Nhạc sĩ mất quyền kiểm soát tác phẩm: Chuyện lạ có thật

17/07/2019 - 08:09

PNO - Là người sáng tác ca khúc nhưng không có quyền quyết định ai được hát, hát ở sự kiện nào, Nghị định 142 đang tô trắng cái gọi là 'quyền tác giả', với mục đích ban đầu nhằm giảm thiểu hồ sơ, thủ tục hành chính.

Nhạc sĩ mất quyền với tác phẩm

Khi biết Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch Vĩnh Phúc cấp phép cho chương trình Tôn vinh Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam 2019 được biểu diễn bài hát Sống như những đoá hoa của mình, nhạc sĩ Tạ Quang Thắng ngay lập tức phản đối, cho biết anh không đồng ý việc ca khúc của mình biểu diễn trong chương trình quá nhiều tai tiếng này. Tuy nhiên, việc phản đối của Tạ Quang Thắng vô hiệu vì khi ấy, chương trình đã được cấp phép (chương trình này sau đó bị huỷ vì nhiều lý do khác).

Sự việc là minh chứng gần nhất cho sự bất cập mà giới nhạc sĩ lo lắng bấy lâu, rằng ca khúc do họ sáng tác nhưng không có quyền quyết định số phận.

Cụ thể, với Nghị định 142/2018/NĐ-CP (Nghị định 142) khi một đơn vị muốn trình diễn ca khúc nào đó, họ không cần phải thông qua thoả thuận với nhạc sĩ hay cơ quan được uỷ quyền, mà chỉ cần cam kết sẽ thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tác quyền là sẽ được cấp phép biểu diễn từ cơ quan chức năng. Điều này chưa từng tồn tại trước đó.

Nhac si mat quyen kiem soat tac pham: Chuyen la co that
Việc bảo vệ tác quyền âm nhạc khi Nghị định 142 có hiệu lực gặp nhiều bất cập

“Trước đây, khi một chương trình muốn biểu diễn một tiết mục nào đó, họ phải vừa xin phép Cục Nghệ thuật biểu diễn, vừa phải đóng tác quyền ở Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Sau khi có biên lai đóng tác quyền, họ mới xin được giấy phép trình diễn. Còn bây giờ, khi Nghị định 142 ra đời, họ không cần đóng tác quyền trước”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết.

Theo nam nhạc sĩ, việc này sinh ra 2 vấn đề. Thứ nhất, ý thức tôn trọng bản quyền của đại đa số ban tổ chức và những người sử dụng nhạc tại Việt Nam không có, nên nếu không ràng buộc về mặt pháp lý thì việc không tuân thủ bản quyền sẽ càng nhiều hơn. "Từng có nhiều trường hợp thoả thuận miệng rồi khi diễn xong, kêu đi đóng tác quyền thì không thấy đâu. Cho nên, những thiệt thòi này nhạc sĩ phải chịu thì quá vô lý", nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết.

Thứ hai, nhạc sĩ không thể cấm, từ chối một ca sĩ hay một chương trình nào đó sử dụng ca khúc của mình, mà trường hợp ca khúc Sống như những đoá hoa của nhạc sĩ Tạ Quang Thắng là ví dụ rõ ràng nhất. 

Nhac si mat quyen kiem soat tac pham: Chuyen la co that
Đối với các đơn vị tổ chức sự kiện trình diễn, theo Nghị định 142, ban tổ chức không cần thông qua nhạc sĩ hoặc đơn vị được uỷ quyền để xin phép.

Với những thay đổi trong Nghị định 142, cơ quan thực hiện mong muốn sẽ giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, tiết kiệm thời gian cho nhạc sĩ và các đơn vị trình diễn. Tuy nhiên, mục đích này bị cho là không phù hợp.

“Về việc giảm tải, tôi không phản đối nhưng phải dựa trên nguyên tắc nhất định. Nếu có giảm tải thì vẫn phải tôn trọng quyền tác giả, không thể lấy lý do giảm tải để thực hiện một việc trái với nguyên tắc bình thường. Tác giả phải có quyền với tác phẩm của mình vì ca khúc thuộc sở hữu riêng. Nếu đơn vị mua đứt bản quyền thì việc sử dụng như thế nào không cần hỏi qua nhạc sĩ nhưng nếu chưa, muốn trình diễn phải xin phép”, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết.

Ngoài ra, nhạc sĩ Dương Thụ khẳng định có những chương trình, nếu ca sĩ biết nhạc sĩ không cho phép trình diễn, họ sẽ biết xấu hổ, biết tự trọng để không hát ca khúc đó. 

Đi ngược với định hướng tác quyền thế giới

Năm 2016, khi dự thảo về Nghị định 142 được công bố cùng với nội dung “bãi bỏ thành phần hồ sơ gồm 1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả" (trước đó, theo các quy định, văn bản này bắt buộc phải có), nhiều nhạc sĩ đã lên tiếng phản đối kịch liệt. Tuy nhiên Nghị định 142 vẫn ra đời, khiến các nhạc sĩ phải vật lộn với những bất cập ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ cả về tình và lý.

Nhac si mat quyen kiem soat tac pham: Chuyen la co that
Với Nghị định 142, nhạc sĩ sẽ không có quyền cho phép ai không được hát sáng tác của mình 

“Nghị định 142 đang đi ngược lại tất cả luật tác quyền trên toàn thế giới. Những người soạn thảo văn bản này, tôi nghĩ, họ hoàn toàn không nắm về Luật Tác quyền, không tôn trọng quyền tác giả của nhạc sĩ. Ngay từ khi dự thảo, tôi và nhiều nhạc sĩ khác đã lên tiếng nhưng không hiểu sao Nghị định vẫn được thông qua”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết. Ngoài ra, với lý do giảm thiểu thủ tục hành chính, anh khẳng định Nghị định không giảm tải mà đang nới lỏng cơ hội để các đơn vị trục lợi, sử dụng "chùa" ca khúc.

"Đó là chưa kể, một nhạc sĩ mà không có quyền hạn gì với ca khúc của mình thì làm sao có thể chấp nhận. Ca khúc là tài sản riêng của nhạc sĩ, không phải của cơ quan nào khác nên nếu không được uỷ quyền, không ai có thể quyết định thay cho tác giả”- nhạc sĩ Nguyễn Văn chung bức xúc.

Nhac si mat quyen kiem soat tac pham: Chuyen la co that
Với bất cập từ Nghị định 142, nhiều nhạc sĩ đang lên tiếng phản đối

Trong nhiều ý kiến bức xúc trước Nghị định 142 của Chính phủ, ngoài khẳng định việc thu tác quyền vốn đã khó nay càng khó hơn, nhạc sĩ Phú Quang cho biết đâu chỉ không tôn trọng quyền tác giả, đó còn là vấn đề nhân quyền.

“Tôi không hiểu vì đâu Nghị định 142 tồn tại và đang đi ngược với Luật Tác quyền như thế? Nói trắng ra, nếu sáng tác được thì bạn muốn làm gì với tác phẩm của mình cũng chẳng ai quan tâm, nhưng với tác phẩm của người khác thì phải tôn trọng tuyệt đối. Sao có thể không xin tác giả, không thông qua đơn vị uỷ quyền mà có thể vẫn trình diễn? Có nhiều chương trình từng trình diễn các tiết mục của tôi nhưng rồi “bỏ chạy” trước khi trả tác quyền, nếu dựa vào Nghị định 142 thì việc quản lý chắc chắn càng nhiều bất cập hơn nữa”, nhạc sĩ Phú Quang khẳng định.

Thực tế, từ sau khi áp dụng Nghị định 142 vào thực tế, có rất nhiều nhà tổ chức đã "lơ" nghĩa vụ tác quyền đối với nhạc sĩ. Để nhớ một thời ta đã yêu 6 - chủ đề Một thuở yêu người (diễn ra ngày 6/7/2018 tại TP.HCM); Nhạc tình muôn thuở 6 (diễn ra ngày 17/6/2018 tại Hà Nội); Nhạc tình muôn thuở 7 (diễn ra ngày 28/7/2018 tại Đà Nẵng), Như một lời chia tay (diễn ra ngày 1/9/2018 tại Đà Nẵng); Câu chuyện Bằng Kiều (diễn ra ngày 18,19/8/2018 tại Hà Nội); liveshow Ưng Hoàng Phúc (diễn ra ngày 10/3/2018 tại Hà Nội); Duy Trường - Tôi yêu (diễn ra ngày 24/3/2018 tại Hà Nội)... đã bị Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - với sự uỷ quyền của nhiều nhạc sĩ - khởi kiện các đơn vị tổ chức này, vì không hề thực hiện nghĩa vụ tác quyền với các ca khúc mình sử dụng dù chương trình đã kết thúc từ lâu. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI