Những bờ vai con gái trên đường 1C huyền thoại

01/05/2021 - 07:05

PNO - Chiến tranh với những “khuôn mặt phụ nữ” hiện lên trong trang viết qua những lát cắt hồi ức của nhân chứng, như thể những thước phim bi tráng của ngày hôm qua đang được chiếu chậm.

Hơn 400 chiến sĩ đã ngã xuống trên đường 1C - con đường được mệnh danh là “Trường Sơn giữa đồng bằng” trong những năm 1966-1975. Câu chuyện về đường 1C huyền thoại đã được kể lại bởi những người còn sống nay đã trở thành chứng nhân lịch sử, qua sự chấp bút của nhà văn Trầm Hương - người luôn đau đáu với đề tài chiến tranh cách mạng.

Tác phẩm Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái (Nhà xuất bản Công an Nhân dân) cũng đã được trao giải khuyến khích cuộc thi Viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần thứ IV, giai đoạn 2017-2020.

Trên tuyến đường huyết mạch 

Tuyến đường giao thông vận tải 1C được hình thành trong bối cảnh cam go của cuộc chiến chống Mỹ ở miền Tây Nam bộ (1966). Thời điểm ấy, đường Hồ Chí Minh trên biển đã bị địch phát hiện, nhưng vũ khí miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam vẫn về đến miền Đông Nam bộ. Đường 1C được thành lập để kết nối các tỉnh, cùng đưa được các phương tiện chiến tranh về đến đất Mũi Cà Mau, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968. Điều đặc biệt nhất trên tuyến đường huyết mạch này, chính là số lượng nữ chiếm đến hai phần ba lực lượng (trong tổng số hơn 800 người). 

Những bờ vai con gái trên con đường huyền thoại đã làm nên kỳ tích vĩ đại của cuộc chiến tranh vệ quốc. Những người được trở về với thời bình, khi nghĩ lại đã không hiểu vì sao mình và đồng đội có thể chịu đựng nổi, và vẫn còn sống sót. Con đường này là mục tiêu hủy diệt của kẻ thù.

Tuyến đường vận chuyển từ lộ Cái Sắn đến kênh Vĩnh Tế (An Giang), Hòn Đất, Hòn Me, Cô Tô, Mo So, Túc Mía (Hà Tiên, Kiên Giang) cùng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây… suốt mười năm trời hứng chịu đạn bom và những cuộc càn quét. Địch dùng mọi loại vũ khí: phi pháo, B52, bom na-pan, xăng đặc, chất độc màu da cam, đánh biệt kích suốt ngày đêm… Kênh Vĩnh Tế có lúc đã được gọi là “kênh Vĩnh Biệt”. Vậy mà “những bờ vai con gái” miền Tây đã kiên trì bám trụ, chiến đấu, vận chuyển vũ khí và sẵn sàng chấp nhận hy sinh. 

Nhà văn Trầm Hương gọi họ là “những người con gái không có tuổi”. “Những người con gái năm xưa đã bỏ lại nhan sắc, thanh xuân nơi tuyến đường ác liệt. Nhiều người nằm xuống nơi bưng sâu, lung, bàu, dưới lòng sông, cánh rừng, thôn xóm, những tuyến đường”. Những khuôn mặt và cái tên: Mười Chiều, Hồng Hạnh, Hồng Láng, Phiên, Phấn… chỉ còn lại trong những bức ảnh cũ, trong ký ức đồng đội còn gìn giữ.

Nhà văn Trầm Hương (trái) cùng chị Tô Thị Thanh Xuân (Tuyết Thu) - nhân chứng trở về từ đường 1C huyền thoại - trong dịp thăm lại núi Mo So (Kiên Giang) - Ảnh: nhân vật cung cấp
Nhà văn Trầm Hương (trái) cùng chị Tô Thị Thanh Xuân (Tuyết Thu) - nhân chứng trở về từ đường 1C huyền thoại - trong dịp thăm lại núi Mo So (Kiên Giang) - Ảnh: nhân vật cung cấp

Chiến tranh với những “khuôn mặt phụ nữ” hiện lên trong trang viết qua những lát cắt hồi ức của nhân chứng, như thể những thước phim bi tráng của ngày hôm qua đang được chiếu chậm. Những bờ vai con gái ra chiến trường gian khổ không sợ, nguy hiểm không từ, nhưng có thể bật khóc vì phải cắt đi mái tóc dài. Và điều hành hạ họ nhất không phải tra tấn tù đày hay cái chết, mà là những ngày phải liên tục ngâm mình trong nước, ghẻ lở toàn thân. Trên con đường huyết mạch ấy, dưới sức mạnh hủy diệt của bom đạn kẻ thù, những người trở về thảng thốt cùng nhau: “Cứ nghĩ mọi sắt thép đều tan chảy, nhưng kỳ lạ thay, con người đã trụ lại”. 

Những bờ vai con gái ấy đã cùng góp phần làm nên chiến công của chiến dịch Mậu Thân 1968. 

Cuộc dấn thân của chữ 

Hoàn thành tác phẩm Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái là cách nhà văn Trầm Hương trả lời rõ ràng, chân xác nhất cho câu hỏi: “Đường 1C là gì? Họ là ai, họ từ đâu đến?”. Chị đã bắt đầu hành trình đi tìm tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng sống tại các tỉnh miền Tây Nam bộ từ năm 2007. Bản thảo được khởi viết từ khi ấy, song song với việc viết sách về đường huyền thoại 1C, chị cũng tìm nguồn quỹ để xây nhà tình thương cho những cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn. 100 ngôi nhà đã được trao tặng.

“Tôi thao thức mãi với câu chuyện của những nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C, luôn tự hỏi tại sao mình không viết về họ? Đó là những câu chuyện từ chất liệu thật, xúc động, rất nhiều lần khiến tôi rơi nước mắt. Biết bao người con gái miền Tây lớn lên từ những vùng quê nghèo khó, đường đất còn sình lầy, hẻo lánh nhưng lòng yêu nước lúc nào cũng nồng nàn, cháy bỏng trong tim họ” - nhà văn Trầm Hương tâm sự.

Ngòi bút của chị đã chạm đến những điều chân thật nhất, xót xa nhất mà cũng vô cùng đẹp đẽ trên tuyến đường vận tải huyết mạch. Những chiến công và cả hy sinh, tình yêu, tình đồng đội, sự kiên cường, quả cảm của những thiếu nữ chỉ vừa mười tám đôi mươi. Biết bao người đã nằm lại đâu đó trên những cung đường mà cho đến bây giờ, vẫn còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. 

Ảnh tư liệu về những người con gái trên tuyến đường 1C ngày ấy
Ảnh tư liệu về những người con gái trên tuyến đường 1C ngày ấy

“Chúng tôi không bao giờ quên hình ảnh đồng đội hy sinh không có đất để chôn, bởi bốn bề mênh mông nước. Chúng tôi đành xốc cây gác chéo, đặt đồng đội mình lên đó, mùa nắng quay trở lại tìm gò đất để chôn. Đó là cái khổ nhất mà chúng tôi phải chịu đựng!” - lời chia sẻ của chị Tô Thị Thanh Xuân (Tuyết Thu), từng tham gia Thanh niên xung phong 1C, Đại đội Nguyễn Việt Khái 3. Người đọc lặng người bên trang viết về những cuộc “chôn xác đồng đội” giữa mênh mang sông nước. Có lúc tìm được gò đất để chôn, vừa đào đã chạm phải thi thể của đồng đội khác từng được chôn trước đó…

Huyền thoại 1C - Những bờ vai con gái như một ghi chép tổng thể về giai đoạn lịch sử 1966-1975, với những chiến công, hy sinh, mất mát. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều câu chuyện của thân phận. “Tôi mong rồi sẽ có một bộ phim tài liệu về đường 1C huyền thoại từ tư liệu, sẻ chia của những người trong cuộc. Có rất nhiều câu chuyện về những thân phận con người trong và sau chiến tranh mà tôi biết mình sẽ lại ngồi vào bàn viết” - nhà văn Trầm Hương nói như thổn thức. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI