Người nước ngoài ở TPHCM cũng mong ngóng ngày “bình thường mới”

30/09/2021 - 06:22

PNO - Trong những ngày này, nhiều người nước ngoài đang sống và làm việc ở TPHCM nóng lòng chờ chính quyền thành phố công bố kế hoạch tái hoạt động sản xuất, kinh doanh để được tới nơi làm việc và giao tiếp với cộng đồng.

Chờ, đếm từng ngày

Monica Auria (người Philippines) vui mừng nhận lại hai lớp học thử trực tuyến vào ngày 2/10 tới. Điều này có nghĩa là trường học nơi chị làm việc đã mở lại. Monica là mẹ đơn thân đang sống ở TP.Thủ Đức (TPHCM) vừa dạy học ở trường vừa nhận dạy thêm tiếng Anh ở trung tâm để nuôi ba đứa con.

Trong vài tháng qua, Monica chỉ nhận được 70% thu nhập từ lớp dạy tiếng Anh trực tuyến nên khó lòng trang trải chi phí. Chị mất việc dạy học ở trường từ tháng Tư năm nay nên đã phải rời căn hộ và đến ở nhờ nhà người bạn Việt. Từ tháng Bảy đến giờ, cộng đồng người nước ngoài và người Việt ở thành phố đã hỗ trợ thực phẩm giúp mẹ con chị. 

Monica Auria và các con nhận quà từ thiện
Monica Auria và các con nhận quà từ thiện

Cũng là giáo viên nhưng Sharon Quidangen Tanallon, 47 tuổi, không có tin vui được quay lại lớp học như Monica. Chị là giáo viên mầm non, còn học sinh lại quá nhỏ nên không thể học trực tuyến. Sharon chia sẻ: “Tôi từng nghĩ mình đã vượt qua mọi khó khăn để có nghề nghiệp ổn định. Đến TPHCM từ năm 2018, tôi làm nhiều việc như dạy kèm ở nhà, giúp việc, chăm sóc người bệnh và cả dắt chó đi dạo để kiếm sống và nuôi con ở quê nhà. Tháng Sáu năm ngoái, tôi được trường Sunshine ở Q.7 nhận vào làm. Trong thời điểm chờ việc như hiện nay, đồng nghiệp tại trường và ngay cả phụ huynh người Việt cũng cố gắng giúp đỡ giáo viên như tôi”.

Sharon cũng là mẹ đơn thân từ Philippines, đang muốn về nước để thăm con trai bị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Mẹ và em trai chị vừa qua đời do COVID-19 nên con chị không ai chăm sóc vì chồng cũ đang ở một thành phố khác. Sharon đang ở trọ trong một căn phòng nhỏ trên đường Nguyễn Văn Linh, Q.7 từ tháng Tư với giá khoảng 2,8 triệu đồng/tháng bao gồm điện nước. Chị cố gắng tiết kiệm nhưng vẫn không đủ trang trải.

Hiện nay, Sharon phải nhờ một số tổ chức NGO và những người làm thiện nguyện hỗ trợ thực phẩm. Gọi điện cho con mà chị không tâm sự được gì vì không biết khi nào mới đủ tiền mua vé máy bay về với con. Chị đã đăng ký chuyến bay nhân đạo với Chính phủ Philippines nhưng vẫn chưa được vào danh sách. 

Hai người mẹ đơn thân tuy khó khăn nhưng vẫn thấy mình may mắn vì được cộng đồng giúp đỡ và vô cùng biết ơn về điều đó. Cộng đồng người Philippines quanh đây cũng có rất nhiều người đã mất việc từ tháng Tư. 

Stuart Aitken, kỹ sư lập trình phần mềm người Anh, nhấp nhổm chờ tin được quay trở lại văn phòng làm việc vào ngày 1/10 tới. Dù đã quen làm việc tại nhà, ông vẫn muốn trải nghiệm cảm giác ngồi trong văn phòng và tiếp xúc với đồng nghiệp. Stuart làm việc 8 giờ/ngày ở các quán cà phê từ trước khi đến Việt Nam. Công ty phần mềm nơi Stuart làm việc cũng cho phép ông được tự do về không gian. Tuy nhiên, ông không thể cứ giam mình trong nhà mãi được.

“Tôi là kỹ sư phần mềm nên nhu cầu được trao đổi hoặc nói chuyện phiếm với đồng nghiệp không nhiều nhưng giờ tôi bắt đầu nhớ cảm giác được tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên, sau khi được giao tiếp với đồng nghiệp thỏa thích, tôi sẽ làm việc theo mô hình hybrid (kết hợp làm trong văn phòng và từ xa) để vừa được tiếp xúc với đồng nghiệp, vừa chủ động làm việc ở nơi yên tĩnh khi cần” - Stuart chia sẻ.

Vừa mừng vừa lo

Với Clemence Rakoto (người Pháp), tìm hiểu văn hóa Việt Nam là niềm đam mê. Cô đến TPHCM năm ngoái để vừa làm việc, vừa khám phá cuộc sống của một đất nước Đông Nam Á đang chuyển mình. Do các đợt giãn cách, cô chưa đi được nhiều nơi nên rất buồn chán.

Cô nói: “Tôi nhớ gia đình và bạn bè ở Pháp. Trong những ngày giãn cách xã hội, tôi đã mày mò tìm hiểu thủ tục để giúp các bạn bay về nước an toàn. Mấy tháng nay, dù bận rộn, tôi cũng không tránh được cảm giác trống vắng. Tôi chưa có cơ hội gặp gỡ người Việt dù công việc của tôi cần tiếp xúc nhiều với họ. Vì vậy, tôi chờ ngày 1/10 để được quay trở lại làm việc bình thường và lại được khám phá Việt Nam nhiều hơn”.

Điều đầu tiên Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia tại Việt Nam (thứ ba bên trái) làm khi quay trở lại văn phòng là sắp xếp chuyển gạo cứu trợ đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 7
Chủ nhà hàng Kenvil Chia mong được tiêm mũi vắc xin thứ 2 để quay lại nhà hàng

Đa số người nước ngoài muốn quay trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Họ đã lên kế hoạch làm việc cả tháng trước và đợi UBND TPHCM ra quyết định nới lỏng hoặc bãi bỏ biện pháp giãn cách xã hội. Nhiều người chộn rộn tìm hiểu thủ tục vì sợ thiếu các giấy tờ thông hành, số khác thì lo tải ứng dụng để có “thẻ xanh COVID”. Trong khi đó, những người làm ở vị trí quản lý lại chưa thể yên tâm. 

Ông Edwin Setiawan Tjie - Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia tại Việt Nam (ICCV) - cho biết, việc đầu tiên ông làm khi quay trở lại văn phòng là sắp xếp chuyển thêm gạo cứu trợ. Số gạo này do các hiệp hội người Indonesia tại TPHCM quyên góp và gửi đến hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để phát cho người dân. Tiếp theo, ông sẽ sắp xếp để nhân viên công ty được tiêm thêm mũi vắc xin thứ hai. 90% trong số họ đã được tiêm một mũi. 
 

Điều đầu tiên Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia tại Việt Nam (thứ ba bên trái) làm khi quay trở lại văn phòng là sắp xếp chuyển gạo cứu trợ đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 7
Điều đầu tiên Chủ tịch Phòng Thương mại Indonesia tại Việt Nam (thứ ba bên trái) làm khi quay trở lại văn phòng là sắp xếp chuyển gạo cứu trợ đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Quận 7

Ông Edwin thông tin: “Các doanh nhân Indonesia sẽ rất phấn khởi nếu được quay lại văn phòng từ ngày 1/10. Họ muốn nối lại chuỗi cung ứng. Trong mấy tháng qua, doanh nghiệp (DN) Indonesia gặp khó khi muốn vận chuyển hàng đến tay khách ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã mất đi một lượng khách hàng lớn ở các tỉnh miền Tây nên rất sốt ruột”.

Ông Edwin cho hay, các doanh nhân Indonesia lo rằng, chi phí xét nghiệm ba ngày/lần cho nhân viên sẽ rất đắt đỏ, việc đưa công nhân ở các tỉnh quay lại làm việc sẽ gian nan. Họ mong Chính phủ Việt Nam có phương thức nào đó ít tốn kém hơn.

Ông Kelvin Chia - người Singapore, chủ nhà hàng mì sợi ở Q.5 - mới được tiêm mũi vắc xin thứ nhất. Ông mong được tiêm mũi thứ hai trong tháng Chín này để mở lại nhà hàng của mình và mong được bán trực tiếp cho khách vì phải ăn trực tiếp, món mì sợi mới nóng hổi và đúng vị. Trong những ngày này, Kelvin phân công các nhân viên đã tiêm đủ hai mũi vắc xin đến nhà hàng lau dọn sạch sẽ để kịp hoạt động lại ngay. 

Nhà hàng mất 70% doanh thu trong thời gian giãn cách xã hội nên Kelvin chỉ mong mở cửa lại càng sớm càng tốt: “Tôi biết doanh thu khó trở lại như xưa ngay nhưng nhớ cảm giác ngồi cùng bàn với thực khách. Khách quen đến nhà hàng 10 năm nay rồi nên được gặp họ cũng như gặp người thân”. 

Doanh nghiệp sẽ thu hút nguồn lao động ra sao?

Sau ngày 1/10, khi quay trở lại sản xuất, các DN phải đối mặt khó khăn vì phải nối lại chuỗi hoạt động bị đứt đoạn trong bốn tháng. Tình hình tuyển dụng của họ sẽ phụ thuộc vào các hợp đồng kinh tế tìm được trong giai đoạn này. Chi phí dành cho nhân công không chỉ gồm tiền lương và bảo hiểm xã hội mà còn có các chi phí để đảm bảo phòng, chống dịch. 

Các DN có thể giải quyết việc thiếu hụt lao động phổ thông bằng cách thu hút lực lượng lao động đang thất nghiệp đã có mặt tại TPHCM. DN nên liên hệ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM và trung tâm giới thiệu việc làm các tỉnh để thông báo nhu cầu và tuyển dụng. Tháng 9 và 10 là thời điểm sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng và đại học ra trường. DN cần phối hợp nhà trường để có nguồn nhân lực đã qua đào tạo.

Tuy nhiên, DN nên gạt bỏ suy nghĩ rằng nguồn lao động luôn có sẵn. Để thu hút người lao động trở lại thành phố làm việc, DN cần cân nhắc đến chi phí hỗ trợ người lao động. Khi một công nhân quay lại thành phố làm việc, chi phí cư trú sẽ là vấn đề lớn vì họ đã cạn kiệt nguồn dự trữ trong các tháng qua.

Trước kia, DN chi khoảng 15-30% ngân sách cho việc trả lương thì nay, chi phí này có thể sẽ cao hơn. DN phải cân nhắc để hài hòa giữa chi phí và lợi nhuận để chi trả nơi ở trọ cho nhân công. Người lao động sẽ quay lại thành phố nếu có việc làm ổn định, công ty có các chính sách hỗ trợ kèm theo, nhất là với các nữ nhân công. Họ cần nơi làm việc bảo đảm an toàn cho sức khỏe. 

Việc nối lại sản xuất đòi hỏi người lao động làm việc cực nhọc hơn nhưng sẽ giúp họ rèn luyện thêm các kỹ năng mà trước kia họ không quan tâm. Đây cũng là giai đoạn mà DN áp dụng công nghệ và kỹ thuật số nhiều hơn để đối phó với đại dịch. Do đó, người lao động phải học hỏi nhiều kỹ thuật mới để không bị đào thải. 

Hiện tượng môi giới việc làm “chui”, lừa đảo sẽ xuất hiện trong tình cảnh việc thiếu người, người thiếu việc. Vì vậy, cả DN và người lao động cần tìm đến những kênh giới thiệu việc làm chính thống. Nhà nước nên khôi phục lại luồng thông tin việc làm giữa các tỉnh và thành phố thông qua các hiệp hội và báo đài uy tín, giúp DN tìm được nguồn lao động rộng khắp cả nước.

(Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM)

Mỹ Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI