Nhiều nước tăng cường chi tiêu cho quân sự bất chấp đại dịch COVID-19

26/04/2021 - 20:28

PNO - Hôm thứ Hai (26/4), các nhà nghiên cứu cho biết chi tiêu quân sự trên toàn thế giới đã tăng lên gần 2 ngàn tỷ USD trong năm 2020, bất chấp tác động của đại dịch COVID-19 lên nền kinh tế nhiều nước.

Theo một báo cáo từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2020 đã tăng 2,6%, chạm con số 1.981 tỷ USD trong khi GDP toàn cầu lại giảm 4,4 %.

Nhóm tàu Roosevelt (trái) và Makin Island diễn tập trên Biển Đông hôm 9/4 - Ảnh: US Navy
Nhóm tàu Roosevelt (trái) và Makin Island diễn tập trên Biển Đông hôm 9/4 - Ảnh: US Navy

“Với tình hình đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu trong hơn một năm qua, nhiều người có thể nghĩ rằng chi tiêu quân sự sẽ giảm. Nhưng con số nói trên là một minh chứng rằng COVID-19 đã không tạo ra tác động đáng kể nào lên chi tiêu quân sự toàn cầu, ít nhất là trong năm 2020”, Diego Lopes da Silva, một trong những tác giả của báo cáo, chia sẻ với AFP và cho rằng đây là một diễn biến khá bất ngờ.

Tuy nhiên, Lopes da Silva cũng cảnh báo rằng do bản chất của chi tiêu quân sự, có thể mất thời gian để các quốc gia “thích nghi với cú sốc” do đại dịch COVID-19 gây ra. Bởi lẽ, khi chi tiêu quân sự vẫn tiếp tục tăng trong bối cảnh kinh tế suy thoái thì nó sẽ tạo ra thêm gánh nặng về lâu dài cho nền kinh tế.

Trong năm 2020, tỷ trọng chi tiêu cho quân sự trên GDP toàn cầu đã tăng từ 2,2% lên 2,4%, mức tăng hàng năm nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009. Cũng trong năm này, có 12 quốc gia thành viên của khối NATO chạm hoặc vượt ngưỡng mục tiêu về tỷ lệ chi tiêu cho quân sự trên GDP của đất nước do liên minh này đặt ra là 2%, so với con số 9 quốc gia trong năm 2019.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những dấu hiệu cho thấy đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu cho quân sự của một số quốc gia. Chẳng hạn, Chile và Hàn Quốc đã công khai quyết định điều chỉnh nguồn ngân sách dành cho quân sự nhằm đối phó với đại dịch. “Một số quốc gia khác, ví dụ như Brazil và Nga, tuy không nói rõ sẽ phân bổ lại ngân sách cho quân sự do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng thực tế đã cắt giảm đáng kể chi tiêu cho lĩnh vực này so với ngân sách được đặt ra trước đó cho năm 2020”, Lopes da Silva cho biết.

Một số nước lại có cách ứng xử khác khác biệt về vấn đề nói trên. Chẳng hạn, Hungary xem việc tăng chi tiêu cho quân sự như là một phần của “gói kích thích” nhằm ứng phó với đại dịch.

Lopes da Silva cũng lưu ý rằng nếu như trong cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009, nhiều quốc gia trên thế giới đã chọn “thắt lưng buộc bụng” để ứng phó thì nay, trong thời kỳ khủng hoảng dịch COVID-19, các nước này đã không làm điều tương tự. Trong đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai quốc gia đang đang đẩy mạnh chi tiêu cho quân sự nhiều nhất, chiếm tương ứng 39% và 13% tổng chi tiêu quân sự trên toàn cầu.

Trên thực tế, cùng với đà tăng trưởng kinh tế, Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho quân sự trong 26 năm liên tiếp, ước đạt con số 252 tỷ USD trong năm 2020. Năm này cũng là năm thứ 3 liên tiếp Mỹ tăng chi tiêu cho quân sự sau 7 năm cắt giảm. “Và hiện cũng chưa có bất cứ dấu hiện nào cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Biden sẽ giảm chi tiêu cho quân sự trong thời gian tới”, Lopes da Silva lưu ý thêm.

Nhất Nguyên (theo CAN, AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI