Tết Tân Sửu của người nước ngoài ở Việt Nam

22/02/2021 - 06:28

PNO - Tết này, một số người nước ngoài ở Việt Nam phải tự hạn chế các hoạt động do dịch COVID-19, nhưng một số khác vẫn tất bật để mang lại niềm vui cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đón tết trong khu cách ly

“Bốn bức tường trong phòng khách sạn dành cho người cách ly là nơi tôi đón tết. Tôi chọn khách sạn ở quận 1, TPHCM để đón không khí vui xuân ở khu trung tâm. Khu dân cư ở hẻm bên cũng có nhà đón tết ngoài sảnh và tôi sẽ cùng vui với họ từ ban-công của mình” - Steve Powell kể về cái tết đặc biệt mà ông trải qua. 

Đêm giao thừa, ông mang ly rượu vang ra ban-công. Không gian vắng lặng, ông nhoài mình ra ngoài để xem có hoạt động vui chơi nào không, nhưng chỉ thấy một bóng người vội vã vào siêu thị Circle K gần đó. Thỉnh thoảng có tiếng pháo hoa nổ trong đêm giao thừa. Mùng Một, mùng Hai và mùng Ba trôi dài như nhau. 

Ông Steve Powell đành đón tết theo lịch trình đã sắp xếp cho những ngày còn lại trong thời gian cách ly. Ông dành 3 giờ/ngày để đánh giá công việc kinh doanh năm trước của mình và lên kế hoạch cho năm nay. Ông cũng dành 1 giờ để thay đổi bài tập thể thao theo hướng dẫn trên YouTube cho đỡ nhàm chán. Thời gian còn lại, ông xem ti vi và chơi game điện tử. 

Ông Steve đến từ Anh, là người sáng lập Công ty AirSpeed và đang trải qua thời gian cách ly khi vào Việt Nam. Đây là lần cách ly thứ hai của ông (lần đầu là vào tháng 9/2020). Theo quy định, người nước ngoài vừa vào Việt Nam phải cách ly 14 ngày. Biết vậy nhưng ông Steve vẫn chọn đến Việt Nam thời điểm này để tiết kiệm thời gian, do những ngày tết, công ty không làm việc.

Trước khi nghỉ tết, nhân viên của ông đã gửi nhiều quà bánh, trái cây và bia cho ông đỡ buồn. Họ còn gửi cho ông cả chiếc ghế ngồi trong văn phòng làm việc khiến ông phải bật cười. Tuy những người bạn Việt này nói ông cứ liên lạc bất cứ khi nào cần, nhưng ông không muốn làm phiền họ trong mấy ngày tết.

Sô diễn trước cổng khách sạn

Tối mùng Ba tết, có một người nước ngoài biểu diễn cùng chú người gỗ Filipo tại bãi biển Vũng Tàu. Dưới vành nón cói là nụ cười thường trực của chú người gỗ do ông điều khiển. Mười ngón tay của ông điêu luyện kéo dây cho chú rối cử động như một nghệ sĩ violon. Filip dẫn chú rối đi về mà không bao giờ vượt khỏi tấm thảm đỏ có kẻ dòng nhạc và tên của ông vì chốc chốc, lại có trẻ chạy đến xem ông biểu diễn. 

Filip Bamba biểu diễn trong chiều mùng Ba tết  tại TP.Vũng Tàu
Filip Bamba biểu diễn trong chiều mùng Ba tết tại TP. Vũng Tàu

Filip Bamba - 59 tuổi, người Ba Lan - đã kịp diễn hai ngày trước tết ngay cổng khách sạn ở TP. Vũng Tàu cho trẻ em xung quanh: “Đây là món quà mà tôi lì xì cho chúng vì mỗi khi thấy tôi đội nón lá, mang đôi dép tổ ong, đạp chiếc xe có treo cờ Việt Nam phía trước là chúng cứ reo hò từ xa”.

Chiếc xe của ông sơn màu cờ Việt Nam và mang dòng chữ tiếng Việt “Xin chào Việt Nam” đã gây chú ý từ năm ngoái, khi ông chuyển đến Vũng Tàu ở. 

Hình ảnh của Filip cùng Filipo biểu diễn bên cạnh Bưu điện TPHCM trong những ngày cuối tuần đã quen thuộc với người dân thành phố. Suốt những ngày tết năm ngoái, ông cũng thu hút được nhiều đám đông tụ tập xem màn trình diễn của mình ở đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Tết năm nay, ông ngồi nhấp nhổm ở quán chay quen thuộc tại TP. Vũng Tàu xem tin tức về dịch COVID-19 ở TPHCM. Chỉ cần có tin tốt là ông lên xe đò vào thành phố để biểu diễn. Sáng, ông vội vã kết thúc bài tập yoga ở bãi biển thật sớm rồi mang va-li đạo cụ ra quán chay ngồi, sẵn sàng lên đường. Những người quen trong quán cũng đến chia sẻ nỗi buồn mất sô diễn của người nghệ sĩ đường phố này. 

Tuy trấn an mọi người đừng lo, nhưng ông cũng không khỏi sốt ruột. Ông mong đại dịch COVID-19 qua nhanh để lại được cùng Filipo diễn nhiều hơn nữa cho trẻ em TPHCM.

Mang niềm vui đến người có hoàn cảnh khó khăn

Tết này, Christopher Axe - Trưởng nhóm Help Hanoi’s Homeless - dành nhiều thời gian để đi phát khẩu trang và nước rửa tay cho một số nhà hàng và quán cà phê ở TP. Hà Nội. Số khẩu trang và nước rửa tay này do anh và thành viên của Help Hanoi’s Homeless quyên góp từ các nhà hảo tâm.

Christopher Axe trong một lần tình nguyện hiến máu
Christopher Axe trong một lần tình nguyện hiến máu

“Tôi mong rằng, hoạt động của mình và các thành viên Help Hanoi’s Homeless có thể đóng góp một phần nhỏ vào việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tôi cũng mong hành động này sẽ khuyến khích các hàng quán cùng chung tay phân phát khẩu trang và nước rửa tay tại cửa ra vào” - Axe nói.

Axe là giáo viên dạy tiếng Anh tại Trung tâm Anh ngữ ILA và anh đã viết một số tiểu thuyết tiếng Anh khi đến Hà Nội. Anh đã trải qua cuộc sống của người vô gia cư ở Auckland, New Zealand khi làm công nhân xây dựng nên luôn đồng cảm với người cùng cảnh ngộ.

Năm ngoái, anh đã thành lập nhóm Help Hanoi’s Homeless, thu hút được hơn 6.700 thành viên, cùng đi phân phát thức ăn và quần áo quyên góp được cho người vô gia cư trên đường phố Hà Nội. Nhóm cũng đã giúp một số người vô gia cư được vào bệnh viện điều trị bệnh.

Nhóm Viral Kindness trang trí sổ tay tặng trẻ em ở Trung tâm Phát huy Bình Triệu
Nhóm Viral Kindness trang trí sổ tay tặng trẻ em ở Trung tâm Phát huy Bình Triệu

Anh đã truyền cảm hứng cho sự ra đời của hai nhóm khác cùng giúp người nghèo khổ không nhà là Help Adelaide’s Homeless ở Úc và Help Saigon’s Homeless ở TPHCM. Tết này, Help Saigon’s Homeless đã phân phát 100 phần bánh tét cho người vô gia cư ở TPHCM.

Trong khi đó, nhiều nhóm người nước ngoài đã quyên góp tiền để chăm lo tết cho trẻ em tại Trung tâm Phát huy Bình An (phường 7, quận 8, TPHCM). Anna Brock, Hannah Payne Maher và Tim Steel là ba người chưa từng quen nhau nhưng đã quyên góp được 39 triệu đồng để mang quần áo, đồ chơi và bao lì xì 50.000 đồng đến cho trẻ em ở đây đón tết. 

Quà tặng do nhóm Anna Brock, Hannah Payne Maher và Tim Steel gửi tới trẻ em ở Trung tâm Phát huy Bình An
Quà tặng do nhóm Anna Brock, Hannah Payne Maher và Tim Steel gửi tới trẻ em ở Trung tâm Phát huy Bình An

Hoạt động của Anna Brock, Hannah Payne Maher và Tim Steel đã gợi ý cho Karim Schneider ý tưởng mang lại niềm vui cho trẻ em cơ nhỡ ở mái ấm này. Dù bận rộn với đám cưới sắp tới với bạn gái người Việt nhưng từ tháng 1/2021, anh đã kêu gọi mọi người trong và ngoài nhóm từ thiện Viral Kindness do anh thành lập cùng tụ họp lại để trang trí hơn 250 quyển sổ và những lời nhắn nhủ để tặng trẻ em ở Trung tâm Phát huy Bình Triệu (quận Bình Thạnh, TPHCM) trong dịp tết. 

Từ hơn một năm nay, Viral Kindness thường xuyên phân phát cơm và dạy tiếng Anh miễn phí cho người nghèo. “Người tốt ở quanh ta rất nhiều, người có hoàn cảnh khó khăn cũng rất nhiều. COVID-19 là cơ hội để họ đến gần nhau hơn vì đại dịch khiến nhiều người càng khó khăn hơn. Năm 2021, tôi sẽ thành lập một cơ sở để được giúp người nghèo nhiều hơn nữa” - Karim chia sẻ. 

Mỹ Huyền

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI