Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng qua đời lặng lẽ ở Pháp

31/12/2021 - 18:22

PNO - Nhiếp ảnh gia Thẩm Hoàng Long chia sẻ trên trang facebook cá nhân, anh trai ông, nhà quay phim lão thành Thẩm Võ Hoàng đã qua đời ở Pháp vào 23g55 ngày 28/12, hưởng thọ 86 tuổi.

Về nước cống hiến theo lời kêu gọi của Bác Hồ

Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng sinh ngày 23/4/1935, là con trai của dược sĩ Thẩm Hoàng Tín - cựu thị trưởng Hà Nội từ tháng 2/1950 - 8/1952. Ông Thẩm Hoàng Tín chính là người cho xây mới lại cầu Thê Húc (bị sập vào tết Nhâm Thìn 1952) từ đồ án đoạt giải trong 30 đồ án tham dự cuộc thi thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm.

Ông Thẩm Võ Hoàng học quay phim tại trường điện ảnh IDHEC của Pháp, cùng thế hệ với đạo diễn Trần Thịnh, Phạm Kỳ Nam, Lê Dân, Lê Mộng Hoàng. Giữa những năm 1950 của thế kỷ trước, ông là một trong những người sớm nhất trở về tham gia phục vụ cho điện ảnh Việt Nam từ những ngày còn sơ khai theo lời kêu gọi các nhân sĩ yêu nước trở về đóng góp, xây dựng cho đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sau khi về nước, ông công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam tới khi nghỉ hưu, rồi mới quay lại Paris vào năm 1983 cho tới cuối đời.

Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng (giữa) hôm 49 ngày chị gái Thẩm Đỗ Thư rời cõi tạm - Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng (giữa) - Ảnh do gia đình cung cấp

Từ giữa thập niên 1950 của thế kỷ trước, ở miền Bắc có nhiều sự kiện “rục rịch” cho sự phát triển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cục Điện ảnh, trường Điện ảnh Việt Nam, Xưởng phim Hoạt họa và búp bê Việt Nam, Xưởng phim Thời sự, tài liệu Trung ương lần lượt ra đời… Đi cùng với đó là nhiều hoạt động văn nghệ, các tiểu phẩm được coi là bước chuẩn bị cho sự ra đời của phim truyện như các tiểu phẩm Lòng dân, Người chiến sĩ, Nhựa sống…, trong đó, Nhựa sống nói về hoạt động của học sinh sinh viên nội thành trong thời kỳ kiểm soát của Pháp do Phạm Kỳ Nam làm đạo diễn, Thẩm Võ Hoàng quay phim, các vai chính do Bích Vân, Trần Phương và Tự Huy đóng.  

Từ đầu tháng 4/1975, ông cùng với đạo diễn Đặng Nhật Minh tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh cho đến khi tiếp quản Dinh Độc Lập. Bộ phim tài liệu Tháng Năm - Những gương mặt ra đời sau chuyến đi ấy, nhận Giải Bông Sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ VI tổ chức vào năm 1977 tại TPHCM.

Đây là một trong những bộ phim tài liệu sớm nhất tại Việt Nam ghi lại chân thực cuộc sống của Sài Gòn - TPHCM ngày đầu sau giải phóng.

Sau đó, ông tham gia quay cho nhiều bộ phim khác nữa. Ông thường cộng tác với cố nghệ sĩ, đạo diễn Phạm Văn Khoa làm nhiều phim sân khấu.

Quan điểm “làm nghệ thuật, vui chơi là chính”

Nhà quay phim Trần Hùng xem nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng là một trong những người thầy dạy nghề cho ông.  

Từ bé, Trần Hùng hay đi theo bố (chủ nhiệm phim Trần Cam) đến các đoàn làm phim chơi. Lúc anh 17-18 tuổi, bố dắt anh tới gửi gắm những ông bạn của mình, cũng là những nhà quay phim giỏi nhất thời đó, là các ông Nguyễn Đăng Bảy, Thẩm Võ Hoàng, Nguyễn Khánh Dư… “để nó học cho có cái nghề”.

 Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng bên người thân - Ảnh do gia đình cung cấp
Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng bên người thân - Ảnh do gia đình cung cấp

Trong trí nhớ của Trần Hùng, nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng là một trí thức Tây học đích thực. Là người gốc Hà Nội, nhưng sống bên Pháp từ nhỏ nên ông có một cốt cách lịch sự, tử tế, nho nhã. Ngoài học nghề quay phim, Trần Hùng cũng học được từ ông những bài học làm người. Hồi ông còn ở Việt Nam, Trần Hùng hay qua chơi với ông ở số nhà 13 trên phố Cửa Nam - một căn nhà rất đẹp, treo đầy tranh.

Lúc còn sống, ông Thẩm Võ Hoàng hay nói rằng, nghệ thuật là thứ để chơi. Lúc đó, Trần Hùng còn trẻ nên chưa hiểu hết điều thầy nói. Nhưng giờ có “chút tuổi”, cảm nghiệm lại cuộc đời làm nghề của mình, mới thấy thầy nói đúng.

“Khi xác định tâm thế chơi, ta học được rất nhiều: Chơi nghệ thuật một cách trong sáng, không vụ lợi”, NSƯT Trần Hùng chia sẻ.

Điều này cũng được NSND Nguyễn Hữu Tuấn nhắc lại khi nhớ về ông Thẩm Võ Hoàng: "Khi tôi gia nhập Xưởng phim truyện Việt Nam, gặp ngay anh Thẩm Võ Hoàng, anh vỗ vai: Tuấn ơi, đời làm phim phải "vui chơi là chính"". Nguyễn Hữu Tuấn coi đây là di sản đáng quý nhất của bậc đàn anh truyền lại và tuân thủ nó đến tận bây giờ.

Làm phim trong những năm tháng khó khăn, ác liệt nhất, nhưng ông Thẩm Võ Hoàng có quan điểm làm nghề rất tiến bộ, nhân văn: “Nghệ thuật đích thực phải đi sâu, hướng vào thân phận con người. Lấy con người làm trung tâm”, nhà quay phim Trần Hùng nhớ lại. Trần Hùng gọi Thẩm Võ Hoàng là người sống có lý tưởng.

Phim Khôn dại, đạo diễn Phạm Văn Khoa, quay phim Thẩm Võ Hoàng
Phim Khôn dại, đạo diễn Phạm Văn Khoa, quay phim Thẩm Võ Hoàng

Từng vác máy quay theo chân thầy Thẩm Võ Hoàng, Trần Hùng nhớ không biết bao nhiêu là kỉ niệm lăn lộn của một thời. Nhớ có một lần, ông đi phụ quay cho ông Hoàng phim Ai gọi tôi trên đồng cỏ, quay tại nông trường bò Mộc Châu. Họ mới nhờ nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng chụp thẻ Đảng viên cho gần 300 Đảng viên ở đó.

“Cả Mộc Châu hồi đấy làm gì bói ra máy chụp hình. Hai chú cháu chạy xe về Hà Nội mua máy ảnh. Đường sá thì khó khăn, đi lại vất vả. Vậy mà ông chẳng nề hà gì. Ông nói, người ta tạo điều kiện giúp mình quay ở đây thì mình nên giúp họ việc đó. Thế là, tôi, nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng, nhà quay phim Đỗ Vân, thi nhau chụp ảnh, làm ảnh… trong điều kiện thiến thốn, thủ công nhưng đầy tình người mộc mạc trong đó”.

Nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng về nước làm phim trong năm tháng tuổi trẻ sôi động, trẻ trung, hăng hái và lý tưởng nhất của cuộc đời; là một trong những người thuộc thế hệ đầu tiên làm nên những thước phim đầu tiên của điện ảnh Việt Nam nhưng nhà quay phim Thẩm Võ Hoàng sống một cuộc đời lặng lẽ cho tới khi qua đời. Thông tin về ông trên báo chí rất ít. 

"Cả cuộc đời ông gần như đã cống hiến hết cho quê hương. Khi ông về lại Pháp, tuổi cao sức yếu, cuộc sống cũng nhiều vất vả. Điều đó làm tôi không khỏi ngậm ngùi mãi khi nhớ về ông", NSƯT Trần Hùng nói.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI