Nhiều bệnh viện ở Trung Quốc dừng dịch vụ đỡ đẻ vì tỷ lệ sinh giảm

19/03/2024 - 16:31

PNO - Theo tờ Daily Economic News, nhiều bệnh viện ở Trung Quốc đã ngừng cung cấp dịch vụ hộ sinh trong năm 2024, trong khi các chuyên gia cảnh báo về một "mùa đông sản khoa" do nhu cầu giảm trong bối cảnh dân số già hóa.

 

Một cặp vợ chồng Trung Quốc chụp ảnh cùng đứa con mới sinh tại một bệnh viện tỉnh Quảng Đông vào ngày 10/2, ngày đầu tiên của Năm con Rồng - Ảnh: Tân Hoa Xã
Một cặp vợ chồng Trung Quốc chụp ảnh cùng đứa con mới sinh tại một bệnh viện tỉnh Quảng Đông vào ngày 10/2, ngày đầu tiên của năm con Rồng - Ảnh: Tân Hoa Xã

Trong 2 tháng qua, các bệnh viện ở nhiều tỉnh khác nhau, bao gồm Chiết Giang và Giang Tây, đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa khoa phụ sản.

Bệnh viện Nhân dân số 5 ở Giang Tây cho biết trên tài khoản WeChat chính thức rằng các dịch vụ sản khoa bị đình chỉ từ ngày 11/3.

Bệnh viện Y học cổ truyền Giang Sơn tại Chiết Giang cũng thông báo trên trang WeChat rằng hoạt động của khu sản khoa ngừng từ ngày 1/2.

Xu hướng này diễn ra khi các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đau đầu tìm cách thúc đẩy mong muốn có con của các cặp vợ chồng trẻ, giữa lúc cơ cấu nhân khẩu học của quốc gia ngày càng bất cân xứng và xã hội đang già đi nhanh chóng.

Dân số Trung Quốc giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2023 do tỷ lệ sinh thấp kỷ lục và tỷ lệ tử vong cao do COVID-19. Tình hình góp phần đẩy nhanh quá trình suy thoái mà các quan chức lo ngại sẽ có tác động lâu dài đến tiềm năng tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Dữ liệu gần đây nhất từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho thấy, số lượng bệnh viện phụ sản đã giảm từ 807 vào năm 2020 xuống còn 793 vào năm 2021.

Truyền thông địa phương cho biết, số lượng trẻ sơ sinh giảm mạnh đồng nghĩa với việc nhiều bệnh viện không thể tiếp tục vận hành khoa sản.

Nhiều phụ nữ ở Trung Quốc chọn không có con do chi phí chăm sóc trẻ em cao. Họ cũng không muốn kết hôn hoặc tạm dừng sự nghiệp trong một xã hội truyền thống, nơi phụ nữ được coi là người chăm sóc chính cho gia đình và sự phân biệt giới tính vẫn còn phổ biến.

Chính phủ đã cố gắng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi và các biện pháp khuyến sinh, bao gồm mở rộng thời gian nghỉ thai sản, trợ cấp tài chính và thuế khi sinh con và trợ cấp nhà ở.

Dù vậy, Trung Quốc là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ so với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người.

Hãng tin tài chính Yicai đưa tin, nhiều trẻ sơ sinh chào đời tại các bệnh viện trên khắp Trung Quốc trong năm con Rồng, bắt đầu từ ngày 10/2, với biểu tượng rồng được cho là đặc biệt tốt lành. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cho rằng bất kỳ sự gia tăng dân số nào từ xu hướng "con rồng" đều chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.

Tấn Vĩ (theo Reuters, CNA)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI