Những tấm ảnh của con

02/03/2016 - 07:56

PNO - Con trẻ không quan tâm đến việc liệu bạn có mua những món đồ đắt tiền cho bé hay không, có chụp hàng loạt tấm ảnh về chúng?

Nhung tam anh cua con
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Với tôi, việc chụp ảnh và quay phim con của mình là niềm say mê và ám ảnh. Có lẽ tôi đã chụp hơn 5.000 tấm ảnh của đứa con bé bỏng từ lúc nó sinh ra đời. Tôi ghi lại biết bao khoảnh khắc của con, từ nhiều góc cạnh khác nhau, sợ mình bỏ mất một hình ảnh quý báu.

Trong 10 năm đầu chung sống, bố mẹ tôi khá mệt mỏi với bầy con nên không mấy mặn mà việc chụp ảnh đứa con thứ tư là tôi. Tấm hình xưa nhất của tôi thời còn bé là vào khoảng bốn - năm tuổi. Tuần đầu tiên khi con trai ra đời, tôi cảm thấy hụt hẫng khi gia đình bên ngoại, bạn bè và người thân so sánh ảnh thời thơ ấu. Vợ tôi từng là một em bé rất xinh xắn, trong khi tôi là một thằng nhóc mặt lem luốc trong bộ quần áo của những năm 1970.

Tôi không có khoảnh khắc thơ ấu nào được lưu lại như nhiều người khác. Đó không phải lỗi của bố mẹ tôi khi họ phải lam lũ tìm cách kiếm cái ăn cho một gia đình đông con, và việc chụp ảnh thời đó không dễ chút nào. Chính vì thế tôi muốn đem đến cho con điều mình không có. Tôi muốn một ngày nào đó, cháu có thể chia sẻ với mọi người hình ảnh quá khứ của mình, nhìn lại những khoảnh khắc khi con còn nhỏ.

Sự phổ biến của chức năng chụp ảnh trên điện thoại di động đã tiếp tay cho tôi. Tôi lập thành thói quen “ảnh mỗi ngày”: tìm cách chụp lại những khoảnh khắc quan trọng, dễ thương nhất của con trai trong từng ngày để gửi đến ông bà của bé, và chia sẻ trên mạng xã hội với bạn bè. Dĩ nhiên, ông bà nội ngoại đều rất thích thú nên càng tạo cho tôi động lực chụp thêm nhiều ảnh của con.

Mẹ của bé quá bận bịu với việc chăm con nên để tôi tập trung vào thú vui này. Nhưng chính đứa con bé bỏng khiến tôi nhận ra sai lầm. Ngày nọ, tôi làm cái trò nhăn mặt giỡn mà ai cũng từng làm với con của họ. Trò này thường làm cu cậu thích thú cười khúc khích, thế là tôi chộp lấy cơ hội, rút ngay điện thoại ra, đưa bé vào ống kính. Khi hình của con vừa hiện lên trên màn hình điện thoại, bỗng nhiên thằng bé không cười nữa, thay vào đó là vẻ mặt xa lạ, thẫn thờ gần như thất vọng.

Lần đầu tiên tôi nhận ra mình đã bỏ quá nhiều thời gian nhìn con thông qua màn hình điện thoại hoặc ống kính máy ảnh. Tuy thằng bé đã có vẻ quen với việc nhìn tôi với cái điện thoại che trước mặt, nhưng trong tâm trí thơ ngây của nó, đó không phải là tôi. Cái vẻ mặt nhăn nhó buồn cười của tôi bỗng dưng biến mất, thay vào đó là một vật thể - điện thoại đen xì, vô cảm. Cứ như thể trò chơi “ú òa” không có tí vui nhộn nào.

Đó là lúc tôi nhận ra mình bị ám ảnh việc chụp ảnh cho con bởi những lý do sai lầm. Thú vui này chỉ thỏa mãn chính tôi, để bù đắp sự thiếu hụt hình ảnh từ thời thơ ấu.

Tôi từ bỏ việc chụp ảnh quá đáng này, chú tâm vào thời gian bên con hơn. Chỉ với những khoảnh khắc đặc biệt tôi mới rút điện thoại ra, và không ai phàn nàn về việc đó. Tôi nhận ra những giây phút quý báu nhất là khi cha con tôi cùng nhau trải nghiệm chứ không chỉ được ghi lại.

Con trẻ không quan tâm đến việc liệu bạn có mua những món đồ đắt tiền cho bé hay không, có chụp hàng loạt tấm ảnh về chúng? Những thiên thần bé nhỏ chỉ muốn sự chú ý của bố mẹ, chỉ muốn được yêu thương và vỗ về. Hãy thưởng lãm những động tác ngộ nghĩnh khi bé lắc lư nhảy nhót, hãy lắng nghe chúng rộn rã với tiếng cười, hít sâu mùi thơm vị sữa từ làn da mịn màng... những khoảnh khắc quý báu nhất sẽ mãi được lưu vào tâm trí bạn.

Thành Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI