Nhờ tiêm vắc-xin, bệnh nhân mắc COVID-19 không phát triển triệu chứng nặng

24/03/2021 - 19:01

PNO - Dù khá hiếm, các trường hợp nhiễm bệnh sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 là một lời nhắc nhở rằng những người được tiêm chủng vẫn nên đeo khẩu trang khi dịch bệnh còn lan rộng.

Hơn hai tháng sau khi được tiêm vắc-xin đầy đủ, một bác sĩ ở New York thức dậy với cơn đau đầu và cảm giác mệt mỏi âm ỉ, nặng nề. Một cơn sốt và ớn lạnh đến ngay sau đó, và vị giác, khứu giác của anh bắt đầu mất dần. Kết quả, anh ấy dương tính với COVID-19.

Vị bác sĩ giấu tên kể: “Đó là một cú sốc lớn”. Anh biết rằng không có vắc-xin nào là hoàn hảo và các mũi tiêm Pfizer-BioNTech chỉ có hiệu quả 95% trong một thử nghiệm lâm sàng lớn. “Nhưng bằng cách nào đó trong tâm trí tôi, tỷ lệ thành công phải là 100%,” anh nói.

Bác sĩ trên là một trong số ít trường hợp được báo cáo về những người vẫn nhiễm COVID-19 sau khi tiêm chủng một phần hoặc thậm chí đầy đủ. Khoảng 83 triệu người Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vắc-xin COVID-19 tính đến ngày 23/3 và không rõ bao nhiêu người trong số họ có thể nhiễm bệnh, dù hai nghiên cứu mới cho thấy con số này là rất nhỏ.

Tỷ lệ nhiễm bệnh ở những người đã tiêm vắc-xin là rất thấp và không có trường hợp nào phát bệnh nặng
Tỷ lệ nhiễm bệnh sau 2 tuần ở những người đã tiêm vắc-xin là rất thấp và không có trường hợp nào phát bệnh nặng

Một nghiên cứu cho thấy chỉ 4 trong số 8.121 nhân viên được tiêm chủng đầy đủ tại Trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas ở Dallas bị nhiễm bệnh.

Nghiên cứu còn lại ghi nhận 7 trường hợp trong số 14.990 nhân viên tại tổ chức UC San Diego Health và David Geffen School of Medicine thuộc Đại học California, Los Angeles có kết quả dương tính COVID-19, hai tuần trở lên sau khi tiêm liều vắc-xin Pfizer-BioNTech hoặc Moderna thứ hai.

Cả hai báo cáo, được công bố hôm 23/3 trên Tạp chí Y học New England, cho thấy vắc-xin hoạt động tốt trong thế giới thực và giữa những đợt lây truyền dữ dội.

Nhưng những trường hợp lây nhiễm sau khi tiêm chủng, mặc dù khá hiếm, là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng những người được tiêm chủng không phải “bất khả chiến bại”, đặc biệt là khi virus tiếp tục lưu hành rộng rãi và không ngừng biến đổi.

Tiến sĩ Francesca J. Torriani, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại UC San Diego Health cho biết, chỉ một số nhân viên y tế dương tính COVID-19 trong nghiên cứu ở California thể hiện các triệu chứng nhẹ, cho thấy rằng vắc-xin có tác dụng bảo vệ tốt.

Điều đó phù hợp dữ liệu từ các thử nghiệm vắc-xin trước đây, vốn cho thấy rằng các ca bệnh sau khi tiêm chủng đều nhẹ và không cần nhập viện. Một số người hoàn toàn không có triệu chứng và chỉ được phát hiện thông qua xét nghiệm trong các nghiên cứu, hoặc một phần trong quá trình chăm sóc y tế cá nhân.

Sự vắng mặt của các triệu chứng nặng nghĩa là vắc-xin đang làm chính xác những gì nó phải làm: ngăn chặn mọi người bị mắc bệnh, ngay cả khi nó không ngăn chặn hoàn toàn việc virus lây nhiễm cho họ.

Trong vài tháng tới, Pfizer và Moderna dự kiến ​​sẽ công bố dữ liệu cho biết tần suất những người được tiêm chủng bị nhiễm virus, ngay cả khi họ không có triệu chứng. Một câu hỏi khác là vắc-xin có hiệu quả như thế nào đối với những người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu do bệnh tật hoặc chế độ thuốc men khác.

Linh La (theo NY Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI