“Giấc mơ” của văn chương Việt

04/07/2025 - 08:10

PNO - Xuất khẩu sách, giao lưu văn chương ở các quốc gia và khu vực, sách đoạt giải có thể lọt vào danh sách bán chạy nhất… là những kỳ vọng dành cho sách Việt bao năm qua. “Giấc mơ” ấy vẫn luôn được nhắc nhớ mỗi dịp có sự kiện giao lưu với nhà văn các nước.

Nhiều nỗ lực giao lưu

Nhà văn Đông Tây (Trung Quốc) vừa có những buổi giao lưu văn chương tại TPHCM. Đây là một hoạt động trong chuỗi chương trình Giao lưu văn học Việt - Trung lần thứ nhất năm 2025. Trước đó, nhà văn Bỉ gốc Trung Quốc Tạ Lăng Khiết cũng đã đến TPHCM giao lưu nhân dịp tiểu thuyết Song nguy thuyền của bà được Chibooks phát hành. Gần đây, Hội Nhà văn TPHCM và các đơn vị làm sách cũng rất nỗ lực đưa các nhà văn nước ngoài đến Việt Nam giao lưu. 2 nhà văn Hàn Quốc Pyun Hye Young, Choi Eun Young có mặt tại các sự kiện gặp gỡ văn chương Việt - Hàn thường niên. Nhà văn Pháp Michel Bussi, Marc Levy… cũng từng đến giao lưu tại TPHCM.

Các tác phẩm best-seller hiếm hoi của văn chương Việt trong những năm qua
Các tác phẩm best-seller hiếm hoi của văn chương Việt trong những năm qua

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Chi - cho biết dự kiến trong thời gian tới, chị sẽ kết nối và mời nhà văn Lưu Chấn Vân đến Việt Nam. Đông Tây và Lưu Chấn Vân đều là những tên tuổi lớn của văn học Trung Quốc. Chibooks là đơn vị rất tích cực trong việc chuyển ngữ, phát hành các tác phẩm văn học Trung Quốc cũng như tổ chức các buổi giao lưu online/offline cho các nhà văn Trung Quốc tại Việt Nam. Theo nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - những buổi giao lưu văn chương không những giúp tăng cường trao đổi văn học, nghệ thuật giữa Việt Nam và Trung Quốc mà còn góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa người viết và độc giả 2 nước.

Các trường đại học (ĐH) tại Việt Nam cũng thường tổ chức các sự kiện để sinh viên có cơ hội giao lưu với các nhà văn nước ngoài. Nhà văn Đông Tây, Diêm Liên Khoa… từng giao lưu tại trường ĐH Văn Lang, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia TPHCM. Nhà văn Nga Evgeny Vodolazkin, nhà văn Hàn Quốc Cho Chang-in đến với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội; nhà văn Mỹ từng đoạt giải Pulitzer Robert Olen Butler từng trò chuyện với sinh viên ĐH Hoa Sen…

Về phía nhà văn Việt Nam, dù cơ hội “ra thế giới” chưa nhiều nhưng cũng đã có được những nỗ lực ban đầu: các nhà văn trẻ Huỳnh Trọng Khang, Lê Quang Trạng… từng tham gia các sự kiện giao lưu tại Hàn Quốc; tác giả Nguyễn Tuấn Quỳnh, Đỗ Quang Tuấn Hoàng… dự hội nghị văn chương trẻ ở Trung Quốc. Đại diện Hội Nhà văn TPHCM, Hội Nhà văn Việt Nam từng đến giao lưu tại Hàn Quốc, Palestine… Tuy nhiên, khi tác phẩm của mình chưa được chuyển ngữ, phát hành ở các nước khác, nhà văn Việt ít có cơ hội được bạn đọc nước ngoài biết đến hoặc mời đến giao lưu.

Trông người mà ngẫm đến ta

Trong buổi giao lưu gần đây, nhà văn Đông Tây đã chia sẻ về số lượng phát hành các tác phẩm của ông cũng như của các nhà văn Trung Quốc nói chung. Theo đó, có những tác phẩm sau khi được trao giải thưởng đã bán rất chạy với con số phát hành gần 400.000 bản. Khoảng 5% nhà văn Trung Quốc hiện nay đang có lượng sách phát hành từ 100.000 bản trở lên. Trung bình, sách của các tác giả nước này thường được in từ 5.000-10.000 bản. Hiển nhiên, chúng ta không thể so sánh và “ganh tị” với lượng sách phát hành ở đất nước tỉ dân. Dù vậy, việc sách bán chạy vượt trội sau khi nhận giải thưởng văn chương ở quốc gia này là một điều rất đáng mong đợi đối với các tác giả, đơn vị làm sách nước ta.

Chỉ tính riêng sách văn học, hằng năm ở Việt Nam có rất nhiều tác phẩm được tôn vinh nhưng không ít tựa sách trong số đó bị “rơi vào quên lãng”. Sách văn học hiện đang lép vế trên thị trường sách là thực tế không thể phủ nhận. Số lượng in mỗi đầu sách trung bình chỉ trên dưới 1.000 bản, hiếm có tác phẩm nào được tái bản dù được tôn vinh ở các giải thưởng văn chương. Còn các tác phẩm được phát hành từ 5.000-10.000 bản đã có thể được xếp vào hàng sách best-seller (sách bán chạy nhất).

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường xuyên có tác phẩm phát hành lên đến cả trăm ngàn bản, chưa có nhà văn nào có thể vượt qua kỷ lục này. Trong khi đó, nhiều tựa sách các thể loại phi hư cấu lại có khả năng phát hành vạn bản. Điều này phần nào phản ánh nhu cầu đọc sách của số đông, đặc biệt là bạn đọc trẻ hiện nay. Bên cạnh đó, sự năng động và tích cực của các cây bút trẻ trong công tác truyền thông, quảng bá tác phẩm trên các nền tảng mạng xã hội cũng góp phần giúp sách “bán chạy” hơn.

“Trông người mà ngẫm đến ta…” để rồi lại thở dài với thực trạng của sách văn học Việt hiện nay. Sở hữu tác phẩm best-seller, tác phẩm được “xuất ngoại” luôn là giấc mơ của người cầm bút lẫn nhà làm sách. Giấc mơ ấy luôn được nhắc nhớ trong những dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà văn/nhà làm sách nước ngoài.

Nhà văn Bích Ngân kỳ vọng dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Chibooks có thể nỗ lực giới thiệu tác phẩm Việt đến với bạn đọc Trung Quốc. Song, đó vẫn là hành trình đơn lẻ của vài cá nhân có tâm huyết còn câu chuyện ở tầm vĩ mô về quảng bá, phát triển và “xuất khẩu” văn chương dường như đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI