Ngày trở về của những cổ vật bị đánh cắp

23/12/2022 - 07:06

PNO - Hôm 20/12, Đức đã trả lại 22 tác phẩm đồ đồng Benin cho Nigeria như một phần trong nỗ lực lớn hơn của các quốc gia phương Tây nhằm tìm cách hồi hương các cổ vật bị đánh cắp từ châu Phi và những nơi khác trên thế giới.

Trả cổ vật về quê hương của chúng 

Đồ đồng Benin bao gồm những tạo tác bị lính Anh cướp phá từ Vương quốc Benin - nay thuộc miền Nam Nigeria - vào năm 1897. Người dân Nigeria đã yêu cầu trao trả trong hơn 1 thập niên nhưng các quốc gia phương Tây mới chỉ bắt đầu đáp lại lời kêu gọi trong những năm gần đây. Đợt chuyển giao vừa qua là bước đầu tiên của Đức trong việc thực hiện thỏa thuận với Nigeria, hoàn trả tất cả 1.130 tạo tác đồng Benin từ các bảo tàng ở Đức. 

Một bức tượng đồng Benin được lưu giữ tại một bảo tàng ở TP Cologne, Đức. Ước tính 90% tác phẩm nghệ thuật  bị đánh cắp của châu Phi đang nằm tại châu Âu - ẢNH: DW
Một bức tượng đồng Benin được lưu giữ tại một bảo tàng ở TP Cologne, Đức. Ước tính 90% tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp của châu Phi đang nằm tại châu Âu - Ảnh: DW

Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock thừa nhận việc trả lại các cổ vật sẽ không chữa lành mọi vết thương trong quá khứ. Dù vậy, đây là bước quan trọng trong việc khắc phục “lịch sử thuộc địa đen tối” của Đức. Bà Baerbock nói thêm, Đức và các nước châu Âu khác phải lắng nghe những nạn nhân của chế độ thực dân và tìm cách bồi thường.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Văn hóa Nigeria Alhaji Lai Mohammed chia sẻ: “20 năm trước, thậm chí 10 năm trước, không ai có thể đoán được những tác phẩm đồng này sẽ quay trở lại Nigeria. Nhưng hôm nay, với hành động tiên phong của một quốc gia thân thiện là Đức, câu chuyện đã thay đổi”.

Vào tháng Tám, Mỹ trao trả cho Campuchia 30 cổ vật bị đánh cắp, bao gồm các bức tượng bằng đồng và đá mang hình những vị thần Phật giáo và Ấn Độ giáo được chạm khắc hơn 1.000 năm trước. Các địa điểm khảo cổ của Campuchia - bao gồm Koh Ker - thủ đô của đế chế Khmer cổ đại - đã bị cướp bóc trên diện rộng trong các cuộc xung đột dân sự giữa những năm 1960 và 1990.

Damian Williams - công tố viên liên bang hàng đầu ở quận Manhattan, New York (Mỹ) - cho biết, số cổ vật được các viện bảo tàng và nhà sưu tập tư nhân của Mỹ tự nguyện trao trả. Vào năm 2021, văn phòng luật sư quận Manhattan cũng đã hồi hương 27 cổ vật cho Campuchia. Vào năm 2014, các công tố viên liên bang đã trả lại Duryodhana - một tác phẩm điêu khắc bằng đá sa thạch từ thế kỷ X - cho Campuchia, sau khi dàn xếp với nhà đấu giá Sotheby’s. 

Phong trào hồi hương cổ vật cũng nở rộ ở các nước khác. Năm 2021, tổng cộng 28 di vật của Iran - bị buôn lậu ra nước ngoài từ nhiều thập niên - đã được đưa về quê hương từ Vienna, Áo. 

Sự thay đổi còn mong manh

Trong nhiều thập niên, các viện bảo tàng phương Tây tìm mọi cách để sưu tầm những cổ vật trên khắp thế giới. Chẳng hạn, vào những năm 1960, một số bảo tàng tại Mỹ coi việc theo đuổi các hiện vật có giá trị như thể đó là một trò chơi săn lùng kho báu. Ngày nay, thái độ đã thay đổi và các bảo tàng chịu áp lực rất lớn trong việc trả lại các tác phẩm từng bị đánh cắp. Thế nhưng dù phong trào hồi hương cổ vật đã xuất hiện từ hơn 1 thập niên trước, tốc độ thực hiện chỉ tăng nhanh trong những năm gần đây. 

Elizabeth Marlowe - Giám đốc chương trình nghiên cứu bảo tàng tại Đại học Colgate (Mỹ) - nói rằng, sự gia tăng số lượng bảo tàng tại Mỹ tham gia hồi hương cổ vật là phản ứng chính đáng, sau hơn 1 thế kỷ săn tìm kho báu, lợi dụng các xã hội dễ bị tổn thương bởi nghèo đói, chiến tranh hoặc bất ổn chính trị. 

Với những trường hợp di sản văn hóa và tài sản bị đánh cắp hoặc cướp phá, các viện bảo tàng và chính quyền phương Tây dường như đồng thuận về phương án trao trả. Ngược lại, họ từ chối hồi hương các hiện vật được sở hữu thông qua mua bán và các cách thức hợp pháp khác. Vấn đề là chính các viện bảo tàng chịu trách nhiệm đánh giá nguồn gốc của các cổ vật trong khi họ có quyền lợi nhất định trong việc giữ chúng.

Tổng doanh số bán tác phẩm nghệ thuật và cổ vật toàn cầu đạt mức 50,1 tỉ USD vào năm 2020. Theo số liệu của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (INTERPOL), hơn 850.000 hiện vật văn hóa đã được các cơ quan thực thi pháp luật thu giữ trên toàn cầu vào năm 2020. Họ cảnh báo hoạt động buôn bán trái phép và cướp bóc di sản văn hóa đã gia tăng đáng kể trong thập niên qua, một phần do quá trình toàn cầu hóa thị trường, các dòng chảy tiền tệ luân chuyển trở nên dễ dàng hơn. 

Theo Eric Falt - Giám đốc UNESCO tại New Delhi, Ấn Độ - giữa bối cảnh ngày càng có nhiều sự công nhận về tính không thể chuyển nhượng của tài sản văn hóa khỏi nơi xuất xứ, các bên liên quan phải cùng nhau hợp tác để chống buôn bán cổ vật bất hợp pháp. 

 TẤN VĨ

(theo New York Times, FT, Guardian, Tehran Times, UNESCO)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI