Nhiều quốc gia kêu gọi thai phụ tiêm ngừa COVID-19

10/01/2022 - 17:02

PNO - Trước tình hình thai phụ nhiễm COVID-19 có biến chứng nặng do chưa tiêm ngừa, nhiều nước đã kêu gọi phụ nữ đang mang thai tăng cường tiêm ngừa.

Dựa trên một phân tích từ các dữ liệu được theo dõi trong nhiều tháng vào năm ngoái, chính phủ Anh cảnh báo hầu hết phụ nữ mang thai nhập viện với các triệu chứng COVID-19 đều chưa được tiêm ngừa, qua đó phát động một chiến dịch quảng bá, khuyến khích các bà mẹ tương lai tiêm ngừa và tiêm bổ sung.

phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa COVID-19, vì cho rằng điều này không chỉ an toàn, mà còn có lợi cho cả mẹ và con
Phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa COVID-19, vì điều này không chỉ an toàn, mà còn có lợi cho cả mẹ và con

Chiến dịch này kêu gọi phụ nữ mang thai không nên chờ để tiêm mũi 1, mũi 2 hoặc tiêm nhắc lại, mà cần làm điều này ngay khi đủ điều kiện. Chính phủ Anh cho biết, nghiên cứu của các chuyên gia và tổ chức y tế cho thấy vắc xin COVID-19 an toàn cho phụ nữ mang thai và không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Bộ Y tế và chăm sóc xã hội Anh đã trích dẫn số liệu thống kê từ Hệ thống Giám sát sản khoa Anh, cho thấy 96,3% phụ nữ mang thai nhập viện với các triệu chứng COVID-19 từ tháng 5 đến tháng 10 năm ngoái đều chưa được tiêm chủng, 1/3 trong số này cần được hỗ trợ hô hấp.

Vào tháng 10/2021, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), cũng đã kêu gọi thai phụ tiêm ngừa COVID-19, vì chỉ mới có 1/3 đối tượng đã tiêm. Tỷ lệ này ở phụ nữ da màu còn thấp hơn nhiều, chỉ hơn 15%.

CDC dẫn chứng nghiên cứu của các chuyên gia, cho thấy thai phụ chưa tiêm ngừa COVID-19 có thể bị tăng gấp đôi nguy cơ bệnh nặng cần được chăm sóc đặc biệt khi nhiễm, và khả năng bị tử vong lên đến 70%. Ngoài ra, thai phụ nhiễm bệnh COVID-19 cũng có nguy cơ sinh non, hoặc thai nhi chết trong bụng mẹ, và trẻ sơ sinh cũng có thể phải chống chọi với căn bệnh này ngay từ khi mới chào đời.

Chỉ riêng trong tháng 8/2021, 22 phụ nữ mang thai ở Mỹ đã thiệt mạng do COVID-19.

Tại châu Mỹ, tính đến đầu tháng 9/2021, đã có hơn 270.000 phụ nữ mang thai bị nhiễm COVID-19, và hơn 2.600 người đã tử vong sau khi nhiễm bệnh. Đứng đầu là Mexico và Colombia, nơi ghi nhận COVID-19 trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho các bà mẹ vào năm 2021.

Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế Liên Mỹ (PAHO) đã kêu gọi các nước trong khu vực ưu tiên tiêm ngừa COVID-19 cho phụ nữ đang mang thai và cho con bú.

“PAHO khuyến nghị tất cả phụ nữ mang thai, sau 3 tháng đầu tiên, cũng như phụ nữ đang cho con bú nên tiêm vắc xin COVID-19. Vì nếu không tiêm, khi bị nhiễm bệnh, đối tượng này sẽ có nguy cơ phát triển các triệu chứng nghiêm trọng, phải được hỗ trợ thở, và chăm sóc đặc biệt, cao hơn so với những phụ nữ không mang thai. Họ cũng có thể sinh non.

Trong khi đó, vắc xin COVID-19 đã được WHO phê duyệt là an toàn để sử dụng trong thời kỳ mang thai, và là một công cụ quan trọng để bảo vệ các bà mẹ tương lai trong thời kỳ đại dịch”, Bà Carissa F.Etienne - Giám đốc của PAHO - cho biết.

Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (KDCA), cũng đã khuyến khích phụ nữ mang thai đủ điều kiện đăng ký tiêm ngừa COVID-19, từ cuối tháng 10/2021, với vắc xin Pfizer hoặc Moderna. “Các loại vắc xin này an toàn cho phụ nữ mang thai và có thể làm giảm đáng kể nguy cơ nhiễm COVID-19 và mắc bệnh nặng”, giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong cho biết.

Trong số 731 phụ nữ mang thai bị nhiễm virus ở Hàn Quốc tính đến tháng 8/2021, khoảng 2% bị phát bệnh nghiêm trọng, gấp 6 lần so với phụ nữ ở độ tuổi 20-45, theo KDCA.

Tương tự, tại Singapore, từ giữa năm ngoái, Đại học Sản phụ khoa Singapore (COGS) và Hiệp hội Sản phụ khoa Singapore (OGSS) cũng khuyên phụ nữ mang thai nên tiêm ngừa COVID-19, vì cho rằng điều này không chỉ an toàn, mà còn có lợi cho cả mẹ và con.

“Các kháng thể mà phụ nữ tạo ra sau khi tiêm ngừa được chuyển sang trẻ trước khi sinh, cũng như vào sữa mẹ. Điều này mang lại sự bảo vệ cho trẻ sơ sinh. Trong khi đó, các nghiên cứu ở một số quốc gia đã chỉ ra rằng phụ nữ mang thai nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng cần được chăm sóc đặc biệt, hoặc trợ thở xâm lấn”, Tiến sĩ Lim Min Yu - chủ tịch của OGSS - giải thích.

Nhất Nguyên (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI