Nhìn chồng con, thấy mình cô đơn

26/05/2021 - 18:24

PNO - Em thấy mọi người tập trung vào máy tính nhiều hơn yêu cầu thực tế, việc giao tiếp với nhau giảm sút, giờ ăn giờ ngủ bị phụ thuộc vào giờ lên mạng.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Nhà em bây giờ biến thành phòng máy tính. Vợ chồng em đều làm nghề giáo. Cả năm rồi học viên và giáo viên chỉ có thể học online, mấy tuần thầy nghỉ tết, học viên cũng nghỉ tết nên bây giờ bài vở dồn, phải dạy bù.

Sau khi cho học sinh nghỉ chống dịch, trường em cũng buộc giáo viên phải dạy online. Hai đứa con em thì học trực tuyến. Cùng ở trong một nhà mà nói chuyện với những ai ở đâu thật xa. Tự nhiên, có lúc em ngồi nhìn chồng con, thấy mình cô đơn hết biết. 

Dù biết đây là chuyện không ai muốn, nhưng em vẫn rất băn khoăn. Em thấy mọi người tập trung vào máy tính nhiều hơn yêu cầu thực tế, việc giao tiếp với nhau giảm sút, giờ ăn giờ ngủ bị phụ thuộc vào giờ lên mạng.

Hồi trước đi làm về, đi học về là gia đình sum họp với nhau. Bây giờ thì từ sáng đến tối ai nấy ôm điện thoại, máy tính. Hiệu quả học hành chưa biết tới đâu, nhưng trước mắt thấy rõ là em không thể nhắc các con rời máy tính để phụ việc nhà. 

Không biết có cách nào để giảm bớt những ảnh hưởng này để giữ gia đình mình đầm ấm hơn? 

Thu Thủy (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Thu Thủy thân mến, 

Đây đúng là chuyện đang làm đau đầu các bà chủ gia đình. Khi dịch mới bùng phát, trẻ em ở nhà, nhiều người lớn đã chịu hết xiết vì bọn trẻ tù túng, suốt ngày quậy phá.

Bây giờ thì bọn trẻ học online, giờ học cũng như giờ không học, suốt ngày chúi đầu vào máy tính, người lớn cũng làm việc online…

Người nội trợ trong nhà thì thêm cực: phải dọn dẹp, lo ăn uống nấu nướng cho cả gia đình, thêm mối lo không rõ chồng con đang kết nối với những ai, ở đâu. 

Tuy nhiên, vì công việc, em còn tham gia một phần vào thế giới online, nhiều chị em khác hoàn toàn bất lực vì đứng ngoài.

Thậm chí người ta thống kê cho thấy số đơn đặt hàng đồ ăn giao tới nhà tăng vọt, nghĩa là đối với nhiều gia đình, bữa cơm nhà cũng đã... online, ai thích gì đặt món đó, thích ăn giờ nào đặt giờ đó.

Ăn mà mắt vẫn dán vào màn hình điện thoại máy tính, tay vẫn trên bàn phím, đầu óc, tâm trí vẫn kết nối đâu đâu… đang là hình ảnh phổ biến trong nhiều gia đình.

Như tất cả những chuyện của gia đình, cách khắc phục vẫn phải tìm trong mỗi thành viên, trong tình cảm, sự gắn bó của cả gia đình.

Em nên nói chuyện với chồng, mình có nói ra những cảm xúc, suy nghĩ, lo lắng thì người ta mới cùng tìm cách giải quyết. Phụ nữ thường nhạy cảm hơn trong những chuyện như thế này, khi chia sẻ với chồng, em sẽ có được sự đồng cảm, đồng hành từ anh ấy để gìn giữ gia đình và nuôi dạy con. 

Các con em còn nhỏ, chúng đang bị hút vào thế giới mạng. Cha mẹ đã có trải nghiệm sống nhiều hơn, cần nhìn xa hơn để dẫn dắt chúng.

Cả gia đình có thể cùng xem lại thời gian biểu học và dạy online của mỗi thành viên, từ đó xếp lịch sinh hoạt chung của cả nhà, định ra những giờ offline, cùng phụ mẹ làm việc nhà.

Một cách nữa là, ba mẹ có thể giúp con làm bài tập, từ đó phần nào hiểu được việc học của con, không để trẻ lạc hướng khi lên mạng.

Vợ chồng em cũng có thể bày thêm những việc mới, như cùng trồng cây, cùng tập thể dục, cùng sửa chữa một món đồ gì đó trong nhà… những việc khuyến khích giao tiếp trực tiếp giữa các thành viên sẽ khiến mọi người “động tay động chân” nhiều hơn, thoát khỏi cảnh ngồi lì trước máy tính rồi uể oải lờ đờ trong giờ cơm.

Điều quan trọng là thống nhất được giờ giấc, mọi người đều thoải mái. Chúc em có nhiều thử nghiệm thành công.

HẠNH DUNG

 

Thư chia sẻ cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn đọc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Tư vấn tâm lý - tình yêu - hôn nhân trực tiếp và miễn phí tại Phòng tư vấn Hạnh Dung, toà soạn Báo Phụ Nữ.

Thời gian: từ Thứ 2 tới Thứ 6 trong giờ hành chánh.

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI