Tiếp tục “nóng” vụ bảo hộ phim, kiểm duyệt phim chiếu mạng

07/09/2021 - 18:44

PNO - Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) vừa diễn ra, nhiều chuyên gia, đạo diễn tiếp tục góp ý, trong đó “nóng” chủ đề bảo hộ phim, kiểm duyệt phim chiếu mạng.

Vì dịch bệnh, Hội thảo góp ý Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) diễn ra trực tuyến, chỉ có mặt một số ít các diễn giả, khách mời. 

Tại hội thảo, một lần nữa vấn đề kiểm duyệt phim chiếu mạng tiếp tục trở thành chủ đề "nóng". Cụ thể, TS. Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam cho rằng theo xu hướng của thế giới, phim phát hành trên các kênh trực tuyến do các nhà cung cấp dịch vụ tự phân loại và dán nhãn, không phải chờ các cơ quan chức năng tiền kiểm. Toàn bộ đều theo hình thức “tự phân loại và hậu kiểm”.

Bà Ngô Phương Lan khẳng định nếu phim chiếu mạng tiền kiểm như phim chiếu rạp, sẽ không tổ chức nào có đủ tiềm lực về con người và tài chính để xử lý. Bà cũng đưa ra thắc mắc về việc thành lập 2 hội đồng phân loại mà Dự thảo nhắc đến.

Trailer Tay buôn buông tay - một trong những phim chiếu mạng từng được chú ý:

“Dự thảo nêu sẽ thành lập 2 loại Hội đồng phân loại, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và của tỉnh/thành, hoạt động theo phân cấp của chính phủ, nhưng chưa rõ phân cấp như thế nào? Hội đồng cấp tỉnh/thành sẽ cấp phép những loại phim gì? Giấy phép có giá trị toàn quốc và ra nước ngoài hay không? Tất cả cần được quy định rõ trong Luật sửa đổi”, bà Ngô Phương Lan cho rằng quy định còn quá chung chung, chưa rõ ràng.

Đồng ý với bà Ngô Phương Lan, GS.TS Trần Thanh Hiệp nhắc cụ thể hơn về công tác hậu kiểm, phân loại nhờ vào công nghệ. “Công nghệ không thay thế được con người nhưng trí tuệ nhân tạo, những thành tựu của công nghệ có thể trợ giúp đắc lực trong việc nhận biết phát hiện những cảnh khỏa thân khiêu dâm, bạo lực đẫm máu, bản đồ không đúng chủ quyền lãnh thổ và những nội dung bị cấm trong Luật Điện ảnh”, ông chia sẻ.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về vấn đề bảo hộ phim. Có diễn giả cho rằng không quan trọng số lượng phim ngoại nhập bằng việc nhà nước điều phối các phim ngoại như thế nào.

Hậu trường phim Ròm:

Góp ý Dự thảo, đạo diễn Hữu Tuấn nêu ý kiến: “Người làm phim chúng tôi không cần giới hạn số lượng phim ngoại, khán giả lại càng không cần. Cái mà người làm phim cần nhà nước bảo hộ là hạn chế năng lực cạnh tranh của phim ngoại, đồng thời gia tăng lợi thế cạnh tranh của phim Việt Nam trên thị trường Việt Nam”.

Anh lấy ví dụ về việc một phim bom tấn của Hollywood khi công chiếu có thể chiếm tới hơn 20 suất chiếu/ngày ở khoảng thời gian 2 tuần đầu, tức gần 100% thời gian mở cửa của các rạp chiếu phim trong một thời gian rất dài.

“Trong khi đó, một số phim Việt Nam nhiều khi chỉ được các rạp sắp xếp dưới 3 suất/ngày trong 2 tuần đầu. Để cho phim Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, chúng ta có thể quy định bắt buộc các rạp phải sắp xếp tối thiểu 6 suất chiếu/ngày cho tất cả các phim Việt Nam (phim có 50% vốn đầu tư trong nước trở lên), trong khoảng thời gian 2 tuần đầu tiên sau ngày công chiếu chính thức. Như vậy, phim Việt Nam sẽ có lợi thế nhất định tại thị trường Việt Nam”, nam đạo diễn cho biết.

GS.TS Trần Thanh Hiệp cũng không lo ngại số lượng phim ngoại, mà điều ông lo nằm ở nội dung, chất lượng phim. Trước dịch COVID-19, trong các năm 2018, 2019 năm nào cũng có trên 230 phim truyện nước ngoài, 40 phim truyện Việt Nam chiếu trên hệ thống các rạp. Doanh thu mỗi năm trên 4.000 tỷ. Nhưng cần tỉnh táo để nhìn nhận lại, khán giả đang được ăn “món ăn” tinh thần nào thay vì chăm chú vào những con số.

Theo ông, năm 2018 có 25 phim nước ngoài khi trình duyệt không được phép phổ biến. Năm 2019 có 25 phim. Năm 2020 có 23 phim nhưng số phim ma, phim kinh dị, phim xác sống, phim đồng tính, phim hành động chiếm một tỉ lệ lớn. Ông cho rằng cần phải chú trọng hơn vào chất lượng phim ngoại nhập vì các đơn vị phát hành đang quan trọng lợi nhuận hơn giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật.

Trailer phim Chị Mười Ba:

Vấn đề làm “nóng” hội thảo tiếp theo nằm ở nội dung Quỹ Điện ảnh Việt. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, khẳng định: “Hiện tại ở Việt Nam, Quỹ Điện ảnh đang tồn tại trên văn bản mà chưa có hoạt động trên thực tế. Đó là một thiệt thòi lớn đối với các nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Bà Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng các nhà làm phim, đặc biệt là nhà làm phim trẻ vẫn phải vật lộn với việc tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính và họ mong đợi sự vận hành của Quỹ Điện ảnh. Do đó, cần có cơ chế để đưa Quỹ vào hoạt động, vận hành nhằm kịp thời hỗ trợ các tài năng trẻ làm phim.

Còn lại, các diễn giả tập trung nhắc đến việc nâng mức phạt với các lỗi đã được quy định từ trước. GS.TS Trần Thanh Hiệp nhắc lại vụ việc nhiều ê-kíp đưa phim dự thi Liên hoan phim quốc tế khi phim của họ chưa được cấp phép phổ biến. Sau khi dự các liên hoan về, theo quy định của Luật Điện ảnh, các đơn vị sẽ bị Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử phạt. Tuy nhiên, ông cho rằng số tiền phạt còn ít, chưa đủ răn đe, thậm chí sự việc vô tình trở thành phương tiện quảng bá cho phim khi về nước.

“Làm sao để luật được thực hiện nghiêm, có chế tài đủ mạnh, không có kẽ hở, không ai được phép đùa với pháp luật, không ai dám chủ ý vi phạm pháp luật cũng là vấn đề nên chăng cần được tính đến”, GS.TS Trần Thanh Hiệp nói.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI