Nhân viên y tế kêu gọi Tổng thống Trump chia sẻ dữ liệu dịch COVID-19 cho ông Biden

18/11/2020 - 07:06

PNO - Các bác sĩ và y tá Mỹ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump chia sẻ dữ liệu quan trọng về COVID-19 với nhóm của ông Joe Biden.

Y bác sĩ thúc giục Tổng thống Trump chia sẻ dữ liệu về dịch COVID-19 

Trong một bức thư được công bố ngày 17/11, các bác sĩ và y tá Hoa Kỳ đã thúc giục chính quyền Tổng thống Donald Trump chia sẻ dữ liệu quan trọng về COVID-19 với nhóm của ông Joe Biden, để tránh những chậm trễ không cần thiết trong việc giải quyết đại dịch khi số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 tăng vọt.

Các thành viên của một số hiệp hội y tế đã đưa ra lời kêu gọi hợp tác, sau khi ông Biden nói rằng “nhiều người hơn nữa có thể chết” nếu Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump tiếp tục chặn quá trình chuyển đổi, sau thất bại của ông trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11.

Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng trên khắp nước Mỹ.
Dịch COVID-19 tiếp tục lây lan nhanh chóng trên khắp nước Mỹ

Các quan chức y tế cảnh báo mùa đông có thể mở ra một làn sóng mới khiến số ca tử vong do COVID-19 trong cộng đồng và số bệnh nhân nhập viện ở mức cao kỷ lục.

"Dữ liệu thời gian thực và thông tin về việc cung cấp phương pháp điều trị, vật tư xét nghiệm, thiết bị bảo vệ cá nhân, máy thở, khả năng cung cấp giường bệnh và lực lượng lao động sẵn sàng để lên kế hoạch triển khai, hơn nữa tài sản của quốc gia cần được chia sẻ để cứu vô số mạng sống" - nội dung bức thư được ký bởi ban lãnh đạo Hiệp hội Y khoa, Hiệp hội Y tá và Hiệp hội Bệnh viện Hoa Kỳ.

41 bang của Mỹ đã báo cáo số ca mắc mới COVID-19 tăng kỷ lục trong tháng 11, trong đó, 25 tiểu bang ghi nhận tỷ lệ xét nghiệm dương tính trên 10%.

Pháp vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19

Các nhà chức trách Pháp đã báo cáo tổng cộng 2.036.755 ca mắc COVID-19, trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu vượt quá 2 triệu ca nhiễm virus. Cùng với đó, số ca tử vong tại các bệnh viện và viện dưỡng lão hiện là 46.273 người, trong đó có 437 trường hợp được ghi nhận trong 24 giờ qua.

"Những nỗ lực chung của chúng tôi đang bắt đầu có kết quả, số ca mắc mới đã giảm trong vài ngày... Chúng tôi phải tăng gấp đôi nỗ lực của mình để giành lại quyền kiểm soát dịch bệnh. Việc tôn trọng lệnh giới nghiêm và phong tỏa là những nguyên nhân tạo nên xu hướng tích cực này. Chúng ta phải duy trì mức độ cảnh giác rất cao để có thể trải qua các lễ hội cuối năm và những tháng mùa đông một cách an toàn", Tổng giám đốc Y tế Jerome Salomon nói trong một cuộc họp báo.

Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2.
Pháp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên vượt mốc 2 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2

Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cho biết dù Pháp đang bắt đầu kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh nhưng chưa sẵn sàng giảm bớt các biện pháp phong tỏa quốc gia lần hai.

Sau khi các lệnh giới nghiêm được áp dụng tại các thành phố lớn của Pháp vào giữa tháng 10 không mang lại kết quả, chính phủ đã áp đặt lệnh phong tỏa 1 tháng từ ngày 30/10 trên toàn quốc, nhưng các quy định ít nghiêm ngặt hơn so với đợt đóng cửa đầu tiên vào mùa xuân.

Hiện, Pháp ghi nhận số ca nhiễm virus cao thứ tư trên toàn cầu và đứng thứ bảy về số ca tử vong.

Pfizer chuẩn bị nộp đơn xin phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin COVID-19

Giám đốc điều hành của Pfizer Albert Bourla cho biết, việc thử nghiệm vắc-xin đã đạt đến mốc an toàn và công ty đang chuẩn bị nộp đơn xin phép sử dụng khẩn cấp. Trước đó, Pfizer đã thông báo vắc-xin của hãng có hiệu quả hơn 90% trong ngày 9/11.

“Tôi nghĩ rằng những câu hỏi về sự an toàn nói chung cũng đã được giải đáp. Cột mốc an toàn của chúng tôi đã đạt được và hiện chúng tôi đang chuẩn bị cho việc đệ trình. Với công nghệ mRNA, bạn có thể tăng tốc ngay khi bạn muốn. Mọi người có thể được tiêm một liều vắc-xin bổ sung sau khi khả năng miễn dịch suy giảm, được gọi là tăng cường” - Albert Bourla nói trong một cuộc phỏng vấn trên The New York Times.

Ngoài Pfizer, vắc-xin COVID-19 của Moderna cũng thông báo hiệu quả lên đến 94,5%. Hiện, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã kêu gọi một cuộc họp của ủy ban cố vấn vắc-xin trong ba tuần, để xem xét liệu cơ quan này có nên cấp phép cho hai loại vắc-xin trên hay không.

Bên cạnh đó, văn phòng giải trình của Chính phủ Hoa Kỳ cũng đưa ra cảnh báo rằng tắc nghẽn sản xuất và các tình trạng thiếu hụt khác có thể làm chậm nỗ lực phân phối vắc-xin COVID-19 nhanh chóng cho công chúng Mỹ. 

Chung Thu Hương (theo CNN và Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI