Những mảng màu sáng tối trên bức tranh toàn cảnh thế giới

31/12/2013 - 15:32

PNO - Syria tránh được “cơn mưa” bom đạn của phương Tây, Iran và Nhóm P5+1 đạt được thỏa thuận lịch sử về vấn đề hạt nhân của Tehran, kinh tế châu Âu đã qua cơn "bĩ cực"... là một vài tín hiệu tích cực trong đời sống chính...

edf40wrjww2tblPage:Content

Nhung mang mau sang toi tren buc tranh toan canh the gioi

Cảnh hoang tàn sau cơn bão Haiyan ở Philippines - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, những tín hiệu lạc quan đó chưa thể vẽ nên một bức tranh với những gam màu tươi sáng. Thế giới nhìn chung đã trải qua một năm với bao lo âu trĩu nặng: tốc độ phục hồi kinh tế sau khủng hoảng khá chậm chạp và mong manh, thiên tai hoành hành, các điểm nóng ở Trung Đông và Bắc Phi xuất hiện nhiều căng thẳng mới, chủ nghĩa khủng bố quốc tế hồi sinh mạnh mẽ đe dọa an ninh thế giới...

Sau 5 năm vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu lớn nhất kể từ những năm 30 của thế kỷ trước, kinh tế thế giới đã vượt qua giai đoạn suy thoái khi hầu hết các nền kinh tế đều phát đi tín hiệu khả quan dù dè dặt, đặc biệt Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chấm dứt đợt suy thoái suốt 6 quý liên tiếp.

Tuy nhiên, tốc độ hồi phục không được như mong đợi khiến giới chuyên gia đồng loạt giảm mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2013. Sự yếu kém của hệ thống ngân hàng Eurozone; khủng hoảng xung quanh vấn đề ngân sách chính phủ, trần nợ công tại Mỹ; khả năng Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm chương trình kích thích kinh tế... là những nguyên nhân chính khiến tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn chậm.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hy vọng nền kinh tế thế giới trở lại tốc độ tăng trưởng tiền khủng hoảng “còn xa vời,” thậm chí có thể phải quay trở về cái gọi là “quỹ đạo tăng trưởng trì trệ trung hạn.”

Không chỉ lĩnh vực kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, tình hình chính trị-xã hội ở nhiều khu vực khác trên thế giới cũng diễn biến khá phức tạp, đặc biệt ở Trung Đông và Bắc Phi. Sau gần 2 năm "tận hưởng" nền dân chủ nhập khẩu từ phương Tây, không ít người dân ở các nước khu vực này giờ đây cảm thấy hối tiếc vì đã góp phần tạo nên cơn địa chấn “Mùa xuân Arập.”

Chính trị bất ổn, kinh tế suy giảm, xã hội bị chia rẽ sâu sắc là những điểm nhấn trong bức tranh toàn cảnh năm 2013 của những quốc gia nơi "Mùa Xuân Arập" quét qua. Hệ quả là các cuộc biểu tình rầm rộ đòi loại bỏ chính phủ mới lại bùng phát, khiến các quốc gia này rơi vào vòng luẩn quẩn không lối thoát.

Làn sóng biểu tình cũng trở nên quá quen thuộc ở "Lục địa già" khi người dân vẫn bất an với những chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà các chính phủ áp dụng để xua tan bão nợ công.

Nhiều nước cũng trải qua năm 2013 hết sức nhọc nhằn khi rơi vào cảnh “nội công, ngoại kích” như những gì đang diễn ra ở Ukraine, hay tình trạng bất ổn chính trị ở một số nước Đông Nam Á như Thái Lan và Campuchia.

Bức tranh an ninh thế giới năm 2013 cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn mang tính khu vực. Đông Bắc Á lại "dậy sóng" vì tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Việc Trung Quốc đơn phương tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông bao trùm quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku mà Nhật Bản đang kiểm soát và chồng lấn lên cả vùng phòng không của Hàn Quốc đã "đổ dầu vào lửa," khiến mối quan hệ giữa các bên luôn căng như dây đàn.

Tình hình khu vực này vào những ngày cuối năm thậm chí còn căng thẳng hơn khi Trung Quốc và Hàn Quốc phản ứng mạnh mẽ trước việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới viếng đền Yasukuni, vốn được coi là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản.

Trong khi đó, sự hồi sinh mạnh mẽ của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda với hàng chục vụ tấn công đẫm máu chỉ tính riêng trong hai tháng cuối năm đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. Các cuộc xung đột sắc tộc, giáo phái, phe nhóm bùng phát mạnh mẽ làm tình hình an ninh tại nhiều quốc gia, nhất là ở châu Phi, luôn bị đe dọa.

Những thông tin động trời do cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden tiết lộ liên quan đến chương trình do thám rộng lớn của Mỹ cũng khiến cả thế giới "bị sốc" và khiến quan hệ giữa Washington với nhiều đồng minh chủ chốt rơi vào căng thẳng.

Năm 2013, thế giới còn phải chứng kiến cơn cuồng nộ dữ dội của thiên nhiên với những trận thiên tai gây thiệt hại vô cùng lớn về người và của ở nhiều nước. Riêng siêu bão Haiyan - một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử - đổ bộ vào Philippines ngày 8/11 đã làm hơn 5.500 người thiệt mạng, khoảng 1.600 người mất tích và hàng triệu người bị mất nhà cửa. Những thảm họa thiên nhiên là lời cảnh báo nghiêm khắc rằng nhân loại cần nỗ lực hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.

Bên cạnh những gam màu xám, không thể phủ nhận rằng bức tranh toàn cầu năm 2013 cũng có nhiều điểm sáng, trong đó phải kể đến việc Nga và Mỹ nhất trí giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, giúp quốc gia Trung Đông này tránh được cảnh bom đạn. Việc Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran, dù chỉ mang tính tạm thời, cũng góp phần làm cho năm 2013 bớt đi nguy cơ xung đột.

Trong lĩnh vực kinh tế, "Thỏa thuận Bali đầy đủ" tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 9 ở Indonesia là một bước đột phá, mở ra triển vọng khai thông Vòng đàm phán Doha về tự do hóa thương mại toàn cầu hiện đang rơi vào bế tắc.

Việc các nghị sỹ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đạt được thỏa hiệp về kế hoạch chi tiêu ngân sách tài khóa 2014 nhằm tránh nguy cơ tái diễn kịch bản chính phủ bị đóng cửa cũng góp phần củng cố niềm tin rằng nền kinh tế số một thế giới sẽ khởi sắc vào năm 2014 và dẫn dắt kinh tế toàn cầu trở lại con đường phát triển bền vững. Một thành quả đáng khích lệ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu là thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 19 diễn ra tại thủ đô Warsaw (Ba Lan), được coi là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho một thỏa thuận quốc tế mới về chống biến đổi khí hậu vào năm 2015, với mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Dù chặng đường còn nhiều chông gai, song kết quả trên cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc ngăn chặn sự nóng lên của Trái Đất, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều thảm họa cho loài người thời gian qua.

Năm 2013 đã khép lại với những buồn vui lẫn lộn, song nhiều sự kiện diễn ra trong năm qua đã chứng minh rằng trong thế giới đa cực, bất kỳ vấn đề gì, dù phức tạp đến đâu, cũng có thể giải quyết thông qua đối thoại nếu các bên cùng đồng lòng và cùng có thiện chí.

Hy vọng trong năm 2014, các vấn đề "nóng" hoặc còn dang dở của từng quốc gia, khu vực sẽ được giải quyết để bức tranh toàn cầu có thêm nhiều gam màu tươi sáng hơn.

Theo TTXVN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI