Thấp thỏm qua "cầu già"
Nằm trên Quốc lộ 46C, cầu treo sông Giăng (xã Cát Ngạn, tỉnh Nghệ An) phục vụ đi lại, giao thương cho khoảng 65.000 người dân trong vùng. Cầu dài 120m, rộng hơn 4m, được xây dựng từ năm 1985, đưa vào sử dụng năm 1987.
Sau hàng chục năm sử dụng, cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, không còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua cầu. Theo đánh giá của Cục Đường bộ Việt Nam, cầu treo sông Giăng hiện không còn phù hợp và đồng bộ với tải trọng, lưu lượng ngày càng tăng; không đáp ứng được việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và phát triển kinh tế vùng; tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cầu và an toàn giao thông.
 |
Cầu treo sông Giăng đã xuống cấp nghiêm trọng, phương tiện có trọng tải trên 5 tấn bị cấm qua cầu |
Nhìn cảnh người dân xếp hàng chờ qua cây “cầu già”, bà Hoàng Thị Phúc - 63 tuổi, trú xã Cát Ngạn - cho biết: “Chưa nói đến xe tải, chỉ ô tô bình thường đi qua cầu đã rung lắc mạnh”. Người dân 2 bên bờ sông Giăng vẫn chưa quên vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào 5 năm trước, 1 xe máy va chạm ô tô trên cầu, khiến cả 2 phương tiện cùng rơi xuống sông, 5 người tử vong .
“Qua cầu lúc nào cũng thấp thỏm vì nó rung lắc, nhất là vào mùa mưa bão. Đây là cây cầu duy nhất bắc qua sông Giăng để người dân các xã qua lại, vì vậy lượng người và xe cộ qua lại hằng ngày rất nhiều. Mấy năm nay, những lần tiếp xúc cử tri, người dân đều kiến nghị xây cầu cứng thay thế, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì” - bà Phúc nói.
Để đảm bảo an toàn, năm 2023, cầu treo sông Giăng được gia cố thêm cáp đỡ dưới dầm cầu. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời giúp giảm rung lắc chứ chưa đảm bảo được tính chịu lực của cầu. Đến nay, không chỉ mặt cầu mà các mố neo của cầu đã xuống cấp, bong tróc. Cáp treo cũ kỹ, hệ thống lan can 2 bên cầu được làm bằng những thanh sắt nhỏ, chịu lực kém.
Do cầu quá yếu, đơn vị quản lý đã cho cắm hàng loạt biển cảnh báo ở 2 đầu cầu và cho dựng hàng rào cọc tiêu, thuê người túc trực, phân luồng để hạn chế xe tải lớn qua cầu. “Chúng tôi được thuê canh gác ở đây từ mấy năm trước. Vì cầu yếu nên ô tô chỉ được qua từng chiếc một. Có biển cấm xe trên 5 tấn, nhưng thực ra lâu nay chỉ có xe 2-3 tấn chạy qua cầu thôi. Xe tải hầu như không qua được, phải đi đường vòng, xa hơn 10km” - ông Trần Đình Tân - 1 trong 2 người được thuê làm nhiệm vụ gác chắn cầu sông Giăng - nói.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, việc xây cầu sông Giăng mới thay thế cầu treo hiện tại là rất cần thiết và cấp bách. Tháng 6/2024, cục đã trình Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) phê duyệt báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây cầu sông Giăng mới với 3 phương án. Ông Nguyễn Hồng Nhâm - Phó chủ tịch UBND xã Cát Ngạn - cho biết, đến nay dự án này vẫn “án binh bất động” dù cây “cầu già”, “lắm bệnh” vẫn đang phải oằn mình phục vụ người dân 2 bên bờ sông Giăng.
Nhu cầu giao thông và vận chuyển hàng hóa, nông sản qua cầu treo sông Giăng ngày càng lớn, nhưng do cầu yếu, gây khó khăn rất lớn cho người dân, kìm hãm sự phát triển kinh tế địa phương.
Rà soát, sửa chữa toàn bộ cầu treo
Cầu treo Đò Rồng (xã Tam Đỉnh, tỉnh Nghệ An) dài 270m, rộng 2,4m được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Đến nay, cầu đã xuất hiện vết nứt chạy từ thân trụ xuống móng; nhiều tấm bê tông trên mặt cầu liên kết không còn liền mạch, tạo ra những khe hở; hệ thống lan can, thanh dầm, ốc vít đã bị gỉ sét… Ông Trần Minh Hoàn - Phó chủ tịch UBND xã Tam Đỉnh - cho biết, cầu treo Đò Rồng phục vụ đi lại cho hơn 1.000 hộ dân trên địa bàn.
Để đảm bảo an toàn, đặc biệt là khi mùa mưa lũ cận kề, chính quyền địa phương đã lắp đặt biển cảnh báo, thanh chắn giới hạn chiều cao và tải trọng để ngăn xe trên 2,5 tấn qua cầu. Ngoài ra, 2 cột đèn tín hiệu ở 2 đầu cầu cũng được dựng lên để điều tiết giao thông, tránh việc nhiều phương tiện cùng lúc đi trên cầu.
Tỉnh Nghệ An hiện có 70 cầu treo, tập trung chủ yếu ở các xã vùng cao. Trải qua hàng chục năm, lại thường xuyên chịu tác động của mưa lũ nên nhiều cầu đã xuống cấp, nhiều hạng mục bị gỉ sét, bào mòn khiến người qua cầu bất an. Tháng 3/2024, cầu treo Kẻ Nính (xã Quỳ Châu) dài 237m, bất ngờ đổ sập hoàn toàn xuống sông Hiếu. May mắn là vào thời điểm này cầu đã cấm người và các phương tiện qua lại để chuẩn bị tu sửa.
Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định, do sụt lún đất nền dưới thanh neo ở mố cầu M2, gây ra sự dịch chuyển làm gãy sập của thanh neo, kéo theo trụ tháp, dẫn đến toàn bộ nhịp treo cầu bị sập.
Cầu treo chủ yếu là dạng cầu dây võng, với trụ cổng làm bằng thép hoặc bê tông dầm thép; mặt cầu bằng thép hoặc gỗ. Ưu điểm của loại cầu này là kinh phí đầu tư thấp, thuận tiện cho việc xây dựng ở nơi có địa hình phức tạp. Tuy nhiên, loại cầu này có khổ hẹp, tải trọng thấp. Hơn nữa, do cầu làm bằng thép, chịu tác động nhiều của thời tiết nên cần bảo dưỡng và sửa chữa thường xuyên.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Sở Xây dựng cùng chính quyền địa phương rà soát toàn bộ hệ cầu treo trên địa bàn để kịp thời sửa chữa, khắc phục và tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn như cắm biển chỉ dẫn, biển báo… khi mùa mưa bão cận kề. Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cho biết, hiện đơn vị đang rà soát, kiểm tra để đánh giá thực trạng hệ thống cầu treo trên địa bàn nhằm tham mưu UBND tỉnh phương án tổng thể sửa chữa, khắc phục những cây “cầu già” đã xuống cấp, hư hỏng.
Hồ đập xuống cấp, cần sửa chữa gấp Tỉnh Hà Tĩnh có 348 hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích trên 1,6 tỉ m3. Hệ thống hồ chứa này không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hơn 58.000ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, sản xuất mà còn có nhiệm vụ giảm lũ và cải thiện môi trường sinh thái hằng năm. Tuy nhiên, phần lớn các công trình này được xây dựng từ 40-50 năm trước, hiện đã xuống cấp nghiêm trọng do tác động thời gian, thiên tai và thiếu kinh phí bảo trì. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã sửa chữa, nâng cấp 35 hồ chứa với kinh phí hơn 350 tỉ đồng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 116 hồ chứa bị hư hỏng, cần kinh phí nâng cấp, sửa chữa. Trong đó có 44 công trình bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao, cần có giải pháp khắc phục khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho người dân. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ hơn 559 tỉ đồng để khẩn cấp sửa chữa, nâng cấp 44 hồ đập trọng yếu nhằm đảm bảo an toàn cho mùa mưa lũ năm 2025 và các năm tiếp theo. Với số công trình còn lại, tỉnh sẽ huy động nguồn lực địa phương để từng bước xử lý, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du. Còn tại tỉnh Nghệ An, hơn 100 trong tổng số 1.061 hồ đập cũng đang cần được sửa chữa cấp bách. Ông Nguyễn Trường Thành - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An - cho biết, phần lớn hồ đập đã được xây dựng hơn 40 năm và xây dựng theo lối thủ công nên cần phải được gia cố lại. Nhưng do nguồn kinh phí eo hẹp nên chưa thể sửa chữa cùng một lúc nhiều hồ đập. Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, hằng năm đơn vị đều yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý phải thường xuyên kiểm tra thực trạng trước, trong và sau mùa mưa bão; sẵn sàng các phương án dự phòng khi có sự cố xảy ra. |
Phan Ngọc