Người lao động trở lại TPHCM với hy vọng mới

08/02/2022 - 06:17

PNO - Những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, người lao động bắt đầu hối hả trở lại TPHCM để làm việc với niềm hy vọng mới sau một thời gian dài về quê tránh dịch.

Bắt đầu lại cuộc mưu sinh 

Trưa mùng Năm tháng Giêng, nhiều người ở xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã tất tả trở lại TPHCM mưu sinh. Phổ Cường được mệnh danh là “làng ly hương” với khoảng hơn 7.300 người (46% dân số) rời quê vào các tỉnh, thành phía Nam mưu sinh bằng nghề bán hủ tíu và lao động tự do. 

13g30, chuyến tàu SE21 dừng ở ga Đức Phổ đón gần 50 người rời quê vào TPHCM. Nhiều người cho biết, năm qua, do dịch bệnh, họ đã mất việc trong một thời gian dài nên tranh thủ vào thành phố sớm hơn. Dắt theo đứa con nhỏ năm tuổi lên tàu rời quê, chị Nguyễn Thị Cảm - 43 tuổi, ở xã Phổ Cường - bùi ngùi: “Mọi năm, qua mùng Mười, em mới vô Sài Gòn. Nhưng năm vừa rồi, dịch bệnh dữ quá, từ tháng 6, vợ chồng em đã về quê tránh dịch. Bây giờ, dịch bệnh yên rồi, tụi em tranh thủ vô sớm để tìm nhà trọ, sắm lại đồ đạc”.

Nhiều người trẻ tất tả rời quê từ ngày mùng Năm tết để vào TP.HCM
Nhiều người trẻ tất tả rời quê từ ngày mùng Năm tết để vào TPHCM

Sau trận lụt năm 1999, ruộng vườn tiêu tán, vợ chồng chị Cảm đã rời quê vào TPHCM tìm việc mưu sinh. 23 năm qua, chị Cảm làm nhiều nghề nhưng buôn ve chai là nghề gắn bó lâu nhất, gần 18 năm. Hằng ngày, chị Cảm đi thu mua ve chai ở H.Hóc Môn, còn chồng chị - anh Trần Văn Nhất - làm bảo vệ cho một công ty ở gần đó. “Rời quê năm 1999, trong tay vợ chồng tôi chỉ có 20.000 đồng làm lộ phí. Sau 23 năm, cuộc sống chưa gọi là khấm khá nhưng giờ cũng đã xây được ngôi nhà ngói ở quê. Nghĩ lại, nếu thời đó không vô Sài Gòn thì vợ chồng tôi vẫn còn ở căn nhà tôn xập xệ” - chị Cảm tâm sự.

Đợt này vào TPHCM, vợ chồng chị Cảm phải làm lại từ đầu vì khi về quê, đã trả nhà trọ, bán tháo đồ đạc, nhưng chị Cảm cũng yên tâm vì chồng chị đã được công ty hẹn mùng Bảy đi làm lại. Chị nói năm tới, cuộc sống ổn định, chị sẽ ở quê ăn tết lâu hơn.

Mùng Bốn tết, vợ chồng ông Tạ Văn Ngọt - ở thị xã Đức Phổ - đã chuẩn bị hành lý vào TPHCM - nơi họ đã sinh sống hơn 30 năm qua. Từ thập niên 1980, khi những sào ruộng bạc màu không đủ nuôi sống gia đình, vợ chồng ông Ngọt đã rời quê vào TPHCM mưu sinh bằng nghề bán hủ tíu gõ. Nhờ nghề này, ông đã xây được một ngôi nhà khang trang ở quê và nuôi ba đứa con khôn lớn.

Tháng 5/2021, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TPHCM, vợ chồng ông Ngọt và nhiều người bán hủ tíu khác về quê tránh dịch. Chín tháng qua, bám mấy sào ruộng và đàn gà, cuộc sống trở nên chật vật, ông Ngọt bỗng thấy nhớ Sài Gòn. Hôm tất niên, vợ chồng ông bàn bạc, quyết định trở lại thành phố để tiếp tục mưu sinh bằng nghề bán hủ tíu. Ông Ngọt tâm sự: “Nhiều lần, vợ chồng tôi định rời TP.HCM về quê tìm nghề khác mưu sinh nhưng hình như chưa hết duyên nợ. Đợt rồi về quê, tôi tính ở luôn để nuôi heo, nuôi gà nhưng buôn bán ở Sài Gòn quen tay rồi, lâu ngày không làm, thấy rất nhớ nghề”.

Uớc vọng nhỏ trong chuyến ly hương 

Sau tết, vợ chồng anh Nguyễn Quốc Văn - ở thôn Nga Mân, xã Phổ Cường - đưa con trai đầu lòng hơn sáu tháng tuổi vào TP.Thủ Đức, TPHCM. Do con còn nhỏ nên vợ anh nhờ mẹ cùng vào trông cháu để chị làm việc tại công ty sản xuất thực phẩm cách phòng trọ chừng 10km. Anh Văn phải xa vợ con sang TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương bán hủ tíu gõ. Lúc trước, anh thuê phòng trọ và bán hủ tíu gần Trường đại học Nông Lâm TPHCM. Khách hàng chủ yếu là sinh viên và người lao động thu nhập thấp. 

Nhiều em nhỏ cũng theo cha mẹ vào TP.HCM
Nhiều em nhỏ cũng theo cha mẹ vào TPHCM

Cuối xuân năm ngoái, anh Văn đưa vợ về quê sinh con rồi không thể vào lại TPHCM do dịch COVID-19 tái bùng phát. Đầu tháng Chạp năm Tân Sửu, anh vào TP.Thủ Đức tiếp tục mưu sinh nhưng buôn bán ế ẩm. Nhiều khách quen thuở trước về quê, số còn lại tằn tiện chi tiêu do thu nhập giảm sút so với trước. Anh sang TP.Thuận An thuê phòng trọ và mặt bằng với giá mỗi tháng 7 triệu đồng để bán hủ tíu. Mỗi bữa, anh bán được dăm ba ký hủ tíu với khoản thu vừa đủ tiền vốn mua thực phẩm nhưng vẫn bám trụ với hy vọng ngày càng đông khách. Ngày cuối năm, anh bắt xe khách về quê ăn tết cùng gia đình. Sau những ngày vui, anh cùng ba em trai bịn rịn chia tay cha mẹ già, rời làng vào các tỉnh, thành phía Nam. “Buôn bán khó khăn nhưng phải vào trong đó chứ ở quê không có việc làm. Trong thời gian tới, nếu bán đắt khách, vợ tôi sẽ nghỉ việc và chuyển sang Thuận An ở chung” - anh tâm sự. 

Là hướng dẫn viên du lịch, có mức lương trên 15 triệu đồng mỗi tháng, nhưng dịch COVID-19 khiến cuộc sống của anh Lê Quang Việt - quê ở tỉnh Phú Yên - bị đảo lộn hoàn toàn. Từ giữa năm 2020, anh Việt đã phải về quê làm nghề tự do với mức lương chưa bằng 1/5 trước đây. Sau gần hai năm thất nghiệp, nghe tin TPHCM sắp mở cửa đón du khách, anh Việt trở lại nghề cũ. Anh tin tưởng: “Ngành du lịch sẽ phục hồi trở lại, cuộc sống của gia đình tôi cũng sẽ đỡ hơn”.

Năm 2021, chị Nguyễn Thị Phương Linh - 22 tuổi, quê ở tỉnh Bình Định - tốt nghiệp ngành giáo viên mầm non tại một trường cao đẳng ở TPHCM đúng lúc dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Về quê hơn nửa năm nay, để có tiền trang trải cuộc sống, chị Phương Linh phải đi làm tạm tại một xưởng may ở gần nhà với mức lương chưa đến 3 triệu đồng/tháng. Tin rằng chỉ có vào TPHCM mới tìm được một công việc theo đúng chuyên ngành đã học nên từ mùng Bốn tết, chị đã một mình đi xe máy vào TPHCM: “Sau tết, trường học sẽ mở cửa, tôi vào sớm để chủ động nắm bắt thông tin tuyển dụng ở các trường mầm non. Hơn nữa, vào muộn hơn thì xe cộ đông đúc, khó di chuyển. Năm mới, tôi chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để mọi người ổn định cuộc sống”.

Tốt nghiệp chuyên ngành kinh doanh bất động sản, Trường đại học Tài chính - Marketing, Nguyễn Thị Xuân Viên rời làng vào TPHCM tìm việc làm sau nhiều năm miệt mài học tập. Dẫu mẹ đau yếu nhưng cô phải đi xa vì ở quê khó tìm việc làm phù hợp với chuyên ngành đã học. Cô mong được nhận vào làm việc tại ban quản lý chung cư của một công ty bất động sản nào đó ở Sài Gòn: “Ngành em theo học rất khó xin việc ở quê nên phải vô trong đó chứ bỏ nghề thì tiếc lắm. Em sẽ cố gắng tìm việc và làm chăm chỉ, dành dụm tiền để cuối năm lại về quê”. 

Minh Kỳ - Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI