Ngành kỹ xảo Việt: Chinh phục nước ngoài, mờ nhạt trong nước

06/06/2023 - 10:00

PNO - Ngày nay không khó thấy những cái tên người Việt trong khâu làm hậu kỳ kỹ xảo những bộ phim lớn của nước ngoài.

Việt Nam đang là điểm đến gia công được các nhà sản xuất nước ngoài ưa chộng, khiến cung không đủ cầu. Nhưng trong nước, các nhà sản xuất lại chưa tận dụng hết tiềm lực của đội ngũ này.

Xuất ngoại” ấn tượng

Trong “bom tấn” hành động khoa học viễn tưởng Hàn Quốc Hiệp sĩ áo đen (Black Knight) phát trên Netflix ngày 12/5 qua, cuối phim, người ta thấy có đến gần 60 tên người Việt đảm nhận khâu hậu kỳ kỹ xảo (Visual effects). Họ thuộc 3 studio ở Việt Nam là Bad Clay Studio, CYCLO và OPIM Digital.

Những mô hình giấy của các chú cá, cô mực cùng những hình ảnh 3D của cá voi xanh, cá heo, cá voi sát thủ xuất hiện trong phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo được tạo nên bởi đội ngũ Việt của Bad Clay Studio
Những mô hình giấy của các chú cá, cô mực cùng những hình ảnh 3D của cá voi xanh, cá heo, cá voi sát thủ xuất hiện trong phim Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo được tạo nên bởi đội ngũ Việt của Bad Clay Studio

10 năm trở lại đây, Việt Nam dần trở thành nơi gia công đáng tin cậy trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh của nhiều “bom tấn” nước ngoài. Sự phát triển của Visual effects (VFX) Việt Nam thể hiện qua việc nhà sản xuất các phim Hàn đình đám mà Netflix đầu tư thường tin tưởng lựa chọn các studio Việt tham gia hậu kỳ. Từ đầu năm đến nay, có thể kể đến phim The Glory 2, Black Knight, Jung-E, Unlocked.

Không chỉ phim Hàn, nhiều bom tấn Hollywood cũng có sự đóng góp của đội ngũ làm kỹ xảo người Việt. Đáng chú ý, nếu trước đây, lực lượng nhân sự VFX đảm nhận vị trí chủ chốt trong các dự án lớn thường là những người kỳ cựu thì giờ đây nhiều người còn đang là học viên cũng tham gia. Trong đó, đông đảo nhất là học viên của học viện MAAC - nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện nay đào tạo về ngành kỹ xảo và hoạt hình.

Sự tăng trưởng của ngành VFX Việt còn được thấy ở việc ngày càng có nhiều studio trẻ như OPIM Digital, The May, Magnon tham gia những dự án “khủng” với chất lượng cao, bên cạnh những studio kỳ cựu như Bad Clay Studio, CYCLO hay SPARX*. Với điện ảnh trong nước, giờ đây ê kíp không còn phải ra nước ngoài làm hậu kỳ kỹ xảo nữa và hầu như phim nào cũng ít nhiều dùng kỹ xảo.

Tuy nhiên, điện ảnh nội thiếu những dự án để nhân sự trong nước thể hiện dấu ấn tay nghề cao. Thảng hoặc mới có một vài phim như Trạng Tí phiêu lưu ký, Hai Phượng, Thanh Sói, Maika - Cô bé đến từ hành tinh khác, Mắt biếc, Em và Trịnh, series Lật mặt phô diễn kỹ xảo tốt.

Anh Thierry Nguyễn - người sáng lập Bad Clay Studio - nêu lý do: “Ở nước ngoài họ có thể dành 10 - 50% kinh phí cho VFX, còn ở Việt Nam, nhà làm phim khó có thể dành nhiều tiền làm kỹ xảo vì kinh phí phim không cao. Một phim Việt có 300 shot kỹ xảo đã là nhiều, phim nước ngoài cả ngàn shot là thường. Chung quy vì thị trường trong nước còn nhỏ, khán giả cũng không đánh giá cao chất lượng phim Việt. Khi nhận dự án phim Việt, chúng tôi luôn phải nói chuyện với nhà sản xuất để tính kinh phí phần này sao cho hợp lý với kinh phí cả phim”.

Trailer phim Glory 2 - bộ phim có sự góp mặt cửa VFX Việt:

 

Thị trường nhiều tiềm năng

Điện ảnh Việt còn khó tạo dấu ấn kỹ xảo vì dòng phim chủ đạo là phim hài, tâm lý, tình cảm trong khi thể loại hành động, khoa học viễn tưởng, giả tưởng rất ít; mà đây mới là đất dụng võ của kỹ xảo. Trạng Tí phiêu lưu ký là phim Việt giữ kỷ lục về kỹ xảo hiện nay với hơn 1.000 shot.

Tuy chưa thể dành nhiều tiền cho khâu hậu kỳ kỹ xảo, đáng mừng là các nhà làm phim đã có sự chuyển biến nhận thức về tầm quan trọng của VFX. Anh Thierry Nguyễn cho biết: “Trước đây nhà sản xuất thường quay xong mới liên hệ với đội ngũ làm kỹ xảo để nhờ can thiệp hình ảnh, nhưng giờ đây 2 bên phối hợp chặt chẽ ngay từ khâu kịch bản. Các dự án dù lớn hay nhỏ cũng chuẩn bị kỹ phần VFX. Mỗi năm chúng tôi cố gắng nhận từ 1-3 phim Việt có nhiều kỹ xảo. So với làm cho phim nước ngoài, lực lượng làm cho phim Việt chúng tôi luôn cố gắng tinh gọn nhất nhưng hiệu quả cao nhất để giúp nhà sản xuất giảm gánh nặng”. Phim Việt ít cần nhưng phim nước ngoài “khát” nhân lực Việt làm kỹ xảo.

Trạng Tí phiêu lưu ký là phim Việt giữ kỷ lục về kỹ xảo hiện nay
Trạng Tí phiêu lưu ký, phim Việt giữ kỷ lục về kỹ xảo hiện nay

Anh Võ Huy Giáp - giám đốc đào tạo học viện MAAC - cho biết: “Không năm nào MAAC đáp ứng đủ nhân sự mà các studio cần. Mỗi năm MAAC chỉ có thể đào tạo khoảng 20 người, trong khi các studio mới tuyển dụng liên tục. Có nơi cần 50 người, có nơi thậm chí cần đến 200 người như SPARX*. Khâu đào tạo gặp khó vì đội ngũ giảng viên không nhiều, thiếu những người có kinh nghiệm thực tế để truyền dạy lại”. 

Ngày 28/5 qua, Học viện MAAC đã “xuất xưởng” 46 học viên  tốt nghiệp khóa VFX & Animation lứa đầu tiên. Hầu hết học viên đều được các studio tuyển dụng sau khi ra trường. Điều này cho thấy tiềm năng của nghề này rất lớn. Theo anh Võ Huy Giáp, trước đây học viên của MAAC là những người đã có việc làm, học kỹ xảo vì đam mê, muốn biết thêm; nhưng từ 2 năm nay, ngày càng có nhiều học sinh cấp III ghi danh.

Giới trẻ hiện nay mê game không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn có nhu cầu tìm hiểu cách làm, nhiều bạn trẻ thích kỹ xảo điện ảnh vì “ma thuật” nó mang lại, do đó số lượng học viên tăng mỗi năm và trẻ hóa”. Dù trình độ làm kỹ xảo của đội ngũ trong nước đã tiến bộ rất nhiều so với trước, nhưng để đạt tới kỹ xảo tầm cao, khó như trong các phim Hollywod thì theo anh Thierry Nguyễn, phải nhiều năm nữa mới làm được.

Theo thống kê của upcomingvfxmovies, tính đến hết năm 2022, phim có kỹ xảo nhiều nhất trong lịch sử điện ảnh đã vượt qua con số 4.500 shot. Đó là phim sử thi của Bollywood năm 2015 - Baahubali: The Beginning. Tiếp theo là các phim Son of Sardaar (2012, 3.800 shot), Ra.One (2011, 3.500 shot) đều của Bollywood. Phim Avatar: The Way of Water đứng thứ tư (3.250 shot). 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI