Nước Mỹ đau đầu với tin tức sai lệch về COVID-19

20/08/2021 - 18:00

PNO - Chính phủ Mỹ khuyến cáo người dân có thể tìm thông tin chính xác về COVID-19 thông qua bác sĩ gia đình, trung tâm y tế hoặc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), chứ không phải từ những tuyên bố dễ gây hiểu lầm được đưa ra tại các phiên điều trần công khai hay các buổi lấy ý kiến công chúng.

Mạng xã hội truyền đi những tin tức sai lệch 

Việc “livestream” về các cuộc họp của chính quyền địa phương đang nổi lên như một “làn sóng” mới lan truyền thông tin sai lệch liên quan COVID-19. Hàng triệu người đã nghe các tranh luận, những tuyên bố sai lệch về các biện pháp chống dịch. Video mới nhất được chia sẻ chóng mặt, nêu ý kiến của một bác sĩ gây hiểu lầm về COVID-19 trong lúc tranh luận với hệ thống trường cộng đồng Mount Vernon ở Fortville (Indiana) hôm 6/8.

Trong phát biểu 6 phút của mình, bác sĩ Dan Stock tuyên bố khẩu trang không có tác dụng chống dịch, vắc xin cũng không thể ngăn ngừa lây nhiễm và các quan chức y tế toàn quốc đang không tuân theo nguyên tắc khoa học.

“Đây là một bác sĩ đang bị đình chỉ và ông ấy nói về những hồ nghi thường thấy của một số người, rằng khẩu trang là ngớ ngẩn, vắc xin không hiệu quả và CDC đang nói dối”, Zubin Damania, bác sĩ ở California, cho hay. 

 

Các cuộc họp của hội đồng địa phương tại Mỹ được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội khiến trong một số trường hợp, các ý kiến sai về dịch bệnh, vắc-xin được truyền đi - ẢNH: ABC NEWS
Các cuộc họp của hội đồng địa phương tại Mỹ được công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như mạng xã hội khiến trong một số trường hợp, các ý kiến sai về dịch bệnh, vắc xin được truyền đi - Ảnh: ABC News

Gần đây, YouTube đã xóa một số video tương tự về các cuộc họp của chính quyền địa phương ở Bắc Carolina và Washington. Những tuyên bố sai sự thật hoặc gây ngờ vực trong các video trực tuyến thường diễn ra trong phần hỏi đáp dành cho người dân. Một số quan chức địa phương đã không thể kiểm soát những gì họ muốn phát biểu. Giới chức tại Bellingham (Washington) đã phải tạm đình chỉ các buổi lấy ý kiến công chúng tại cuộc họp hội đồng địa phương, một hoạt động từ lâu đã được biết đến với những bình luận đầy “kịch tính”.

Trước khi internet trở nên phổ biến, những ý kiến đó không có khả năng trở thành “tin tức”. Giờ đây, với mạng xã hội, chỉ những suy nghĩ sai lệch của một bác sĩ địa phương tại một cuộc họp thôi đã có thể “cạnh tranh” với các khuyến nghị của CDC. Jennifer Grygiel, giáo sư truyền thông tại Đại học Syracuse, đề xuất nên phát sóng các nội dung họp trên kênh chính thức của chính phủ thay vì chia sẻ trên YouTube. 

Facebook xóa hơn 20 triệu thông tin sai lệch về COVID-19

Mới nhất ngày 19/8, Facebook và Instagram cho biết từ khi đại dịch bắt đầu cho đến tháng Sáu vừa qua, họ đã gỡ bỏ hơn 20 triệu nội dung chứa thông tin sai lệch về COVID-19. So với các nội dung hăm dọa, khiêu dâm, các mạng xã hội cho biết việc thu thập dấu hiệu thông tin sai lệch về COVID-19 phức tạp hơn. 

Động thái trên diễn ra khoảng một tháng sau khi Nhà Trắng chỉ ra rằng Facebook phải chịu trách nhiệm đối với 65% thông tin sai lệch về vắc xin trên các nền tảng truyền thông xã hội. “Giữa một đại dịch, trung thực và minh bạch về những điều cần làm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là tối quan trọng, nhưng Facebook vẫn từ chối cung cấp liệu có bao nhiêu thông tin sai lệch đang được lan truyền trên nền tảng của họ”, một phát ngôn viên Nhà Trắng nói.

Các chính trị gia, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã chỉ trích các mạng xã hội vì đã không giúp phòng, chống COVID-19 hiệu quả khi để truyền đi những thông tin sai lệch liên quan đến vắc xin. Dù Facebook đã hợp tác kiểm tra thực tế, hướng người dùng đến thông tin chính thống và dán nhãn thông tin sai lệch, nhưng các nhà nghiên cứu vẫn đặt câu hỏi liệu các biện pháp đó có hiệu quả hay không trong việc hạn chế sự lan truyền của các tuyên bố, phát biểu sai sự thật trên mạng?

Facebook cho biết họ có hơn 65 tiêu chí cho những tin sai sự thật về COVID-19 và vắc xin để có thể xóa các bài đăng trên nền tảng của mình.  Mạng xã hội lớn này cho biết đã xóa hơn 3.000 tài khoản, trang và nhóm vi phạm các quy tắc chống COVID-19 và về vắc xin. Facebook cũng đã hiển thị cảnh báo đối với hơn 190 triệu nội dung liên quan đến COVID-19 nhờ kiểm tra xác thực, đồng thời, cũng “bóp” mức độ hiển thị những bài này trong News Feed của mọi người. 

Nam Anh (theo ABC News, Cnet)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI