Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp nói bị Agribank lừa thế chấp tài sản hoán đổi

15/03/2021 - 19:05

PNO - Bà Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội, không đem tài sản hoán đổi thế chấp ngân hàng.

 

Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khai báo trước tòa
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp khai báo trước tòa

Hồ sơ công chứng thế chấp nhà là giả?

Chiều 15/3, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TPHCM đã tiến hành phần thủ tục xét hỏi đầu tiên đối với bị cáo Dương Thị Bạch Diệp. 

Theo cáo trạng, quá trình xin hoán đổi tài sản, bà Diệp đã sử dụng giấy chủ quyền nhà số 57 Cao Thắng (bản photo có chứng thực của UBND phường Bến Nghé, quận 1) cung cấp cho Ban chỉ đạo 09 và các sở, ngành để làm thủ tục hoán đổi. Tuy nhiên lại không thông báo cho các đơn vị nêu trên tài sản này đã thế chấp tại Agribank TPHCM.

Hành vi này dẫn đến hậu quả ngày 4/2/2012 Sở Tài nguyên - Môi trường đã cấp giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu nhà ở và đất ở đối với nhà đất số 185, Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương. 5 ngày sau, công ty này đem tài sản thế chấp cho Sacombank vay 160 tỷ đồng.

Ngược lại, với tài sản nhà đất hoán đổi cho Trung tâm ca nhạc nhẹ TP ở số 57 Cao Thắng (ngày 22/4/2012) khi các cơ quan tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với tài sản này thì không thực hiện được vì Agribank không đồng ý giải chấp.

Như vậy, đến nay, Nhà nước mất quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất đối với tài sản 185 Hai Bà Trưng có trị giá hơn 186 tỷ đồng, tại thời điểm thực hiện việc hoán đổi.

Tại tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp không thừa nhận hành vi phạm tội mà cho rằng tài sản 57 Cao Thắng không là tài sản đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào tại Agribank TPHCM. Quá trình ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng liên quan đến tài sản này đã bị Agribank TPHCM lừa. 

Bà Diệp cho rằng, công ty bà không ký hợp đồng thế chấp căn nhà 57 Cao Thắng cho Agribank. Các hồ sơ công chứng thể hiện thế chấp giữa công ty bà đều giả mạo. 

Tuy nhiên, đại diện chủ tọa phiên tòa truy: "Nếu Công ty Diệp Bạch Dương không thế chấp sao Agribank TPHCM lại giữ được bản gốc giấy tờ căn nhà này?". Bà Dương không giải thích được thêm mà chỉ khăng khăng nói mình không lừa. 

Đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dành cho các bị cáo
Đại diện viện kiểm sát công bố bản cáo trạng dành cho các bị cáo

Chiếm đoạt của Nhà nước 186 tỷ đồng

Theo cáo trạng, năm 2008, thông qua người quen, bà Dương Thị Bạch Diệp (72 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) nắm được thông tin Trung tâm ca nhạc nhẹ TP (thuộc Sở VH-TT TPHCM) có chủ trương tìm kiếm các đơn vị để hợp tác nâng cấp, cải tạo trụ sở làm việc tại nhà số 185 Hai Bà Trưng.

Với mong muốn hợp khối khu đất của công ty (số 179 Bis, 181, 183 đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3) với nhà số 185 của Trung tâm ca nhạc nhẹ nhằm tạo thành tổ hợp khách sạn 5 sao, bà Diệp đã bàn bạc, đề nghị ông Vy Nhật Tảo, Giám đốc Trung tâm ca nhạc nhẹ TP sử dụng một bất động sản khác có giá trị tương đương để hoán đổi, đồng thời sẽ cho xây dựng mới trung tâm với quy mô lớn và hiện đại hơn. Vị trí nhà đất đổi là số 57 Cao Thắng (quận 3, TPHCM).

Thấy việc đề nghị này có lợi cho Trung tâm ca nhạc nhẹ, ông Vy Nhật Tảo đã đồng ý. Sau khi thống nhất phương án, ngày 8/4/2008, bà Dương Thị Bạch Diệp ký đơn xin hoán đổi tài sản số 57 Cao Thắng (thuộc sở hữu của Công ty Diệp Bạch Dương) với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng (thuộc sở hữu Nhà nước) do Trung tâm ca nhạc nhẹ TP quản lý.

Tuy nhiên, đối với đề nghị trên, bà Nguyễn Thị Nhơn, Giám đốc Sở Tài chính TP đã có công văn gửi UBND TP với nội dung: “Không có cơ sở xem xét phương án hoán đổi tài sản 57 Cao Thắng với nhà đất 185 Hai Bà Trưng của Công ty Diệp Bạch Dương”. Trên cơ sở ý kiến của Sở Tài chính, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM đã không chấp thuận việc hoán đổi hai tài sản trên.

Tuy nhiên, bà Dương Thị Bạch Diệp và ông Vy Nhật Tảo vẫn thống nhất việc Công ty Diệp Bạch Dương hỗ trợ 20 tỷ đồng để sửa chữa nhà số 57 Cao Thắng, theo công năng sử dụng của Trung tâm ca nhạc nhẹ.

Sau khi sửa chữa xong, ông Tảo đã mời ông Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TPHCM thời điểm đó) tham quan nhà đất 57 Cao Thắng. Sau khi tham quan, ông Rum đã tổ chức họp ban giám đốc sở và thống nhất chủ trương hoán đổi.

Tiếp đó, Dương Thị Bạch Diệp và Vy Nhật Tảo đã trình bày phương án hoán đổi mang lại lợi ích cho thành phố cho ông Nguyễn Thành Tài và được ông Tài đồng ý cho hoán đổi.

Quá trình điều tra, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp thừa nhận đã bàn bạc, thống nhất với Vy Nhật Tảo, Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ về việc sử dụng tài sản khác hoán đổi với tài sản 185 Hai Bà Trưng để Công ty Diệp Bạch Dương hợp với khối đất tại địa chỉ số 179bis, 181, 183 Hai Bà Trưng, P.6, quận 3; đồng thời Trung tâm Ca nhạc nhẹ có nơi tổ chức biểu diễn khang trang hơn.

Kết luận cáo trạng nêu rõ, quá trình hoán đổi tài sản trên, Dương Thị Bạch Diệp đã có hành vi gian dối khi cung cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất số 57 Cao Thắng (phường 3, quận 3) là bản photo công chứng cho Ban chỉ đạo 09 TPHCM thể hiện chưa thế chấp, chưa đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi tài sản này đã thế chấp vay 8.700 lượng vàng tại Agribank TPHCM từ 31/12/2008. 

Đồng thời Dương Thị Bạch Diệp không thông báo tài sản trên đã thế chấp cho cơ quan chức năng trong suốt quá trình hoán đổi mà chỉ cam kết với Agribank TPHCM, sau khi hoán đổi xong tài sản 185 Hai Bà Trưng sẽ thay thế tài sản 57  Cao Thắng làm tài sản chung cho các khoản vay của Công ty Diệp Bạch Dương. Tuy nhiên, khi có được giấy chứng nhận nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, Dương Thị Bạch Diệp không thực hiện cam kết, lấy tài sản số 185 Hai Bà Trưng thế chấp vay vốn tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (nay là Sacombank). Hiện dư nợ gốc là hơn 99,2 tỉ đồng, dư nợ lãi suất cho vay là hơn 123 tỉ đồng. Vì vậy, cáo trạng xác định đủ căn cứ kết luận Dương Thị Bạch Diệp đã chiếm đoạt của Nhà nước số tiền hơn 186 tỉ đồng.

Bác yêu cầu thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố

Kiểm sát viên công bố bảng cáo trạng
Kiểm sát viên công bố bảng cáo trạng

Trong phần thẩm tra lý lịch đầu phiên xử, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp đề nghị HĐXX thay đổi kiểm sát viên giữ quyền công tố tại phiên tòa là bà Trịnh Thị Lan Anh.

Bà Diệp cho rằng trong quá trình điều tra, bà Lan Anh có hành vi bao che cho người khác và có sai sót trong cáo trạng, và cho rằng trong quá trình điều tra có nhiều giấy tờ hồ sơ giả để kết tội mình.

Sau khi nghị án, Chủ tọa phiên tòa là ông Phạm Lương Toản, Chánh tòa hình sự TAND TPHCM, thông báo không chấp nhận yêu cầu của bị cáo Dương Thị Bạch Diệp vì yêu cầu của bị cáo không có căn cứ pháp luật.

Bà Dương Thị Bạch Diệp đối diện với mức án nào?

Cáo trạng của Viện Kiểm Sát nhân dân tối cao truy tố Dương Thị Bạch Diệp về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khung quy định tại điểm a, khoản 4, điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017.

  Điều 174: tội  lừa đảo chiếm đoạt tài sản:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

           ……

      4. Phạm tội thuộc các trường hợp sau đây, th bị phạt từ từ 12 năm đến 20 năm tù hoặc tù chung thân:

        a. Chiếm đoạt  tài sản có giá trị từ 500.000.000 đồng trở  lên.

Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI