Người dân Hàn Quốc giận dữ phản đối các dự án văn hóa của Trung Quốc

01/05/2021 - 11:54

PNO - Làn sóng phản đối các dự án văn hóa của Trung Quốc trên đất Hàn Quốc tăng cao do người dân lo sợ các giá trị văn hóa truyền thống của mình có thể bị mất đi.

Mới đây, hơn 670.000 người dân Hàn Quốc đã đồng loạt ký tên trực tuyến phản đối việc xây dựng công trình mang tên “Phố Văn hóa Trung - Hàn” ở tỉnh Giang Nguyên, phía Đông Bắc của Hàn Quốc. Thái độ phản ứng mạnh mẽ này đã khiến nhà chức trách buộc phải tạm dừng triển khai dự án.

Dự án xây dựng Phố văn hóa Trung-Hàn có quy mô gấp 10 lần khu phố Tàu hiện tại ở - Ảnh: AP
Dự án xây dựng Phố văn hóa Trung - Hàn có quy mô gấp 10 lần khu phố Tàu hiện tại ở  Incheon - Ảnh: AP

Dự án quy mô "khủng" trị giá tỷ đô 

Theo hãng tin Epoch Times, năm 2019, chính quyền tỉnh Giang Nguyên và một tờ nhật báo của Trung Quốc đã bắt tay nhau để thực hiện dự án xây dựng Phố Văn hóa Trung - Hàn có diện tích lên tới 1.2 triệu m² xuyên qua cả hai thành phố Chuncheon và Hongcheon thuộc tỉnh Giang Nguyên. Nếu hoàn thành thì công trình trị giá hàng tỷ USD này sẽ lớn hơn gấp 10 lần so với khu phố Tàu Incheon, vốn đang có quy mô lớn nhất trong thời điểm hiên tại.

Trong khi thống đốc tỉnh Gangwon Choi Moon-soon ca ngợi dự án này là “sáng kiến Vành đai và con đường văn hóa” thì người dân Hàn Quốc lại bày tỏ sự không hài lòng bởi họ lo sợ văn hóa Trung Quốc sẽ có những tác động tiêu cực đến văn hóa truyền thống của Hàn Quốc thông qua cái gọi là "trao đổi văn hóa du lịch".

Người dân Hàn Quốc lên tiếng phản đối

Từ ngày 29/3, người dân Hàn Quốc khởi xướng một cuộc vận động ký tên trực tuyến ngay trên trang web của Nhà Xanh vốn thuộc quyền quản lý của Văn phòng Tổng thống.

“Hãy lên tiếng nếu bạn không muốn nhìn thấy những tài sản độc đáo của Hàn Quốc như kim chi, hanbok, các nhân vật lịch sử và những giá trị văn hóa đặc trưng khác sẽ bị mất đi”, trích một đoạn trong bài kêu gọi.

Món rau ngâm Pao Cai từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được truyền thông nước này xem như là kimchi vốn là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc - Ảnh: Mala Market Blog
Món rau ngâm Pao Cai từ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc được truyền thông nước này xem như là kim chi vốn là món ăn đặc trưng của người Hàn Quốc - Ảnh: Mala Market Blog

Vào ngày  28/4, tròn một tháng kể từ khi cuộc vận động trực tuyến bắt đầu, đã có hơn 670.000 người ký tên. Theo quy định thì chính phủ Hàn Quốc phải có phản hồi khi số chữ ký vượt khỏi con số 200.000.

Tập đoàn xây dựng Kolon Global, đơn vị chịu trách nhiệm thi công dự án Phố Văn hóa Trung - Hàn, đã phải có văn bản gửi chính phủ Hàn Quốc vào ngày 27/4 thông báo rằng, họ sẽ tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện để xem xét lại dự án này.

"Chúng tôi nhận thấy nguy cơ không thể tiếp tục triển khai dự án này, dù biết rõ là những tổn thất nặng nề sẽ xảy ra cho công ty chúng tôi nếu dự án bị thu hồi", thông báo viết và được tờ Hoa Nam Buổi Sáng dẫn lại.

Một số nhà phân tích cho rằng, đây chính là chỉ dấu cho thấy người ta đang tính đến phương án hủy bỏ dự án do phải chịu sức ép quá lớn từ công chúng.

Người dân Hàn Quốc mặc trang phục hanbok truyền thống đi viếng các khu vực văn hóa ở thủ đô Seoul - Ảnh: EPA-EFE
Người dân Hàn Quốc mặc trang phục hanbok truyền thống đi viếng các khu vực văn hóa ở thủ đô Seoul - Ảnh: EPA-EFE

Hồi đầu tháng Tư, một quan chức cấp cao thuộc tỉnh Gyeonggi, địa phương đông dân nhất Hàn Quốc, đã mời Đại sứ Trung Quốc tại Hàn Quốc đến dự một sự kiện lớn được tổ chức tại thành phố Pocheon nơi dự kiến sẽ thiết lập một ngôi làng kết hợp trang trại thông minh. Ở đó người ta còn có kế hoạch xây dựng Làng Khổng Tử và một khu phố Tàu.

Ngay sau khi thông tin trên được báo chí đưa tin, một cuộc kêu gọi đã được thực hiện theo hình thức trực tuyến để phản đối dự án này ngay trên trang web của chính phủ Hàn Quốc. Chỉ trong vòng vài ngày, lời kêu gọi đã thu hút hơn 32.000 người dân tham gia ký tên phản đối khiến quan chức thành phố Pochen phải ra quyết định đình chỉ dự án.

Đã từng có những cuộc "xung đột văn hóa" xảy ra

Trong quá khứ, người dân hai nước cũng đã từng có những "cuộc xung đột" khá căng thẳng liên quan đến "bản quyền" của một số sản phẩm văn hóa đặc trưng mà cả hai bên đều cho là thuộc về mình.

Chẳng hạn như vào tháng 11/2020, Trung Quốc được Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cấp chứng nhận cho Pao Cai - một món rau ngâm xuất xứ từ Tứ Xuyên. Ngay lập tức, truyền thông xứ này gọi đây là "tiêu chuẩn quốc tế cho ngành công nghiệp kim chi do Trung Quốc dẫn đầu" khiến cư dân mạng Hàn Quốc "dậy sóng" cáo buộc Trung Quốc với hành vi "ăn cắp".

Netizen Trung Quốc cho rằng, trang phục hanbok mà người Hàn Quốc đang mặc là của Trung Quốc - Ảnh: Opera News
Netizen Trung Quốc cho rằng, trang phục hanbok mà người Hàn Quốc đang mặc là của Trung Quốc - Ảnh: Opera News

Không lâu sau đó, vào tháng 2/2021, người dùng mạng xã hội Trung Quốc đã phản pháo bằng cách cho rằng, bộ trang phục truyền thống hanbok của Hàn Quốc chính là "trang phục có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng bị Hàn Quốc ăn cắp".

Nguyễn Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI