Những bà mẹ giữa... “bàn cờ” chống dịch

01/04/2020 - 08:07

PNO - Chẳng cần đến một lời hiệu triệu nghe to tát, tự bản thân những việc làm nhỏ bé của các mẹ, cũng truyền đi những thông điệp tích cực, ý nghĩa, để người đi sau noi theo, tiếp nối vào câu chuyện toàn dân chống dịch.

TPHCM đang chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú, rà soát người lang thang, người già không nơi cư trú để đưa vào chăm sóc, theo dõi sức khỏe
Một bạn trẻ tặng quà cho người vô gia cư trong đêm - Ảnh: Tam Nguyên

Ủng hộ người vô gia cư cũng đồng nghĩa với chống dịch

“Toàn dân chống dịch là đây chớ đâu” - một đồng nghiệp nói khi biết chuyện bà Dương Thị Chót ngụ ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM nhờ người quen kết nối chuyển Báo Phụ Nữ TPHCM 20 triệu đồng, nhờ gửi tới những mảnh đời nghèo khổ, bơ vơ, không nơi nương tựa trong mùa dịch, được phản ánh trong vệt bài COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè vừa qua.

Bà Dương Thị Chót ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn
Bà Dương Thị Chót ngụ ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM

Năm nay bà Chót 72 tuổi, lại mang bệnh sẵn trong người. Vì thế, dù có thói quen ngày đi bộ hai lần vào buổi sáng và tối, khi nhà nước kêu gọi người dân hạn chế ra khỏi nhà để phòng lây nhiễm, bà dứt khoát… đóng cửa ở luôn trong nhà, không đi đâu. “Ok thôi, ở trong nhà thôi, chớ có phải việc chi khó khăn đâu con. Ở trong nhà, nghĩa là, bà đã tham gia chống dịch”, bà nói rổn rảng bằng giọng rất “xì-tin”.

Theo dõi tin tức hằng ngày qua báo đài, bà biết, ngoài kia, có nhiều người nghèo khổ không được may mắn như bà “yên tâm ở nhà một chỗ mà chống dịch”. Vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bươn chải mưu sinh trong mùa dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao. Nhìn họ, rồi nhớ tới hình ảnh các y bác sĩ đang vất vả cứu chữa bệnh nhân, bà không cầm được lòng.

Vì vậy, bà muốn ủng hộ “chút đỉnh gọi là” theo tinh thần lá lành đùm lá rách. Trước hết, mong những người nghèo “bớt tủi” phần nào trong giai đoạn khó khăn này; hai là, trong hai tuần cao điểm chống dịch, nếu họ hạn chế ra ngoài kiếm ăn, giảm nguy cơ lây nhiễm, cũng đã gián tiếp giảm áp lực cho các y bác sĩ tuyến đầu đôi phần. 

Bà nói thêm: “Bà già cả, chẳng làm được chuyện gì to tát. Thôi thì, làm được gì thì bà làm. Bà nghĩ, trong phận sự của mình, người nào người đó làm tốt việc của mình, thế là được”. 

Mẹ Ngô Thị Quýt, 97 tuổi vẫn cặm cụi may khẩu trang phát cho người nghèo quanh khu phố mẹ ở
Mẹ Ngô Thị Quýt, 97 tuổi vẫn cặm cụi may khẩu trang phát cho người nghèo quanh khu phố mẹ ở

Chiếc khẩu trang của Mẹ Việt Nam anh hùng 
Biết Chi hội phụ nữ khối 6, phường 5, quận Gò Vấp (TPHCM) phát động phong trào may khẩu trang chống dịch phát cho người nghèo, sẵn vốn liếng nghề may từ thời còn đi bộ đội, mẹ Ngô Thị Quýt “xin” được tham gia cùng các em, các cháu cho vui. Ngay lập tức, câu chuyện người mẹ Việt Nam anh hùng 97 tuổi ngày ngày vẫn cặm cụi, tỉ mẩn bên chiếc bàn may gây xúc động cho nhiều người. 

Đến thăm lúc mẹ đang dở những đường may cuối, tôi đùa, giờ người ta gọi mẹ là “bà mẹ vàng trong làng chống dịch đấy”. Người gầy còn nhúm xương, da nhăn nheo, một bên mắt hỏng, một bên tai không còn nghe được (do địch tra tấn), thế mà, nghe xong, mẹ cười “chu choa mạ ơi”: “Thật à, báo chí làm quá. Người ta có tiền góp tiền, mình chỉ có công thì góp công, miễn sao cùng nhau chống dịch như chống giặc là được. Mẹ cũng có làm cái chi to tát mô”.

Biết mẹ tuổi cao, sức yếu, không muốn mẹ cực, nên ban đầu chị em Hội Phụ nữ phường 5 không muốn để mẹ tham gia. Nhưng rồi, chứng kiến cảnh người nghèo không có khẩu trang, mẹ không đành lòng, vẫn tiếp tục ngồi vào máy may. Hơn thế, mẹ còn đứng ra vận động người dân trong khu phố ủng hộ vải sạch cho phong trào. Khuyên không được, thế là cả chi hội phụ nữ và con cháu trong nhà… phải “chịu” mẹ.

Vì tuổi cao, sức yếu, chân tay mẹ run run. Một bên mắt hỏng, bên còn lại cũng mờ đục dần, mẹ phải đeo kính lão mới nhìn thấy. Thế mà hằng ngày mẹ vẫn ngồi cặm cụi với công việc may khẩu trang của mình. Nhìn mẹ tỉ mẩn với đống vải vụn, cắt vải rồi rờ lần từng đường may, có chút cảm động. Mỗi sản phẩm hoàn thành, dù đường kim mũi chỉ không còn sắc sảo như mấy chục năm trước, nhưng vẫn làm mẹ vui trong lòng.

Cầm lấy đôi bàn tay “bọc gân” run run của mẹ lên, nghe mẹ chia sẻ, mẹ đã trải qua những năm tháng chiến tranh khắc nghiệt nhất, bị địch tra tấn tưởng chết nên mẹ hiểu cực khổ là gì. Mẹ nói: “Bữa trước, mẹ xem tin tức, thấy mấy chú bộ đội trải bạt, nhường chỗ ngủ, chia cơm cho người bệnh, mẹ mới nghĩ, hòa bình rồi mà bộ đội vẫn hy sinh nhiều như vậy. Nhìn các con các cháu, mẹ nghĩ, mình còn khỏe sao có thể ngồi yên được”.

Ngày xưa, mẹ may áo cho bộ đội. 24 năm sau ngày nghỉ hưu, mẹ vẫn lụi cụi bên chiếc máy may, lúc thì may chăn mền, lúc thì tra cái cúc, sửa khuy áo… rồi phát cho người nghèo xung quanh khu phố mình đang ở. Giờ thì đất nước dịch bệnh, mẹ cũng muốn góp chút sức lực của mình. Mẹ nghĩ bụng, thêm một người nghèo có khẩu trang, giảm thiểu một nguy cơ lây nhiễm. Thế là mẹ đang tham gia chống dịch, như ngày xưa chống địch.

Một triệu đồng chống dịch

Cách đây không lâu, mặc dù địa phương chưa kêu gọi ủng hộ nhưng qua báo đài biết được lời kêu gọi của Chính phủ, mẹ Lê Thị Niệm - một cựu thanh niên xung phong năm nay 78 tuổi (ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã một mình đạp xe lên UBND xã để ủng hộ một triệu đồng, mong nó có ích cho công tác phòng chống dịch.

Lá thư giản dị của mẹ Lê Thị Niệm
Lá thư giản dị của mẹ Lê Thị Niệm

Trong lá thư viết tay mà mẹ gửi cho UBND xã, có lẽ do tuổi tác, tay và mắt yếu nên nhìn vào, cũng nhận ra từng nét chữ run run, không được… thẳng hàng, thẳng lối cho lắm. Thế nhưng, cái sự khúc chiết, cái tình cảm đơn sơ của mẹ không lẫn đi đâu được. Mẹ viết: “Trong chiến tranh, gia đình tôi đã hy sinh chồng, con, chị. Trong hòa bình năm 1983, 1984, khi nhà nước khó khăn về kinh tế, gia đình tôi cũng bán thóc mua công trái. Ngày nay dịch lại đến, tôi tuy đã già rồi không làm được gì, nay con cháu biếu quà, tôi lại cống hiến cho nhà nước số tiền là một triệu đồng. Tuy ít ỏi nhưng tấm lòng của tôi, mong được ban lãnh đạo các cấp nhận cho tôi”. 

Và chỉ mới cách đây vài ngày, hưởng ứng lời kêu gọi người dân trong xã đóng góp cho chương trình phòng chống dịch của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), dù tuổi cao, đã được cán bộ đề nghị “ủng hộ bằng tinh thần là được”, tiền để lo cho tuổi già, nhưng bà Nguyễn Thị Nhuận 79 tuổi vẫn nhất định phải ủng hộ cho bằng được một triệu đồng.

Bà Nhuận trồng một vườn rau sau nhà vừa ăn vừa bán. Số tiền một triệu đồng trên được bà dành dụm từ việc bán rau trong nhiều tháng qua. 
“Có 9 ngàn thì để thành 10, có 90 dành dụm thành 100 ngàn đồng. Tiền tiêu cho người, cho việc xứng đáng thì không tiếc đâu” - bà nói, như gửi đi một thông điệp giản dị trong những ngày chống dịch COVID-19. 

Báo Phụ Nữ tiếp tục là cầu nối san sẻ khó khăn với người bán vé số

Ngay sau khi Báo Phụ Nữ TPHCM đăng tải loạt bài viết COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè, nhiều bạn đọc đã liên hệ, mong muốn được kết nối để san sẻ một phần khó khăn với người nghèo, người vô gia cư trong đại dịch COVID-19. Ngày 26/3, Báo Phụ Nữ TPHCM đã trao 100 phần quà trị giá 50 triệu đồng cùng khẩu trang, nước rửa tay đến các đối tượng là trẻ em, người lao động ở khu trọ của người thu nhập thấp và người vô gia cư trên địa bàn TPHCM.

Ngay sau khi có thông tin sẽ tạm dừng hoạt động vé số truyền thống trong hai tuần kể từ ngày 1/4, bạn đọc tiếp tục liên hệ với Báo Phụ Nữ TPHCM gửi tiền và quà tặng để Báo gửi đến những người bán vé số bị ảnh hưởng thu nhập, người lao động nghèo, người vô gia cư...
Hiện nay, Báo Phụ Nữ TPHCM đã tiếp nhận được 30 triệu đồng tiền mặt, 3 tấn gạo cùng nhiều nhu yếu phẩm khác từ bạn đọc. Ngay trong đêm 31/3, chúng tôi đã khảo sát, liên hệ đến những người bán vé số, lao động nghèo, người vô gia cư để nhanh chóng chuyển phần quà của Mạnh Thường Quân đến với họ kịp thời trong lúc khó khăn này.

Trân trọng cảm ơn tấm lòng hảo tâm của quý bạn đọc. Những ngày tới, Báo Phụ Nữ TPHCM sẽ tiếp tục là cầu nối cho các Mạnh Thường Quân đến với những con người đang phiêu dạt bên lề thành phố để giúp họ san sẻ gánh nặng trong mùa dịch COVID-19.

Chiếc xe đẩy mà bà Dương Thị Chót (ở H.Hóc Môn) biếu ông Hùng vô gia cư - nhân vật trong vệt bài COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè mà Báo Phụ nữ TP.HCM đăng tải vừa qua
Chiếc xe đẩy mà bà Dương Thị Chót (ở huyện Hóc Môn) biếu ông Hùng vô gia cư - nhân vật trong vệt bài COVID-19 và những khoảng trống vỉa hè mà Báo Phụ Nữ TPHCM đăng tải vừa qua

 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI