Những câu chuyện dở khóc, dở cười ở “tâm dịch” bạch hầu

04/07/2020 - 11:53

PNO - Dù bệnh bạch hầu bùng phát và đã có trường hợp tử vong, nhưng một số người dân vẫn thờ ơ với việc tiêm chủng.

Đến ngày 4/7, các cơ quan chức năng tại tỉnh Đắk Nông vẫn đang nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống bệnh bạch hầu, ngăn chặn bệnh lây lan ra cộng đồng.

Như Phụ Nữ Online đã đưa tin, tỉnh Đắk Nông đã ghi nhận 16 ca dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 2 ca tử vong.

Các trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu chủ yếu là trẻ người H’Mông. Tại xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nơi đồng bào H’Mông chiếm tỉ lệ 70% - đã ghi nhận 6 ca bệnh.

Người dân tại các ổ dịch bạch hầu được cho uống thuốc điều trị dự phòng
Người dân tại các địa phương có bệnh bạch hầu được uống thuốc điều trị dự phòng

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa - Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa - cho biết: “Ngay sau khi phát hiện các ca bệnh, chiều 19/6, xã đã thành lập 2 chốt chặn, cách ly toàn bộ cụm 2, thôn 6, xã Quảng Hòa (nơi có bệnh nhân bạch hầu đầu tiên tại Quảng Hòa - PV) để kiểm soát việc ra vào vùng bệnh. Xã đang huy động lực lượng, phối hợp với các ngành chức năng để phun thuốc sát khuẩn, tuyên truyền cho người dân thực hiện vệ sinh cá nhân, nơi ở, đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với nhiều người".

Theo ông Khoa, ý thức tiêm phòng của người dân rất hạn chế, dẫn đến công tác phòng chống bệnh chưa hiệu quả. Trước khi phát hiện bệnh, dù các ngành chức năng đã nhiều lần vận động, tuyên truyền bằng nhiều biện pháp như phát thanh trên loa, vào tận các thôn, buôn, đến từng nhà… nhưng đa số đồng bào H’Mông vẫn không cho trẻ đi tiêm phòng, do lo sợ con bị ốm, sốt sau khi tiêm...

Thậm chí, một phụ nữ 63 tuổi ở thôn 6, xã Quảng Hoà, sau khi được xác định có dấu hiệu mắc bệnh bạch hầu, đã không thực hiện cách ly theo quy định mà vẫn đi làm rẫy cách nhà khoảng 20km. 5 dân quân xã đã phải đến tận nơi người phụ nữ này làm việc để... khiêng về chữa bệnh. Đến nay, sau một thời gian điều trị, người này đã có kết quả âm tính và xuất viện về nhà.

Lập các chốt chặn tại các ổ dịch
Các chốt chặn được nhanh chóng lập nên để cách ly khu vực

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Trưởng Trạm Y tế xã Quảng Hòa - cho biết, trước khi phát hiện bệnh, tỉ lệ tiêm chủng của người đồng bào H’Mông tại địa phương đạt chỉ khoảng 40-50%. Do không nhận thức được tầm quan trọng của việc tiêm phòng nên rất nhiều trường hợp, dù cán bộ y tế nhiều lần vào tận nhà để mời, nhiều người vẫn không đi, viện lý do: bận, con bệnh, quên... Cũng có một số người, sau khi được vận động nhiều lần, đã đưa con đi tiêm, nhưng mới tiêm được 1 mũi thì trẻ sốt nên không đưa trẻ đi tiêm các mũi tiếp theo.

Cũng vì “sợ con bệnh” hay quan niệm có “thần linh” che chở nên không ít trường hợp đồng bào từ chối đưa trẻ đi tiêm chủng. Thậm chí có trường hợp cho rằng, bệnh là do đi... tắm mưa bị nhiễm, chứ không phải là do không tiêm phòng.

Lực lượng y tế tổ chức tiêm phòng cho người dân vùng dịch
Lực lượng y tế tổ chức tiêm phòng cho người dân vùng bệnh

Theo chia sẻ của bà Nga, việc bất đồng ngôn ngữ cũng khiến cán bộ y tế gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân tiêm chủng.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI