Nhà báo Bông Mai: Tôi đã có những nụ cười, giọt nước mắt không dễ gặp lại trong đời

19/06/2022 - 14:59

PNO - Xuất phát từ Hà Nội vào ngày mùng Hai tết Nhâm Dần, nhà báo Bông Mai “một mình một ngựa” xuyên Việt để khám phá văn hóa Việt Nam. Mai gọi đó là 99 ngày hạnh phúc, dám sống một cuộc đời rực rỡ.

Trải qua nhiều miền địa hình từ Bắc vào Nam, vượt mưa nắng, gặp đủ người, chụp được rất nhiều ảnh tư liệu quý về trang phục các dân tộc, thu được nhiều làn điệu dân ca, cựu ca sĩ nhóm Con Gái đang trên đường về nhà theo cung đường ven biển từ Nam ra Bắc. Cuộc trò chuyện được thực hiện ngay trong những ngày cuối của cuộc hành trình.

Hành trình 99 ngày thực ra để chiêm nghiệm về bản thân
Hành trình 99 ngày thực ra để chiêm nghiệm về bản thân

Có hành trình nào dễ dàng đâu 

Phóng viên: “Đi làm gì!” - nhiều người đã nói vậy khi biết Bông Mai sắp có chuyến đi xuyên Việt 99 ngày. Lúc đó, tôi nhớ, chị có trả lời bằng một trạng thái trên trang Facebook cá nhân, đại ý rằng, sống cho mình, đừng sống hộ ai khác. Chắc hẳn giờ đây, chị đã có một câu trả lời đầy đủ hơn?

Nhà báo Bông Mai: Có một điều nghe sáo rỗng nhưng ít người làm được, đó là hiểu bản thân mình là ai, mình có thể làm được điều gì, ước mơ của mình là gì... Có lẽ vì phụ nữ chúng ta khoác trên mình quá nhiều vai khác nhau. Chúng ta phải làm tròn nghĩa vụ của con cái, công việc chu toàn; sau khi lập gia đình, làm trọn phận sự người vợ, người mẹ; nếu có uất ức, buồn khổ cũng nén hết vào trong vì chồng vì con. Đôi khi chúng ta sống nhưng không phải sống cuộc đời của mình. 

"Càng đi, càng tiếp xúc với những con người hôm qua vẫn còn bỡ ngỡ mà nay đã thân thiết như người nhà, tôi càng cảm động vì tấm lòng của họ. Để gói gọn hành trình này, tôi rất thích chữ “văn hóa tình người”.

Đây không phải là một nét văn hóa, tập tục của đồng bào mà là cách mọi người kết nối với nhau ở thời buổi công nghệ - thời mà có khi, trong chính gia đình của mình, người ta đã/đang mất kết nối với nhau”. 

Nhà báo Bông Mai

Khi đi như thế này, tôi thấy tất cả nỗi buồn hoặc đau khổ của tôi quá nhỏ so với những phụ nữ mình đã gặp. Tôi vẫn còn quá may mắn. Có những người còn không có thân phận phụ nữ nữa. Họ quá khổ. Từ đó, tôi soi chiếu bản thân mình trong các mối quan hệ xung quanh, đồng thời nhìn lại cách mình đối xử với người thân và đối với chính mình.

Có hôm ở Mộc Châu, tôi ốm. Bạn thử tưởng tượng, một thân một mình, ở nơi xa xôi giữa thời tiết 60C, nếu tôi không tự chăm sóc mình, không dậy nhóm lửa giữa đêm thì ai làm? Mình yêu mình đến mức phải đấu tranh cho nó đấy. Hay như việc lái xe hằng ngày, lái xe một mình, lại đi dài ngày như thế, người ta đều hoảng. Tôi nhận ra, trước đây, bản thân cũng bị “phủ dụ” bởi hai chữ “giới hạn”; rằng “không làm được đâu”, “sao có thể”… nhưng thực ra mình làm được nhiều điều hơn mình nghĩ đấy.

Tôi phải nói hơi dài dòng để trả lời cho câu “Đi làm gì!”. Đi cho bản thân và đi để truyền thông điệp, lan tỏa sự tự tin trong tim mỗi người chúng ta.

* Ngay trong lúc đang thực hiện hành trình 99 ngày, chị nhận được rất nhiều chia sẻ của mọi người. Cụ thể ra sao? 

- Có rất nhiều người dù không quen biết nhưng đã nhắn cho tôi những câu chuyện xúc động. Có người kể đã thi trượt bằng lái xe tới bảy lần nhưng nhìn Bông Mai lái xe xuyên Việt một mình, họ có động lực và tin tưởng rằng một ngày, họ cũng tự lái xe được như tôi. Có người mới chia tay bạn trai, bế tắc nhưng mỗi ngày đều vào Facebook của tôi, đọc những điều tôi chia sẻ để lấy lại động lực. Có người đang giảm cân, nhìn thấy tôi làm được với dự định của mình thì cũng tự nhủ phải làm được… Thậm chí, một bạn đang điều trị ung thư cũng muốn đi một chuyến đi như thế. Rất nhiều câu chuyện nữa khiến tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Tôi nghĩ, chuyến đi 99 ngày này không còn là chuyến đi của một mình tôi nữa. Tôi hay nhận được tin nhắn của mọi người rằng “Bông Mai chụp thêm ảnh đi”, “Kể thêm chuyện đi”, để mọi người được… đi theo. Tôi đang đi cùng với rất nhiều người trong chuyến đi này.

Trên hành trình 99 ngày xuyên Việt, đủ những giọt nước mắt lẫn nụ cười và những con người thương mến
Trên hành trình 99 ngày xuyên Việt, đủ những giọt nước mắt lẫn nụ cười và những con người thương mến
 

* Sao Bông Mai không rủ thêm người đồng hành? Đi một mình thì buồn quá…

- Hành trình 99 ngày không có nghĩa phải đi trọn vẹn đến 54 dân tộc; tôi cần có thời gian để đi một cách chậm rãi, kỹ càng với ý tưởng của mình. Tôi không đi theo kiểu check-in xong rồi đi luôn, mà muốn thấm, sống cùng văn hóa và những con người nơi đó. Nếu không phải là một người có cùng đam mê, ý hướng giống mình, mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Trước khi đi, tôi định mỗi nơi cùng lắm sẽ ở từ 2 - 3 ngày nhưng đi rồi mới thấy không thể. Riêng cung Đông Bắc và Tây Bắc, có quá nhiều chất liệu hay ho và thú vị nên tôi đi tới 56 ngày, choán hơn nửa quãng đường, thời gian. Hay như khi đến Tủa Chù, một vùng sâu của Điện Biên, vì phong cảnh nơi đó quá đẹp, tôi ở cả tuần. Chính vì đi theo nhịp của bản thân, theo những cảm xúc mình bắt được trên hành trình, tôi quyết định sẽ khởi hành một mình.

* Tôi thích cách chị dùng chữ “dám”: “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”…

- Có hành trình nào là dễ dàng đâu, nhất là hành trình sống, lại là sống cho bản thân. Đến hôm nay, vẫn có người nói Bông Mai đi dài ngày như thế là vô trách nhiệm khi bỏ bê con cái. Tôi không muốn nói với họ rằng tôi đã làm những gì, phải chuẩn bị những gì để có thể đi. Tôi không việc gì phải thanh minh. Bên cạnh thông điệp lan tỏa về sự tự tin, họ đâu biết rằng, đây còn là hành trình để tôi “cai con”.

Hành trình độc lập 

* Ông cha ta có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”… Nghe Bông Mai nói “cai con”, tôi thấy lạ quá…

- Tôi và ông xã ly hôn, tôi nuôi con một mình mười mấy năm nay rồi. Cách đây ba năm, khi con gái lớn của tôi có bạn trai và cậu ấy đến nhà chơi vào dịp giao thừa, thú thực, tôi bị sốc. Tôi không nghĩ con mình lớn nhanh như thế. Sang năm, đứa em kế của con bé cũng ra nước ngoài học. Tôi giật mình nhận ra, tôi không hề chuẩn bị gì cho việc con mình sẽ lớn khôn, sắp bước ra khỏi vòng tay của mẹ. Một bà mẹ mười mấy năm trời chỉ biết “cậy” vào con, quấn con như tôi, thử hỏi sao không hụt hẫng cho được. Vốn là người luôn chủ động, tôi không muốn mình trở thành một bà mẹ đau khổ như vậy.

* Đây rõ ràng là quan điểm của một bà mẹ trong thời đại mới. Chị muốn nói điều gì với những người đang làm mẹ khác?

- Cách đây không lâu, trên một diễn đàn của các bạn trẻ thảo luận chủ đề: “Con cái có phải báo đáp bố mẹ không?”. Con gái tôi hỏi điều đó. Tôi bảo cháu: “Con không phải báo đáp ai cả. Chỉ cần con sống vui, sống tốt và trở thành một người tốt, đó là điều mẹ mong muốn nhất”.

Tôi thấy phụ nữ chúng ta hay tự đóng khung mình lại, sống hộ người khác, cũng như quá kỳ vọng vào người khác, nhất là phụ nữ đơn thân. Chúng ta bám vào chồng hoặc vào con và thành cây tầm gửi tự bao giờ. Chữ “tầm gửi” ở đây không có nghĩa bám vào vật chất mà vào thân phận, trao kỳ vọng, tin tưởng; khi mọi việc không được như mong muốn, ta cảm thấy suy sụp, đổ vỡ vì không còn điểm tựa. 

Cuộc hội ngộ tình cờ ở Thèn Ván, Lũng Cú, Hà Giang
Cuộc hội ngộ tình cờ ở Thèn Ván, Lũng Cú, Hà Giang

Triết lý Phật giáo dạy rằng “không được bám víu vào bất cứ một thứ dhamma nào cả”. Nghĩa là không bám vào tất cả hiện tượng vô hình hay hữu hình thuộc vào thế giới và cả trong tâm thức của chính mình, từ tiền tài, danh tiếng lẫn người thân… Khi nhắm mắt xuôi tay, mình cũng chỉ có một mình thôi. Tôi nghĩ, bản thân sống tích cực, sống tốt, không trở thành gánh nặng của ai, không khiến người khác phải lo cho mình cũng là cách mang lại yêu thương cho người khác.

Vì thế, khi thực hiện 99 ngày dám sống, đây gần như là một hành trình tôi chuẩn bị cho mình để trở thành người độc lập. Ta hay bảo con mình phải độc lập nhưng thực ra, cha mẹ chúng có độc lập không? Tôi thích chữ “độc lập” ở đây - đồng nghĩa với tự do. Tự do - không phải nhìn ở tính chất không ưa kìm kẹp, muốn bay bổng, bạt mạng, muốn gì làm nấy; tự do ở đây là một thứ tự do trong bản thể, sống một cách độc lập, sống vững giữa mọi chuyện để khi có bất cứ chuyện gì xảy đến, mình không bị bấn loạn.

* Vậy hành trình 99 ngày thực ra là hành trình đi tìm bản thân đã mất?

- Nếu nói thế, người ta lại bảo Bông Mai bốn mấy tuổi đầu rồi còn đi tìm bản thân (cười). Trong Phật giáo, có chữ “chiêm nghiệm về bản thân”. Cụm từ này đúng với câu hỏi hơn cả. 

Sẽ có một cuốn sách, triển lãm ghi lại 99 ngày  “dám sống một cuộc đời rực rỡ” của Bông Mai
Sẽ có một cuốn sách, triển lãm ghi lại 99 ngày “dám sống một cuộc đời rực rỡ” của Bông Mai

Khóc nhiều, cười cũng lắm 

* Bông Mai gọi 99 ngày xuyên Việt là 99 ngày hạnh phúc. Trước và sau khi thực hiện hành trình này, quan điểm về hạnh phúc của chị thay đổi ra sao?

- Có lần, tôi tự hỏi, vì sao mọi người bỏ nhiều tiền để mua một chiếc túi hàng hiệu và khi sở hữu nó rồi, họ có hạnh phúc hơn không. Tôi quyết định bỏ ra mấy ngàn USD để mua không phải vì đua đòi cho giống bạn bè mà bởi muốn hiểu cảm giác đó ra sao. Hóa ra, khi có nó rồi, tôi thấy rằng mình không bị phụ thuộc vào giá của nó. Tôi đối xử với nó cũng như với những chiếc túi bình dân khác của mình. Tôi không bám vào giá của nó để cho rằng chiếc túi ngàn đô thì phải giữ gìn còn túi 200.000-300.000 đồng thì không cần. Về mặt vật lý, chúng có công dụng như nhau hoặc cũng có thể tôi chưa bao giờ đẩy mình vào thế phải chứng minh bản thân bằng hình thức bên ngoài chăng?

Ví dụ đó để nói rằng tôi là người hạnh phúc và luôn biết đủ với những gì mình có. Khi bố tôi (cố nhạc sĩ An Thuyên - PV) mất, điều đó trở thành biến cố lớn trong cuộc đời tôi. Tôi càng tự nhủ, mình phải chủ động hơn trong mọi chuyện. Khi chuẩn bị rồi, mọi điều đến đều nhẹ nhàng hơn. Tôi nghĩ, những trải nghiệm đi qua càng khiến mình có thêm bài học quý. Cũng như có lần, người ta hỏi chuyện hôn nhân của tôi; họ cho rằng sau ly hôn, phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Phật dạy, mỗi người đến đều cho mình một bài học, nên chấp nhận và buông bỏ mọi thứ để thấy đến - đi là một điều bình thường. Tôi luôn nhìn mọi thứ tích cực như thế. Vì thế, trước hay sau hành trình này, quan điểm về hạnh phúc của tôi chưa bao giờ thay đổi.

Thực ra, ý nghĩa tên tôi không phải xuất phát từ loài hoa mai ở miền Nam như nhiều người gán đâu. “Bông” là tên đệm của một người dì. Tôi đến với cuộc đời lúc sáng sớm nên ba tôi đặt là “Mai” ý là “giọt sương sớm”. Tôi rất thích hình ảnh giọt sương đó vì nó rất trong. Tôi luôn hướng mình nhìn mọi điều trong cuộc sống này trong veo như tên của mình.

Ghé thăm rừng tràm Trà Sư (An Giang)
Ghé thăm rừng tràm Trà Sư (An Giang)
 

* Tôi nhớ, cuối năm ngoái, Bông Mai viết: “Cứ đi thôi, khóc cũng được, cười cũng được nhưng luôn được là chính mình”. Trong 99 ngày đó, chị đã khóc, cười như thế nào?

- Nhiều chứ. Chẳng hạn, ngày đi từ Sìn Hồ về TP.Lai Châu chỉ 29km nhưng tôi đi lạc thành 70km, chứng kiến hoàng hôn trên vách núi đẹp một cách “rụng rời”, tôi khóc. Tôi nhận ra đất trời mênh mông quá, tự do quá. Tôi phải đi rất chậm, để tận hưởng cảm giác mặt trời chạy sau lưng mình. Hay như hôm đầu gặp em Mua bị liệt tứ chi ở thôn Sán Trồ (Hà Giang), em quay sang hỏi: “Cô là ai mà lại đến đây thăm con?” và chia sẻ “Con muốn được chữa khỏi bệnh để đi học như bạn bè”, tôi đã khóc nức nở với một đứa trẻ không phải là con của mình. Đó là một tình cảm khó tả.

"Biết trước hành trình này sẽ có cả sự ủng hộ lẫn chê bai nên tôi lấy tinh thần của chuyến đi là “Dám sống một cuộc đời rực rỡ”. Rực rỡ không phải là ánh hào quang hay những nơi nghỉ ngơi sang chảnh để check-in. Khái niệm rực rỡ mà tôi nói là những gì tôi gặp trong hành trình - cả niềm vui và nỗi buồn, cả nước mắt lẫn nụ cười. Sau tất cả, tôi vẫn đang sống cuộc đời của mình một cách an nhiên nhất. Tôi không buồn vì ai đó nói điều gì không vui về mình. Tôi bận lắm - bận làm; bận chơi; bận yêu mình, yêu mọi người; bận sống đời sống của mình đang đến và trôi đi mỗi ngày. Bạn rồi cũng sẽ bận như tôi khi bạn không còn sống hộ đời sống của ai nữa."

Nhà báo Bông Mai

 

Khóc nhiều nhưng cười cũng lắm. Có những lúc, tôi không hiểu vì sao mình hóa trẻ thơ giống các em, các cháu ngay được. Đi đường mà gặp đám con nít người Mông chơi nhảy dây, tôi cũng dừng lại chơi cùng, cười thả ga cùng chúng. Hay giữa trời trưa nắng, gặp đám trẻ đi tát cá, tôi cũng “a dua” theo, rồi rủ “đồng bọn” đi ăn kem vui quá là vui. Bông Mai còn là “đại ca” của bọn trẻ bản Tà Số đấy. Tôi dẫn đầu “phái đoàn” đi khắp bản. Lũ trẻ khoái trá đi theo. Tôi hãnh diện vô cùng vì lâu lắm mới được trong vai “kẻ cầm đầu”. Tôi nghĩ, đó là những nụ cười và giọt nước mắt mà tôi không dễ gặp lại trong đời. 

* Nghe chị nói, tôi thấy có những “mối tình” nảy nở thắm thiết trên đường đi, giữa Bông Mai với Bông Mai, Bông Mai với những người mà chị đã gặp trên hành trình, Bông Mai với thiên nhiên rộng lớn… 

- Tôi giống một cây mai mà mỗi câu chuyện là một nụ mai nở bông rực rỡ. Sự tươi tốt, hạnh phúc tràn đầy ấy đến từ sự vun đắp, tưới tắm và bảo bọc của mọi người mà tôi đã gặp trên hành trình này. Chúng đến từ niềm vui, thậm chí từ những nỗi buồn của người khác. 

* Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ Rọi suốt trăm năm một cõi đi về”…

- Ông Trịnh nói đúng đấy. Hành trình đi để chiêm nghiệm bản thân, để thấy rằng ta có đi đâu chăng nữa, vẫn thấy mình trong đó, đi mà không thấy xa lạ; đi trong những thân mật, nồng ấm và vẫy chào sự vô tận của cuộc đời.

* Sau chuyến đi 99 ngày, Bông Mai có dự định gì?

- Tôi sẽ hoàn thành cuốn hồi ký về hành trình đặc biệt này để chia sẻ thông điệp đến nhiều người hơn. Đồng thời, tôi sẽ tổ chức một cuộc gặp gỡ nhỏ những người đã quan tâm, ủng hộ 99 ngày rực rỡ cùng Bông Mai thông qua một triển lãm ảnh tư liệu về văn hóa của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là ảnh về trang phục của những dân tộc ít người biết. Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu và chuẩn bị tư liệu về những vùng đất, dân tộc mình sắp đến nhưng đi rồi mới thấy, có những thông tin không còn liên quan hoặc bị biến dạng, xói lở không còn nhận ra bản sắc.

Điều đó làm tôi thu nhận bao thú vị và bất ngờ; ở một khía cạnh khác cũng cho thấy, chúng ta đang có một sự “bất đồng” ngôn ngữ và văn hóa với chính đồng bào mình. Chỉ có đi, tôi mới thấy hết cái cảm trạng văn hóa này. Nếu ở nhà, chắc tôi cứ mãi như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Đậu Dung ((thực hiện)

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI