Nỗi sợ khi phải mở lời
Trong một buổi họp trực tuyến giữa đại dịch ở Singapore, Faith Tay chỉnh lại tư thế, hít một hơi thật sâu và nhìn chằm chằm vào camera trên máy tính xách tay. Nhóm của Faith đang thảo luận về một dự án mới thông qua Zoom và đến lượt cô phát biểu. Mọi ánh mắt đổ dồn về chuyên gia công nghệ thông tin 31 tuổi, nhưng cô lại không thể nói được lời nào. Tim cô đập thình thịch. Một đồng nghiệp phải lên tiếng thay Faith. Cuộc họp tiếp tục. Faith bày tỏ: “Đó là một bước ngoặt đối với tôi”. Hiện cô đã nghỉ việc và đang theo học bán thời gian về kinh doanh.
 |
Những người trẻ học cách tự tin trong cuộc trò chuyện hằng ngày tại hội thảo School of Yapping, Singapore - Nguồn ảnh: Friend Zone |
Faith là 1 trong 33 người tham gia School of Yapping - một hội thảo bán phần nhằm giúp thanh niên từ 20-35 tuổi tự tin trong cuộc trò chuyện hằng ngày. Thông qua trò chơi nhập vai và các tình huống nhóm, người tham gia học cách trò chuyện xã giao, đọc các tín hiệu xã hội, bắt đầu cuộc trò chuyện một cách tôn trọng và biến những mối quan hệ xã giao thành kết nối có ý nghĩa.
Anh Tham Jun Han - 32 tuổi, đồng sáng lập Friendzone - nói: “Trong những năm qua, đặc biệt là sau đại dịch, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều người gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Họ tránh giao tiếp bằng mắt, chỉ chăm chú vào điện thoại, không trò chuyện xã giao hoặc chỉ ăn trưa trong im lặng. Họ muốn kết bạn nhưng lại không biết phải làm thế nào”.
Một cuộc khảo sát năm 2024 của Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore cho thấy, những người trẻ từ 21-34 tuổi có mức độ cô lập xã hội và cô đơn cao nhất trong tất cả nhóm tuổi. Hơn một nửa cho biết, đôi khi họ cảm thấy lo lắng nếu phải nói chuyện trực tiếp và thích giao tiếp trực tuyến hơn, nơi họ có thể chỉnh sửa tin nhắn và cảm thấy ít bị đánh giá.
Trò chuyện tích cực đem lại nhiều lợi ích
Theo cuộc thăm dò của OnePoll.com trên 2.000 người tại Anh vào năm 2025, 74% người lao động gặp khó khăn trong việc trò chuyện với đồng nghiệp. Gần một nửa trong đó (48%) chọn nhắn tin qua WhatsApp, Teams hoặc email vì nó thuận tiện hơn, ngay cả khi người nhận đang ngồi gần họ. 27% cảm thấy thoải mái khi giao tiếp trực tuyến hơn là trực tiếp. Điều này thể hiện rõ ở những người lao động trẻ tuổi với mức 40% ở thế hệ Z (sinh từ 1997-2012), 33% trong thế hệ Y (sinh từ 1981-1996) và 24% ở thế hệ lớn hơn.
Đối với một số người, nghệ thuật trò chuyện đến một cách tự nhiên, nhưng đối với nhiều người, chính những trao đổi nhỏ hằng ngày mới là chìa khóa giúp họ xây dựng sự tự tin và các mối quan hệ. Những khoảnh khắc này không chỉ tốt cho văn hóa nơi làm việc mà còn có lợi cho sức khỏe của chúng ta. Kết quả khảo sát từ OnePoll cho thấy giao tiếp trực tiếp với đồng nghiệp có tác động tích cực đến tâm trạng và sức khỏe của 38% người tham gia, làm khơi dậy cảm giác thư giãn, hạnh phúc và tự tin trong họ.
Tiến sĩ Annabelle Chow - nhà tâm lý học lâm sàng tại tổ chức Annabelle Psychology - cho biết, việc lớn lên cùng giao tiếp kỹ thuật số đã củng cố sở thích “ở sau màn hình”.
Để xây dựng lại sự tự tin trong mỗi người, bà Chow khuyến nghị liệu pháp tiếp xúc, trong đó cá nhân dần làm quen với các tương tác trong thế giới thực, bắt đầu với các tình huống ít áp lực như với đồng nghiệp, bạn bè. Ngoài ra, liệu pháp hành vi nhận thức là một phương pháp tiếp cận khác, giúp cá nhân định hình lại những suy nghĩ lo lắng, chẳng hạn như “họ đang phán xét tôi” thành những suy nghĩ cân bằng hơn, chẳng hạn như “họ có lẽ đang tập trung vào cuộc trò chuyện chứ không phải muốn chỉ trích tôi”.
Linh La (theo CNA, The Straits Times, New York Post)
Đưa những người trốn tránh xã hội quay về Mỗi ngày của Hwang Jea Mea, 35 tuổi, là thức dậy lúc 14g, nằm trên giường lướt điện thoại hơn 1 tiếng rồi mới uể oải đi làm vệ sinh. Sau khi lấy 1 đĩa thức ăn mà mẹ đã làm sẵn từ sáng trước khi đi làm, anh lại chui vào phòng vừa ăn vừa chơi game, lướt mạng. Chiều tối, dù biết ba mẹ và em gái đã đi làm về và đang nấu bữa tối, nhưng Hwang vẫn nằm dài trên giường xem phim, lướt mạng, rồi đi ngủ lúc 3 - 4g sáng. Cuộc sống như thế của Hwang đã kéo dài hơn 4 năm, kể từ khi anh liên miên thất nghiệp.  | Những “Hikikomori” đang tham gia khóa học cơ bản ở Nhật Bản - Nguồn ảnh: Mainichi |
Hwang là một trong hàng triệu người đang sống vật vờ trong nhà, trốn tránh xã hội. Những người này, ở Nhật Bản gọi là “Hikikomori”. Hikikomori là thuật ngữ chỉ những người từ bỏ cuộc sống xã hội, rút vào trong nhà và trở thành một vấn đề nan giải ở Nhật Bản, rồi lan sang Hàn Quốc và các nước khác khiến chính phủ đau đầu. Bởi hầu hết những người này nằm trong độ tuổi lao động. Theo thống kê của Chính phủ Nhật Bản, năm 2024 nước này có gần 1,5 triệu người không tiếp xúc xã hội. Vào tháng 6/2025, Hàn Quốc đang chứng kiến gần nửa triệu thanh niên chỉ sống quanh quẩn trong nhà và dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng. Tình trạng tương tự cũng đang xuất hiện ở các khu vực khác, bao gồm Mỹ, Tây Ban Nha và Pháp. Giáo sư Furuhashi Tadaaki - người chuyên nghiên cứu về Hikikomori tại Nhật và Pháp - cho biết, giai đoạn đầu của Hikikomori xảy ra khi có sự kiện khiến cá nhân muốn rút lui khỏi đời sống xã hội. Và khi họ thấy thoải mái với cuộc sống khép kín, họ không còn muốn quay lại xã hội nữa. Trong bối cảnh đó, nhiều nước phải nỗ lực để đưa ra chính sách, phương án giúp đỡ những người Hikikomori tái hòa nhập xã hội. Nhiệm vụ này ngày càng trở nên bức thiết hơn trong bối cảnh nhiều quốc gia đối mặt với thách thức đến từ dân số già đi, lực lượng lao động giảm sút, mức sinh giảm và tình trạng tuổi trẻ chán nản. Năm 2024, chính quyền Seoul đã triển khai chương trình phụ cấp 650.000 won/tháng để khuyến khích công dân tuổi từ 19-24 mắc chứng tự cô lập với xã hội quay về hòa nhập cộng đồng. Chương trình còn cung cấp sự hỗ trợ giáo dục, giới thiệu việc làm và chăm sóc sức khỏe. Thậm chí, Seoul còn tài trợ để mở các trung tâm hỗ trợ những người trẻ sống trong hoàn cảnh cách ly xã hội. Ông Nagaoka Hidetaka - người sáng lập học viện Samugaku ở Nhật Bản - cho biết mục tiêu của Samugaku là giúp học viên có thể sống một cuộc sống bình thường, tự lập tài chính và ổn định tinh thần. Thậm chí, họ còn được học những “kỹ năng sống cơ bản” như chăm sóc bản thân, nấu ăn, tìm nhà và dọn dẹp; khám phá bản thân thông qua tâm lý học và triết học; tìm hiểu kiến thức và kỹ năng giao tiếp xã hội; tìm niềm vui trong cuộc sống như theo đuổi đam mê hay sở thích. Ở giai đoạn cuối cùng, Samugaku sẽ hỗ trợ học viên chuẩn bị hồ sơ xin việc và bắt đầu cuộc sống tự lập. Morishima Yusuke - 33 tuổi, Phó giám đốc Công ty Quietude tại Nagano, người từng sống như một Hikikomori trong suốt 5 năm - chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy kiệt sức khi ở trong đám đông vì quá để tâm đến ánh mắt và suy nghĩ của người khác. Tinh thần kiệt quệ, tôi bỏ học rồi ngừng ra ngoài hoàn toàn”. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Morishima tham gia Samugaku. Tại đây, anh vượt qua được chứng lo âu xã hội, tìm được công việc ổn định và thăng tiến. Thu Thanh (theo Korea Times, Mainichi) |