Ngồi nhà bàn chuyện văn chương: Từ tình thế đến xu thế

09/09/2021 - 06:30

PNO - Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có lẽ sẽ còn rất lâu các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mới có thể tổ chức offline trở lại. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay vẫn chỉ có thể là phương thức kết nối online.

Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên 2021 vừa bế mạc ngày 4/9. Tất cả các hoạt động giao lưu, sinh hoạt văn chương đều qua hình thức online. Ngày 15/9 tới, một buổi giao lưu giữa các nhà văn Nga và Việt Nam cũng sẽ được thực hiện trên nền tảng Zoom. Văn chương cũng đã “vào cuộc” kết nối giao lưu online trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài. 

Phát huy vai trò của Zoom, Google meet ....

Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên 2021 (do Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức) diễn ra từ ngày 15/8-4/9, dành cho các cây bút sáng tác trong độ tuổi từ 10-18 tuổi cùng các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh viết cho thiếu nhi. Ngoài ra, còn có các khách mời từ TP.HCM và Hà Nội: nhà văn Lê Phương Liên, Phong Điệp, Văn Thành Lê và tiến sĩ giáo dục - dịch giả Nguyễn Thụy Anh. Các hoạt động trao đổi văn chương với khách mời đều được diễn ra dưới hình thức trực tuyến. 

Trại sáng tác văn học được tổ chức online là việc chưa từng có tiền lệ. Hội Nhà văn TP.HCM từng phải hủy các trại sáng tác khi dịch bệnh bùng phát trở lại. “Tất nhiên là nếu được tổ chức offline sẽ tốt hơn, nhưng trong thời điểm này, online lại giải quyết được nhiều vấn đề. Việc giao lưu trực tuyến cũng dễ dàng hơn nhiều cho các khách mời ở xa, như tôi ở TP.HCM vẫn có thể ngồi nhà kết nối trò chuyện với các bạn nhỏ ở Thái Nguyên” - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

Trại sáng tác bế mạc với kết quả tổng kết khá khả quan: các buổi giao lưu thu hút cây bút nhí tham gia, các chương trình sinh hoạt trực tuyến được thu phát lại, nhiều tác phẩm của trại viên gửi về được ban tổ chức trại đánh giá cao… Như vậy, sân chơi văn chương trực tuyến vẫn phần nào hiệu quả và có ý nghĩa trong thời gian dịch bệnh căng thẳng. 

Từ TP.HCM, nhà văn Văn Thành Lê kết nối qua Zoom để trò chuyện văn chương cùng các trại viên Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên 2021 (ảnh chụp màn hình)
Từ TP.HCM, nhà văn Văn Thành Lê kết nối qua Zoom để trò chuyện văn chương cùng các trại viên Trại sáng tác Văn học thanh thiếu nhi Thái Nguyên 2021 (ảnh chụp màn hình)

Ứng dụng Zoom, Google Meet cũng như các nền tảng trực tuyến đã được tận dụng và phát huy hiệu quả tích cực trong mọi lĩnh vực từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay. Tuy nhiên trong lĩnh vực văn chương, việc tận dụng phương thức giao lưu trực tuyến thời gian qua không nhiều. Thậm chí là chưa từng được nghĩ đến. Hội Nhà văn TP.HCM hiện đang tổ chức cuộc thi thơ Nhân nghĩa Đất Phương Nam thu hút sự tham gia của hàng trăm tác giả. 200 bài thơ của hơn 80 tác giả dự thi cũng đã lần lượt tuyển chọn đăng tải trên website của Hội Nhà văn TP.HCM. Dự kiến các tác phẩm đoạt giải sẽ được in sách.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - hiện tình hình dịch bệnh tại thành phố quá căng thẳng, nên việc tổ chức giao lưu thơ hay trò chuyện văn chương trực tuyến về phía hội vẫn chưa được dự định. 
Trong khi đó, một số cuộc thi/giải thưởng văn chương do các báo tổ chức thời gian qua chủ yếu làm lễ công bố kết quả và trao giải thông qua ứng dụng trực tuyến. Dù khó tạo được “không khí” như các sự kiện offline, nhưng cũng không vì thế mà kém hiệu quả.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng điểm mạnh của phương thức online là sự lan tỏa rộng rãi. “Giao lưu trực tuyến thực tế vẫn có những giới hạn về số lượng người tham gia hay vấn đề đường truyền internet. Nhưng thuận lợi là chương trình có thể thu phát lại, được chia sẻ rộng rãi, thậm chí có thể lan tỏa hiệu quả hơn cả những chương trình offline” - tiến sĩ - dịch giả Nguyễn Thụy Anh nhìn nhận. 

Giao lưu online là tương lai 

Việc kết nối, giao lưu và làm việc trực tuyến là giải pháp tình thế trong thời gian dịch bệnh, nhưng ngày càng phát huy hiệu quả và có thể sẽ trở thành xu thế trong tương lai. Nói như nhà văn Văn Thành Lê, đó có thể là “xu hướng lâu dài” khi online góp phần giải quyết được rất nhiều vấn đề, trong đó có cả bài toán kinh phí cho đơn vị tổ chức sự kiện. 

Tiến sĩ giáo dục -dịch giả Nguyễn Thụy Anh (phải) cho biết các chương trình đọc sách của CLB Đọc sách cùng con thời gian qua đều phải tổ chức online Nguồn ảnh: facebook nhân vật.
Tiến sĩ giáo dục -dịch giả Nguyễn Thụy Anh (phải) cho biết các chương trình đọc sách của CLB Đọc sách cùng con thời gian qua đều phải tổ chức online Nguồn ảnh: facebook nhân vật.

Qua ứng dụng Zoom, Chibooks đã tổ chức được một chuỗi các chương trình giao lưu tác giả - tác phẩm - vấn đề thời sự định kỳ vào mỗi sáng Chủ nhật hằng tuần. Câu lạc bộ Đọc sách cùng con của tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh thời gian qua cũng duy trì được các buổi sinh hoạt giới thiệu sách đều đặn cho các bạn nhỏ. Dịch bệnh không làm gián đoạn những tương tác, giao lưu của bạn yêu đọc sách qua những cuộc thi: Giới thiệu sách Viết&Vlog - Đọc xuyên mùa hè 2021, Làm bạn cùng sách...

Và sắp tới, một chuỗi các sự kiện có ý nghĩa về văn học thiếu nhi cũng được tổ chức trực tuyến trong khuôn khổ Festival Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương lần thứ 4 (dự kiến diễn ra từ ngày 25-27/9/2021) thông qua các nền tảng trực tuyến của Tập đoàn truyền thông Prima Media IA - đơn vị đồng tổ chức sự kiện. Buổi giao lưu giữa các nhà văn Nga và Việt Nam trên nền tảng Zoom vào ngày 15/9 nói trên nằm trong khuôn khổ chuỗi sự kiện này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, việc kết nối giao lưu trực tuyến với các nhà văn Nga cũng là dịp để các nhà văn hai nước cùng trao đổi, lắng nghe, chia sẻ những vấn đề văn chương trong nước, vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa các thế hệ và việc chuyển tải mã văn hóa thông qua văn học. Trong khuôn khổ Festival Văn học Nga khu vực Thái Bình Dương lần này cũng có những buổi tọa đàm về văn học thiếu nhi, xoay quanh các thể loại: văn học viễn tưởng, kỳ ảo… Đây cũng là cơ hội góp phần quảng bá văn học hai nước. 

Trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, có lẽ sẽ còn rất lâu các hoạt động văn hóa - nghệ thuật mới có thể tổ chức offline trở lại. Giải pháp tối ưu nhất hiện nay vẫn chỉ có thể là phương thức kết nối online. Ít tốn kém, hiệu quả, có thể kết nối xuyên biên giới và lan tỏa rộng rãi là những thuận lợi thấy rõ của giao lưu online. Việc tổ chức được những sự kiện giao lưu, sinh hoạt văn chương trực tuyến cũng là một trong những cách thức ít nhiều tạo được những sân chơi tinh thần ý nghĩa, cũng như sức sống cho văn chương trong nước thời điểm này.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI