBND thành phố cho biết, với bài học kinh nghiệm về phản ứng nhanh có từ trước đó, các quận huyện cần nghiên cứu để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hợp lý. Đồng thời, phải chủ động, không chờ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương mà Hà Nội sẽ chủ động nâng cao hơn một mức so với quy định.

"Phải giải thích rõ với người dân rằng, Hà Nội không giống các vùng quê, nếu chờ 1-2 ngày có kết quả và để người dương tính với COVID-19 đi lại thì sẽ rất nguy hiểm. Hà Nội phải làm cao hơn một mức so với quy định của Trung ương, nếu sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm", Chủ tịch Nguyễn Đức Chung nói.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị: Các cấp, các ngành quán triệt tinh thần "chống dịch như chống giặc", chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô là mục tiêu tối thượng.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI