Nhiều bệnh viện phản pháo cách siết thuốc trúng thầu

24/06/2018 - 15:30

PNO - Hiện nhiều bệnh viện tại TP.HCM chưa được Bảo hiểm xã hội thanh toán tiền thuốc. Số thuốc này đã sử dụng năm 2016 sau khi đấu thầu riêng lẻ dưới hình thức đấu thầu rộng rãi hoặc áp thầu.

Phản ứng điều chỉnh chênh lệch 5% chưa hợp lý

Bệnh viện Quận Bình Thạnh cho biết, trong số 73 mặt hàng thuốc mà Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đưa vào danh sách phải điều chỉnh lại giá để được thanh toán bảo hiểm y tế, bệnh viện này rà soát chỉ có 15 mặt hàng thuốc thống nhất với quan điểm của BHXH TP.HCM là buộc phải điều chỉnh lại giá.

Riêng các mặt hàng còn lại có “vấn đề”, chưa hợp lý cho bệnh viện. Đặc biệt Bệnh viện Bình Thạnh đứng đầu danh sách bị điều chỉnh giá khi có đến 45 mặt hàng thuốc nằm trong danh sách cao hơn 5% so với giá thuốc mua vào ở một số bệnh viện.

Nhieu benh vien phan phao cach siet thuoc trung thau
 

Đơn cử, BHXH yêu cầu Bệnh viện Bình Thạnh phải điều chỉnh giá thuốc tiêm truyền Manitol 250ml (dùng tăng lọc nước tiểu, dạng chai 250ml, hàm lượng hoạt chất Manitol 20%) từ giá 18.270 đồng xuống còn 18.050 đồng như giá thuốc của Bệnh viện Lao Phạm Ngọc Thạch. Vì theo diễn giải của BHXH TP.HCM,  đây cùng một loại thuốc, cùng do Công ty cổ phần Fresenius Kabi Bidiphar sản xuất và đều được Công ty TNHH TM dược phẩm Thiên Châu A.P.T. cung ứng.

Bệnh viện Bình Thạnh không đồng tình với cách quy đổi này vì nếu Bệnh viện Bình Thạnh tự tổ chức đấu thầu thì BHXH có thể “kéo” giá này xuống bằng Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, trong khi bệnh viện không tổ chức mời thầu mà chỉ áp theo giá trúng thầu từ một bệnh viện khác. Điều này hoàn toàn đúng quy định của Sở Y tế. Đáng ra, BHXH nên tuýt còi bệnh viện trúng thầu thuốc Manitol mà Bệnh viện Bình Thạnh đã áp theo.

Không chỉ Bệnh viện Bình Thạnh, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đều bị rơi vào tình trạng này, nhất là các bệnh viện không thể đấu thầu mà chỉ áp theo giá các bệnh viện đã tự tổ chức đấu thầu và được phê duyệt mua thuốc trúng thầu.

Nhieu benh vien phan phao cach siet thuoc trung thau
 

Bác sĩ Đinh Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Quận Tân Phú cho rằng, sau khi Sở Y tế TP.HCM gửi công văn yêu cầu Bệnh viện Tân Phú rà soát lại giá một số loại thuốc như: Grangel, Vincomid, Cammic… mua cao hơn 5% so với các bệnh viện khác theo yêu cầu của BHXH TP.HCM, bệnh viện khẳng định đã mua đúng giá thuốc như trong bảng dữ liệu của Sở Y tế quy định.

Đơn cử như thuốc tiêm truyền dạng túi Ringer Lactate (dịch truyền tĩnh mạch bồi phụ nước và điện giải), Bệnh viện Tân Phú áp thầu với giá 7.455 đồng/túi nhưng BHXH đề nghị chỉnh xuống giá 6.920 đồng. Trong khi giá thuốc trúng thầu ở Bệnh viện Truyền máu huyết học là 7.350 đồng, ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới 7.875 đồng. Điều này có nghĩa Bệnh viện Tân Phú đã mua với giá hợp lệ không cao quá 7.875 đồng so với giá trúng thầu ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Nhiều loại thuốc bị so sai kích cỡ

Bệnh viện Bình Thạnh cho rằng, bệnh viện không thống nhất một số loại thuốc do BHXH so sánh giá giữa hai thuốc khác nhau về quy cách đóng gói nhỏ nhất. Cụ thể, bệnh viện này mua 1.000 chai nước cất pha tiêm dạng 500ml, với giá  7.497 đồng nhưng BHXH lại bắt điều chỉnh xuống bằng giá với loại 100ml.

Nhieu benh vien phan phao cach siet thuoc trung thau
 

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết: “Trong quá trình thương thảo lại những thuốc trúng thầu, bệnh viện nhận thấy có loại thuốc không chính xác khi so sánh giá nước cất pha tiêm trúng thầu vào Bệnh viện Nhi đồng 1 với giá tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng & Điều trị bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, loại nước cất pha tiêm 500ml do Công ty TNHH TMDP Thiên Châu A.P.T trúng thầu ở Bệnh viện Nhi đồng 1 là loại 500ml, với giá 8.400 đồng, trong khi loại trúng thầu tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng & Điều trị bệnh nghề nghiệp là loại 100ml nên chỉ có 6.300 đồng”.

“Nước cất pha tiêm trúng thầu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có thể tích khác với thể tích sản phẩm trúng thầu tại Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng & Điều trị bệnh nghề nghiệp nên không thể xem giá trúng thầu 8.400 đồng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 là vượt 5% giá trúng thầu so với nơi thấp nhất. Rất mong sự phản hồi sớm của BHXH để thuốc trên được sử dụng và thanh toán cho người bệnh khám bảo hiểm y tế tại đơn vị”, bác sĩ Hùng kiến nghị.

Thạc sĩ dược sĩ Đỗ Văn Dũng – Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế TP.HCM cho rằng, phản ảnh này của các bệnh viện là hợp lý. Bệnh viện chỉ điều chỉnh giá khi họ tự tổ chức đầu thầu, với một loại thuốc do một nơi sản xuất, cùng công ty trúng thầu mới bị ràng buộc giá trúng thầu ở hai bệnh viện không chênh nhau quá 5%. Còn với các loại thuốc kích cỡ khác nhau, nhà cung ứng khác nhau thì giá phải khác nhau.

Việc điều chỉnh giá thuốc sau trúng thầu khi có sự chênh lệch giá của cùng một loại thuốc cao hơn 5% giữa các bệnh viện của Sở Y tế quản lý là trách nhiệm của nhà thầu có thuốc trúng thầu và các bệnh viện đã tự tổ chức đấu thầu rộng rãi. Điều này cũng phù hợp với cam kết của các nhà thầu trong hồ sơ dự thầu.

Nhieu benh vien phan phao cach siet thuoc trung thau
 
Năm 2016, Sở Y tế TP.HCM giữ lại đấu thầu tập trung 106 mặt hàng, còn lại chuyển về cho các bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ. Và TP.HCM đã quy định giá một loại thuốc cụ thể khi trúng thầu giữa các bệnh viện thuộc Sở Y tế TP.HCM quản lý không được chênh lệch quá 5% (so với bệnh viện có giá trúng thầu thấp nhất). Riêng với các bệnh viện áp thầu sẽ không bị bắt buộc tỷ lệ chênh lệch 5% này, miễn bệnh viện áp theo giá thuốc trúng thầu ở các bệnh viện đã được phê duyệt.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI