Nhật Bản: Phụ nữ “trữ đông trứng” để bảo hiểm cho tương lai

04/08/2014 - 17:42

PNO - PN - Ngày càng nhiều phụ nữ Nhật Bản chọn cách trữ đông trứng để có thể mang thai trong tương lai, do không muốn việc sinh nở và nuôi con ảnh hưởng đến sự nghiệp hiện tại của mình.

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm ngoái, Hội Y học sinh sản Nhật Bản (SRM) đã thông qua quy định cho phép phụ nữ chưa lập gia đình được bảo quản đông lạnh trứng không vì nguyên nhân y tế từ tháng 11/2013. Quy định mới cho phép phụ nữ làm vậy nếu họ lo ngại về khả năng suy giảm chức năng sinh sản do tuổi tác hoặc các lý do khác. Tuy nhiên, quy định không khuyến khích những người trên 40 tuổi làm điều này.

Trước đây, việc bảo quản đông lạnh trứng ở Nhật Bản thường giới hạn đối với những phụ nữ có nguy cơ mất chức năng buồng trứng do xạ trị để điều trị ung thư và các bệnh khác. Xã hội Nhật chấp nhận quy định mới do thực tế nhiều người trẻ kết hôn trễ và gặp khó khăn trong việc mang thai sau khi kết hôn.

Tháng 9/2013, gần 50 phụ nữ trong độ tuổi cuối 30 đã tham dự một cuộc hội thảo tại Tokyo về việc bảo quản trứng để sử dụng trong tương lai. Buổi hội thảo mang tính đột phá này do Ngân hàng trứng Repro Self Bank (RSB), một công ty dịch vụ trữ đông trứng cho phụ nữ chưa lập gia đình đứng ra tổ chức. “Bạn không thể giải quyết việc thụ tinh ống nghiệm với trứng đã bị lão hóa”, RSB đặt vấn đề.

Một kỹ sư công nghệ thông tin 39 tuổi đến từ tỉnh Kanagawa, giải thích lý do cô tham dự hội thảo: “Tôi muốn ngày nào đó tôi sẽ có con, nhưng tôi thấy mình đang già đi”. Một nữ doanh nhân 32 tuổi cho biết, cô dành ưu tiên cho sự nghiệp hơn việc lấy chồng sinh con, vì theo cô “mang thai là một bất lợi” cho công việc của cô tại công ty mà nam giới chiếm ưu thế. Nhưng, do chồng cô muốn có con, cô đã nghĩ đến việc bảo quản trứng của mình “như một sự bảo hiểm trong trường hợp không thể có thai tự nhiên trong tương lai”.

Nhat Ban: Phu nu “tru dong trung” de bao hiem cho tuong lai

Nhiều phụ nữ Nhật Bản theo định hướng sự nghiệp tìm cách trữ đông trứng của mình để mang thai trong tương lai - Ảnh: Kyodo

Ngân hàng trứng RSB có trụ sở tại Tokyo đã khởi động chương trình trữ đông trứng từ tháng 5/2013 và nhận được yêu cầu từ hơn 500 người. Chi phí của bảo quản đông 10 trứng, bao gồm chi phí tư vấn, thu thập trứng tại một bệnh viện trực thuộc và bảo quản tại cơ sở của RSB, có giá khoảng 700.000 yên (6.824 USD). Các năm tiếp theo, mỗi trứng được bảo quản cộng thêm 10.000 yên (9,7 USD) và RSB sẽ lưu trữ trứng cho đến khi khách hàng 50 tuổi.

Giám đốc Ngân hàng trứng RSB Masashige Kuwayama, chuyên gia về nuôi cấy phôi cho biết: “Với kỹ thuật của mình, chúng tôi đã đạt 100% tỷ lệ sống cho tế bào trứng khi rã đông, dẫn đến cơ hội sinh con thành công sau khi trứng được thụ tinh và cấy vào tử cung một người phụ nữ là 10% trên mỗi quả trứng, cho nên về mặt lý thuyết sẽ có kết quả nếu người phụ nữ trữ đông 10 trứng của mình.

“Nhiều phụ nữ cảm thấy cấp bách muốn “đóng băng” trứng của mình ngay lập tức”, ông Koichi Kyono, Giám đốc bệnh viện Kyono Art cho biết. Tuy nhiên, ông Kyono nhắc nhở, một số phụ nữ không tính đến việc quá trình lão hóa cũng ảnh hưởng đến sức mạnh thể chất của họ, ngay cả khi trứng đông lạnh vẫn khỏe mạnh. Theo ông, tuổi phù hợp để sinh nở và nuôi con là “trước tuổi 34” và tốt hơn hết nên mang thai theo cách tự nhiên. Các chuyên gia cũng cảnh báo, việc bảo quản trứng đông lạnh có thể khiến cho phụ nữ trì hoãn sinh con, và chỉ ra những rủi ro liên quan đến việc mang thai tăng theo tuổi tác.

Nhat Ban: Phu nu “tru dong trung” de bao hiem cho tuong lai

Thiết bị chứa trứng cấp đông tại một cơ sở y tế ở Nhật Bản - Ảnh: Asahi Shimbun

Khi nhu cầu của phụ nữ chưa lập gia đình muốn chọn hình thức trữ đông trứng để chống nguy cơ vô sinh trong tương lai ngày càng tăng, một số công ty tư nhân đã nhìn thấy ở đây cơ hội kinh doanh đầy tiềm năng. Tuy nhiên, nhu cầu này đòi hỏi quy chuẩn nhất định. Ông Yasunori Yoshimura, Giám đốc Hội Y học sinh sản Nhật Bản (SRM) là giáo sư sản khoa tại Đại học Keio cho biết, xã hội vẫn rất thận trọng với việc sử dụng trứng đông lạnh. “Trong khi một số cơ sở y tế và các công ty cung cấp dịch vụ với chi phí cực kỳ cao, chúng tôi đã thảo luận về việc thiết lập các tiêu chuẩn đối với vấn đề này”. Ông Yoshimura giải thích, SRM không đề xuất một giải pháp đông lạnh trứng, “Chúng tôi vẫn tin, mang thai tự nhiên ở độ tuổi từ 25 đến 35 là tốt nhất”.

 THANH HẢI

(Theo Kyodo, Asahi Shimbun, PNCN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI