Nhường nhịn

18/03/2013 - 16:37

PNO - PN - Phong (năm tuổi) đang chơi trò xếp hình, em họ của Phong là Tôm (bốn tuổi) đến, sà xuống tranh giành. Phong không chịu, mẹ Phong nghiêm khắc: “Con phải nhường cho em chứ!”.

Phong mếu máo: “Nhưng đồ chơi của con mà”, rồi vùng vằng, chạy vào phòng, khóc òa. Có lẽ, trong đầu óc của đứa trẻ năm tuổi ấy đang tồn tại ý nghĩ “người lớn thật bất công và vô lý”…

Nhuong nhin

Một câu chuyện khác: Bữa ăn tối được dọn lên, có món chả mực mà Khang (sáu tuổi) rất thích. Cậu bé thò đũa gắp ngay, liền bị mẹ khẻ vào tay: “Con hư, phải nhường cho ông gắp trước chứ. Trong bữa ăn, phải để người lớn gắp trước, rồi mình mới được gắp, nghe chưa!”. Khang cãi: “Món nào ngon, người lớn cũng nhường cho trẻ em mà mẹ? Hôm trước ông có trái vú sữa ngon, ông không ăn mà nhường cho con đó”. Mẹ: “Lằng nhằng quá, con chỉ cần biết nghe lời mẹ dạy là được rồi. Thôi ăn đi!”. Cậu bé ngơ ngác nhìn ông. Ông xoa đầu Khang: “Thôi ăn đi cháu. Mẹ nói đúng đó, trong mâm, mình là trẻ con, phải chờ người lớn gắp trước và mình cũng đừng gắp phần ngon nhất trong đĩa, mà phải nhường người lớn”. “Nhưng tại sao trẻ con lại phải nhường người lớn hở ông? Sao hôm trước ông bảo, cháu lớn hơn em Na, cháu phải nhường đồ chơi cho em Na mà. Người lớn phải nhường cho người nhỏ tuổi hơn chứ!” - Khang vặn hỏi. Mẹ Khang chen ngang: “Mệt quá rồi nghe Khang, ăn đi còn lo học bài”.

Thực tế, nhiều bậc phụ huynh vẫn áp dụng cách dạy con theo kiểu mệnh lệnh “con phải thế này, con không được thế kia”. Có thể, trẻ nghe theo lời người lớn nhưng chỉ nghe vì sợ. Nếu phụ huynh đặt mình vào vị trí của trẻ, đang chơi đồ chơi mà bị một người khác đến giành, rồi còn bị “thế lực” khác bắt phải nhường đồ chơi mà không giải thích tại sao phải như thế, làm sao mà phục?

Người Việt có truyền thống tốt đẹp là “kính trên nhường dưới”. Đa số phụ huynh đều dạy cho trẻ quan điểm này, nhưng ít người chịu dành thời gian để giải thích cho trẻ tại sao phải như vậy.

Một bà mẹ khéo léo, thay vì bắt con mình nhường đồ chơi cho bạn một cách vô điều kiện, sẽ nhẹ nhàng: “Con à, mình là chủ nhà, mình nhường cho khách đi con”. Khi ấy, đứa bé cảm thấy mình đang làm một việc đầy danh dự là “chủ nhà tiếp đãi khách”. Khi khách về, người mẹ có thể giải thích thêm rằng, mình nhường khách để thể hiện thiện chí, quan tâm đến khách. Khách đường xa đến đây chơi với mình, mình nhường một chút cũng không phải là quá thiệt thòi, để mọi người cùng vui vẻ. Và chuyện trẻ thắc mắc “có lúc người lớn tuổi hơn phải nhường người nhỏ tuổi hơn, có lúc lại ngược lại, vì sao?”. Trong từng trường hợp cụ thể, phụ huynh cần có cách giải thích riêng để thuyết phục trẻ, chứ không thể nói theo kiểu: “Con chỉ cần biết như thế và làm như thế, không được lằng nhằng lý luận”.

Trong bữa ăn, việc tại sao để người lớn gắp trước và nhường người lớn gắp món ngon, cũng cần được giải thích cặn kẽ. Trẻ sẽ hiểu ra gốc vấn đề nếu phụ huynh phân tích về thứ bậc của các thành viên trong gia đình theo thứ tự ưu tiên, người già là “ưu tiên một”. Đồng thời, trẻ cần được giải thích về nguyên tắc “kính trên”. Trong khả năng của mình, phụ huynh cần khéo léo để trẻ cảm thấy vui sướng khi tỏ ra “mình là người biết nghĩ đến người khác, biết nhường người khác”, chứ không để trẻ phải nhường trong ấm ức.

Trần Triều

Từ khóa Nhường nhịn
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI