Ngư dân miền Trung điêu đứng vì dịch - Bài cuối: Xoay xở, mong dịch qua mau

30/08/2021 - 13:44

PNO - Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - hiện nay, người dân TPHCM khó tiếp cận với sản phẩm thủy hải sản đánh bắt tại miền Trung là do bốn yếu tố và vấn đề này chưa được quan tâm giải quyết.

Vừa đánh bắt, vừa phòng dịch

Dịch COVID-19 tại tỉnh Phú Yên đang diễn biến rất phức tạp. Các cảng cá vừa là vựa cung cấp hải sản, vừa là nơi tập trung rất đông người lao động nên UBND tỉnh Phú Yên triển khai nhiều biện pháp điều tiết tàu cá ra vào cảng, quản lý chặt người lao động. 

 

Nhiều tàu nhỏ đánh bắt cá gần bờ chỉ được số lượng ít và bán loanh quanh trong khu vực hẹp
Nhiều tàu nhỏ đánh bắt cá gần bờ chỉ được số lượng ít và bán loanh quanh trong khu vực hẹp

Tại cảng cá Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, thị xã Đông Hòa, trung bình mỗi ngày, có từ 15-20 tàu cá cập cảng và khoảng 40 phương tiện vận tải của các chủ vựa vào lấy hải sản. Đây là cảng cá đầu mối phân phối hải sản đến các chợ trong toàn tỉnh. Vừa qua, cảng cá Phú Lạc có một nhân viên bốc xếp hàng hóa dương tính với SARS-CoV-2. Liên quan đến trường hợp này, đã có năm người thuộc diện F1 đang phải cách ly tập trung.

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh Phú Yên phối hợp với bộ đội biên phòng và các cơ quan liên quan triển khai nhiều giải pháp quyết liệt phòng, chống dịch tại cảng. Theo ông Nguyễn Văn Lành - Phó trưởng Ban Quản lý cảng cá Phú Lạc - cảng chỉ cho phép mỗi lượt ba phương tiện vào bốc dỡ hàng hóa luân phiên. Mỗi tàu cá được phân bổ một chủ nậu thu mua hải sản để giải phóng nhanh hàng hóa ở cầu cảng.

Để hạn chế tập trung đông người, số khiêng cá tại cảng cũng được giảm từ 200 người xuống dưới 100 người. Các lao động thường xuyên làm việc tại cảng đã được trung tâm y tế thị xã test nhanh COVID-19.

Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam cũng duy trì lực lượng tại bốn lạch Phú Thọ 1, Phú Thọ 2, Phú Thọ 3 và Hòa Hiệp Trung, yêu cầu các phương tiện không cập các bến ngang nhằm hạn chế người dân tụ tập mua bán hải sản. Đồn hướng dẫn ngư dân đưa tàu thuyền về cảng cá Phú Lạc bốc dỡ, thu mua tập trung, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch.

Anh Đặng Văn Cường - Thuyền trưởng tàu cá PY94544TS - cho biết trước mỗi chuyến ra khơi, ban quản lý cảng cá và Đồn biên phòng Hòa Hiệp Nam đều đo thân nhiệt, tuyên truyền cho ngư dân chấp hành các biện pháp phòng dịch COVID-19 trên biển. Sau mỗi chuyến biển, thuyền cập cảng bán cá, các thuyền viên được thông báo ở yên trên thuyền để hạn chế tập trung đông người. Khi số lượng người tại cảng đã giảm, thuyền viên mới lên bờ kiểm tra thân nhiệt và trở về nhà.

Rao bán dạo loanh quanh

Ngư dân Bùi Văn Tấn - ở xã An Chấn, H.Tuy An, tỉnh Phú Yên - cho hay tàu công suất nhỏ đánh bắt ven bờ, đêm đi, sáng về bến rao bán cá trên Facebook, chốt giá, chốt số lượng rồi giao tận nhà.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tàu đánh bắt cá  ở khu vực miền Trung  không ra khơi đánh bắt
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều tàu đánh bắt cá ở khu vực miền Trung không ra khơi đánh bắt

Bà Phan Thị Hiền - ở xã An Phú, TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên - chia sẻ cách bán cá “né” dịch bệnh: “Tàu nhà tôi mùa này đánh bắt cá ồ, cá chù, cá nục. Nhiều người đặt mua 5kg, 10kg. Khi tàu về bến, tôi lựa cá ra bán đùm bán túm. Sau khi gói lớp lang, tôi chất lên xe chở đến nhà người mua, treo trước cửa ngõ. Nhà nào mua thì “thiết kế” cái rổ treo trước nhà, bỏ tiền trong đó. Bán cách này hay hơn là bán kiểu giãn cách ở chợ cá. Ở TP.Tuy Hòa, có trường hợp mắc bệnh ra chợ nên nhiều người nghe nói đi chợ cá là lắc đầu”.

Còn ông Huỳnh Văn Quốc - ở P.2, TP.Tuy Hòa - cho hay xóm ông trước đây là vùng đỏ, bị phong tỏa 21 ngày, nay chuyển sang vùng xanh, cũng nghiêm ngặt y vậy, người trong xóm phải “đi thưa về trình”. Nhà ông đi chợ trên mạng, tạo nhóm trên Zalo, đặt hàng giao tận chốt vùng xanh, người nhà ra lấy. 

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp (DN) thủy hải sản, qua đó giải quyết đầu ra sản phẩm cho ngư dân, trước mắt, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hai tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế sẽ giới thiệu các DN xuất khẩu tiểu ngạch liên hệ với các DN đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch để xuất khẩu sản phẩm; hướng dẫn kiến thức cơ bản để DN có thể xuất khẩu thủy hải sản vào thị trường nhiều nước bằng con đường chính ngạch… 

Ngư dân Bình Định vẫn yên tâm ra khơi

Tại cảng cá Quy Nhơn, những ngày này, có khoảng 250 tàu cá vào cảng, chủ yếu là tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa ở vùng biển Trường Sa. Giá cá ngừ sọc dưa bán tại cảng 18.000 đồng/kg. Theo bà Nguyễn Thị Hoa - một chủ nậu - đợt này, các tàu đánh bắt được khoảng 20-30 tấn cá, cá tươi, chất lượng cá ổn định. Với giá bán này, sau khi trừ chi phí bốc vác, mỗi tàu thu lãi gần 100 triệu đồng cho chuyến biển hai tuần. 

Ông Nguyễn Văn Thành - chủ một tàu cá tại thị xã Hoài Nhơn - cho biết sản lượng đánh bắt ổn định, giá bán được nên ngư dân tiếp tục ra khơi trong thời gian tới. Còn ông Nông Thanh Điền - chủ một tàu cá tại H.Phù Cát - cho biết lượng mực xà đánh bắt được cũng ổn định, tàu chuẩn bị ra khơi tiếp.

Ông Võ Giang - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng trong điều kiện nguồn lợi hải sản gần bờ ngày càng khan hiếm, ngư dân cần mạnh dạn vay vốn đầu tư máy móc, đóng tàu mới công suất lớn để đánh bắt xa bờ, nhất là ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa, là những ngư trường có lượng hải sản dồi dào, có giá trị kinh tế lớn. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ có kế hoạch phối hợp với các địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân mua sắm thêm các loại máy móc, trang thiết bị dò cá hiện đại, đầu tư thêm ngư lưới cụ mới nhằm đáp ứng nhu cầu đánh bắt hải sản ở vùng biển xa bờ, góp phần nâng cao sản lượng và kinh tế do nguồn lợi hải sản mang lại. 

Bốn yếu tố khiến hải sản “đóng băng”

Theo ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam - hiện nay, người dân TPHCM khó tiếp cận với sản phẩm thủy hải sản đánh bắt là do bốn yếu tố: 

Thứ nhất, chợ đầu mối thủy hải sản lớn nhất miền Nam là chợ đầu mối Bình Điền (TPHCM) đã đóng cửa. Đây là chợ duy nhất tập kết và phân phối thủy hải sản của các tỉnh về TPHCM. Trước đây, mỗi đêm, chợ này tiêu thụ gần 500 tấn thủy sản. Các đầu nậu thủy hải sản lớn không còn điểm để tập kết hàng từ các tỉnh miền Trung cũng như miền Tây.  

Thứ hai, ngư dân không thể vừa đánh bắt vừa vận chuyển vào TPHCM. Thông qua các đầu nậu thủy hải sản lớn, địa phương có đội ngũ vận chuyển chuyên nghiệp và mối lái tại điểm đến là TPHCM để tiêu thụ. Trước giờ, các đầu nậu bán vào chợ đầu mối cho các chủ vựa thủy hải sản, từ đó chủ vựa chuyển qua các chợ truyền thống và người tiêu dùng tới mua. Các đầu nậu thủy hải sản thường không bán trực tiếp vào siêu thị. Trong khi hiện tại, siêu thị là nơi mà người tiêu dùng có thể mua được hàng. Việc bán cho các siêu thị phải có hợp đồng, phương thức thanh toán, chiết khấu %, số lượng. Các đầu nậu thủy sản muốn bán hàng vào siêu thị phải thông qua bên thứ ba ký hợp đồng nên gặp khó khăn.

Thứ ba, việc vận chuyển qua các tỉnh để vào TPHCM bị kẹt do các chốt kiểm dịch từng địa phương chưa có chung một cách làm dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, trong khi thủy hải sản dễ hư hỏng nếu tắc trong khâu lưu thông. 

Thứ tư, tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện nay đang tập trung vào tiêu thụ nông sản cho các tỉnh miền Đông, miền Tây, chủ yếu là rau củ quả, trái cây và thịt, chưa quan tâm tới các sản phẩm thủy hải sản đánh bắt tươi sống từ miền Trung.

Ông Nguyễn Việt Thắng cho rằng, để việc tiêu thụ thủy hải sản cho ngư dân miền Trung được thuận lợi, việc đầu tiên là phải mở lại chợ đầu mối thủy hải sản Bình Điền. Có điểm tập kết, sẽ tạo được nguồn hàng thủy sản phong phú từ các tỉnh miền Trung đưa vào. Việc đi chợ hộ hiện nay chưa đảm bảo được nhu cầu của người dân, do đó nên chia sẻ gánh nặng mua lương thực với đội ngũ vận chuyển, giao nhận ngành hàng thủy sản từ các chợ đầu mối thủy sản; tiêm vắc xin cho đội ngũ giao nhận của các đầu nậu và chủ vựa thủy hải sản, là lực lượng có kinh nghiệm và nắm vững địa bàn giao nhận trong ngành thủy hải sản.

Chính quyền địa phương các tỉnh miền Trung trước hết phải tự giải quyết nguồn hàng thủy hải sản đánh bắt cho ngư dân tại chỗ; đẩy mạnh việc bảo quản các sản phẩm thủy hải sản đánh bắt bằng kho lạnh, tăng việc chế biến các sản phẩm thủy hải sản như phơi khô, đóng bịch để tiện vận chuyển. Đặc biệt, địa phương phải kết nối với tổ 970 nhằm giúp cho ngư dân tiêu thụ sản phẩm đánh bắt thông qua các combo hàng nông sản như cách làm của các địa phương miền Tây.

Trịnh Phan Sơn

Nhóm phóng viên miền Trung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI