Mạch nguồn cải lương vẫn chảy bên dòng Vàm Cỏ

25/07/2025 - 06:53

PNO - Từ ngày 1/7/2025, đoàn nghệ thuật cải lương Long An chính thức trở thành đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ, tiếp tục giữ lửa cải lương trên vùng đất Tây Ninh mới.

Tỉnh Tây Ninh mới được hợp nhất từ tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An. 2 vùng đất “uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông” đã về chung một nhà.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Hồ Ngọc Trinh - Trưởng đoàn nghệ thuật cải lương Long An, nay là đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ - đã nghĩ ngay đến cái tên Vàm Cỏ cho chặng đường mới. “Dòng Vàm Cỏ Đông chảy qua 2 địa phương, hợp nhất với Vàm Cỏ Tây (vùng Đồng Tháp Mười) tạo nên sông Vàm Cỏ - chỉ có ở Tây Ninh và Long An. Cho nên tên Vàm Cỏ vừa mang tính biểu tượng kết nối địa phương trên không gian mới, vừa gợi nhớ một phần tiền thân của đoàn” - NSND Hồ Ngọc Trinh chia sẻ.

Vở Người con của rừng tràm của đoàn nghệ thuật cải lương Long An (cũ)  - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ
Vở Người con của rừng tràm của đoàn nghệ thuật cải lương Long An (cũ) - Nguồn ảnh: Đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ

Hiện tại, Tây Ninh thuộc số ít địa phương vẫn giữ được đơn vị nghệ thuật truyền thống hoạt động độc lập. Không những thế, đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ còn là đơn vị mạnh của cải lương miền Nam và cả nước nhiều năm qua.

NSND Hồ Ngọc Trinh cảm thấy tự hào và may mắn khi đoàn luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo và khán giả tỉnh nhà. “Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh mới cũng rất quan tâm đến cải lương, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đoàn hoạt động, mong muốn bà con các nơi đều được xem đoàn hát. Điều đó làm chúng tôi rất vui, thêm động lực cho nghệ sĩ tiếp tục dấn thân, xông xáo, nỗ lực cống hiến, phục vụ quê hương mới” - NSND Hồ Ngọc Trinh nói.

Việc mở rộng địa bàn mang đến nhiều cơ hội biểu diễn hơn, nhưng cùng với đó là không ít khó khăn cho công tác hậu cần, di chuyển. NSND Hồ Ngọc Trinh và tập thể đã sẵn sàng cho chặng đường mới nhiều gian nan mà cũng đầy tiềm năng.

“Trước mắt là lễ ra mắt đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ, dự kiến diễn ra vào ngày Sân khấu Việt Nam, cũng là ngày giỗ tổ ngành sân khấu (12/8 âm lịch). Đoàn cũng chuẩn bị lên sàn kịch bản cải lương lịch sử về hoàng đế Đinh Tiên Hoàng để phục vụ nhân dân và hướng đến chào mừng đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh…” - NSND Hồ Ngọc Trinh cho biết.

Về lâu dài, đoàn sẽ tiếp tục trẻ hóa lực lượng, bổ sung nhân lực chất lượng; chuẩn bị kịch bản mới và dàn dựng vở diễn phù hợp thị hiếu từng địa phương. NSND Hồ Ngọc Trinh đang đặt hàng kịch bản về truyền thuyết núi Bà Đen - vùng đất truyền kỳ nổi tiếng của Tây Ninh; dự kiến tái dựng một số vở diễn nổi tiếng của đoàn cải lương Vàm Cỏ xưa với ê kíp mới. Và đặc biệt là kế hoạch sáng đèn nhà hát đoàn nghệ thuật cải lương Vàm Cỏ.

“Nhà hát đang được sửa chữa. Sau khi sửa chữa, nếu đủ lực, có được sự ủng hộ, dự kiến mỗi quý, nơi đây sẽ biểu diễn và truyền hình trực tiếp một vở diễn. Tất cả mới chỉ là dự án, nhưng tôi và tập thể đoàn đều mong ước làm được gì đó để cải lương tiếp tục chuyển mình cùng thời đại…” - NSND Hồ Ngọc Trinh chia sẻ.

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI