Nồng ấm nghĩa phu thê

15/01/2015 - 06:39

PNO - PN - Lý giải cho nhiều đêm mất ngủ vì phải chăm sóc chồng, không rời xa người đầu ấp tay gối nửa bước, bà Đinh Thị Thu (67 tuổi, ngụ xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) gói gọn: “Hai mảnh đời tình trong kháng chiến/...

edf40wrjww2tblPage:Content

Giành giật sự sống cho chồng

Cuối năm 2005, một cơn tai biến ập đến khiến sự sống của ông Nguyễn Ngọc Bửu (81 tuổi, chồng bà Thu) như “chỉ mành treo chuông”. Bệnh viện huyện lắc đầu, chuyển lên tuyến tỉnh, sau đó, người nhà nhận tin sét đánh: “Nên về lo hậu sự”. Lòng dạ nát tan, nhưng với suy nghĩ "còn nước còn tát", bà đề nghị được đưa chồng lên Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM chữa trị. Tại đây, sau chín ngày hôn mê, ông Bửu tỉnh dậy nắm tay vợ, nhìn ngắm các con rồi… đọc số phòng mình đang nằm. Nghe bác sĩ nói ông chỉ có thể nằm một chỗ, dẫu có hụt hẫng đôi chút, bà Thu cùng các con vẫn an nhiên đón nhận, bởi “còn được bên nhau đã là hạnh phúc”.

…Mối lương duyên giữa bà Thu - ông Bửu hình thành trong khói lửa chiến tranh, từ buổi đầu gặp gỡ cho đến lễ tuyên bố nên vợ thành chồng chỉ vỏn vẹn… một tháng. Đến nay, kỷ niệm đêm tân hôn giữa núi rừng biên giới Việt Nam - Campuchia vẫn đậm nét trong tâm khảm bà Thu: “Lều hạnh phúc được dựng lên từ cây rừng, nóc che ni lông dã chiến; ba lô làm gối, còn giường “uyên ương” là những nhánh cây bện lại. Thiếu thốn nhưng hạnh phúc tròn đầy”. Sau đám cưới, hoàn cảnh chiến tranh buộc họ phải mỗi người mỗi ngả. Ngày tiếp quản năm 1975, nhận công tác mới, cả hai vẫn trong cảnh chia lìa. Bà Thu phục viên, làm ở UBND huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre; trong khi ông Bửu nhận nhiệm vụ ở Quân khu 9, tỉnh Cần Thơ. Năm 1983, nghỉ hưu, ông Bửu mới chính thức về đoàn tụ gia đình.

Khi tôi hỏi, tính cách nào ở ông khiến bà thấy ấm áp, thương nhớ nhất trong cảnh ngộ vợ chồng cách trở, giọng bà Thu bồi hồi: “Ông ấy luôn là người đàn ông tâm lý, biết đặt mình trong hoàn cảnh người khác và rất thương yêu vợ con”. Ký ức ùa về qua giọng kể của người vợ nhiều đêm mất ngủ, chăm sóc chồng. Chiều mùng Bốn Tết năm 1977, khi con gái thứ ba mới ba tháng mười chín ngày tuổi đang ngủ ngon, bà Thu tranh thủ đi kêu người phụ gặt lúa.

Lúc trở về, đón bà là hình ảnh khóc mếu của hai con gái đầu - mới ba và hai tuổi: “Em bị làm sao rồi mẹ ơi”. Linh tính chuyện không lành, bà ào vào với con. Đứa trẻ nằm úp mặt trên võng, tử vong vì ngộp thở. Bà bàng hoàng, đau đớn đến mức chôn cất con rồi vẫn nhiều lần chạy ra mộ để… “đưa” con lên. Ông Bửu thấu hiểu tâm can ấy của vợ. Từ Cần Thơ, vừa nhận được điện tín, ông hộc tốc trở về ngay trong đêm. Ông giấu nỗi đau riêng để chia sớt cơn buồn khổ của vợ: “Có thâm tình nào sâu nặng hơn tình mẹ con. Tôi lòng nào trách mắng vợ nữa. Phần cũng hoàn cảnh tôi bận bịu công tác, một mình vợ phải trăm bề lo toan”.

Câu chuyện giữa tôi với bà Thu thi thoảng bị đứt quãng, bởi nằm trên giường, ông Bửu nhiều lần bật khóc. Mỗi lần vậy, bà Thu lại chạy sang ôm chồng, vỗ về: “Nín, thương. Nghe được gì không mà khóc nè!”. Ông Bửu khó nhọc đáp: “Nghe chuyện trên rừng, chuyện nhà mình”…

Nong am nghia phu the

Ông Bửu khóc khi nghe vợ đọc cuốn nhật ký bằng thơ

Ân tình không “già” qua năm tháng

Thấm thoắt đã gần 10 năm ông Bửu nằm một chỗ, không thể tiếp tục chia sẻ mỗi khi vợ có nỗi niềm. Ông cũng không thể tiếp tục dạy các con những bài học lấy tình nghĩa, nhân đức làm đầu như trước. Nhưng, hình ảnh mẫu mực, sống hướng đến lẽ phải, hết lòng thương yêu vợ con của người chồng, người cha nơi ông luôn in sâu sắc trong lòng bà Thu cùng các con. Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Mỏ Cày Nam, con gái đầu của ông bà, nhớ: “Hồi nhỏ chị em tôi hay thức học bài khuya, nhất là những lần phải làm tập làm văn. Ba luôn thức cùng chúng tôi, đợi tôi xong bài, đọc cho ba nghe, sau đó ông xoa đầu, khen “giỏi lắm!” rồi mới đi ngủ. Ba tôi dạy con ít khi trách mắng. Ngược lại, ông luôn động viên, khích lệ để con cố gắng hơn”. Ông Bửu - bà Thu có bốn người con, đều học hành thành đạt.

Gần 10 năm, ngày, bà không rời nửa bước; đêm, giấc ngủ cứ chập chờn hòng “tranh thủ” mọi lúc có thể, để đút cơm, bón sữa cho ông hoặc giúp ông trở người tránh mỏi. Và, như bà Thu nói, “để có nhiều hơn thời gian còn bên nhau”. Ông Bửu cũng đã quen có vợ luôn bên mình. Một lần phải đi công chuyện gấp, khi bà Thu vẫn còn đang loay hoay, chưa rời khỏi nhà đã nghe ông hỏi: “Mẹ về chưa bây? Giờ bả đi tới đâu rồi?”. Về lúc trời đổ mưa, thấy ông nhắm mắt, bà ngỡ ông đang ngủ nhưng vừa quay đi, nghe tiếng ông nói: “Chết rồi, mưa rồi, bả về không biết có ướt không?” ...

Thời gian đầu ông Bửu nằm liệt giường, ngoài thường xuyên đấm bóp, bà Thu còn sáng chế nhiều dụng cụ để giúp chồng vận động. Cái ròng rọc treo đầu giường để ông có thể cử động tay chân; hàng cây dài ngoài sân để mỗi chiều, bà đỡ ông tập từng bước…

Ông Bửu kéo chúng tôi về thực tại bằng tiếng khóc thút thít. Bà Thu đến bên vỗ về. Bà bùi ngùi cho hay, hơn một năm nay, ông Bửu có biểu hiện nhớ quên lẫn lộn. Nhiều lần vợ con ở gần nhưng ông không nhận ra. Diễn tiến sức khỏe ấy của ông, lẫn hằng hà kỷ niệm có với nhau: bắt đầu từ mối tình đồng đội, yêu nhau, đến nên nghĩa vợ chồng, rồi sinh dưỡng các con; cùng bao biến cố của gia đình được bà Thu chắt chiu, ghi lại, giữ cẩn thận trong quyển nhật ký bằng thơ, trong nhiều đêm nhìn chồng say giấc. Bà bảo: “Quy luật của thời gian ai tránh khỏi. Tôi ghi chép từng bước ngoặt cuộc đời; để sau này, tôi cũng lúc nhớ lúc quên, các con đọc cho nghe hoặc làm quà cho con cháu”. Giống như lâu nay, lúc rảnh rỗi, bà vẫn thường viết rồi đọc cho ông nghe…

Lớn lên, chứng kiến cuộc tình chung thủy, thắm nồng của cha mẹ, chị Thùy Dương không giấu niềm tự hào: “Mối quan hệ sắt son, cung cách ba mẹ ứng xử với nhau ảnh hưởng đến chị em tôi rất nhiều. Khi xây dựng nếp nhà với tổ ấm riêng của mình, tôi và các em luôn lấy ân tình, hạnh phúc của ba mẹ làm ngọn hải đăng, cái đích hướng đến”.

 TUYẾT DÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI